| Hotline: 0983.970.780

Năng suất, sản lượng giảm!

Thứ Năm 10/10/2013 , 10:11 (GMT+7)

Đánh giá sơ bộ bước đầu diện tích lúa bị ảnh hưởng mưa tỷ lệ lép khá cao, làm giảm khoảng 20% năng suất lúa.

* Các vùng ảnh hưởng mưa kéo dài, NS giảm 20%

Sáng 9/10, tại tỉnh Thái Bình, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ hè thu, vụ mùa năm 2013 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2013 – 2014 tại các tỉnh phía Bắc.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, đại diện các Bộ, ngành TW, các doanh nghiệp và các Sở NN-PTNT khu vực phía Bắc. Ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT chủ trì và chỉ đạo hội nghị.

Đánh giá về tình hình sản xuất vụ hè thu, vụ mùa năm 2013 (thu mùa), báo cáo tại hội nghị cho thấy bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều khó khăn. Đã có 4 cơn bão đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc. Đợt mưa trên diện rộng từ ngày 2 - 10/9, đúng vào thời điểm lúa miền Bắc đang vào giai đoạn trỗ tập trung nên đã gây ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, thụ tinh và kết hạt của hàng trăm nghìn ha lúa. Đánh giá sơ bộ bước đầu diện tích lúa bị ảnh hưởng mưa tỷ lệ lép khá cao, làm giảm khoảng 20% năng suất lúa.

Đặc biệt, sâu bệnh hại tiếp tục phát sinh với những diễn biến phức tạp, lệch quy luật. Ngay từ đầu vụ tất cả các tỉnh phía Bắc đều bị dịch chuột phá hại nặng trên diện rộng, diện tích bị hại 33.497 ha. Các loại bệnh có tương quan với mưa bão cũng phát sinh nặng như bạc lá ở các tỉnh từ Bắc Trung bộ đến khu vực đồng bằng sông Hồng; lem lép hạt, nhện gié ở Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh đã tàn phá 56.651 ha (tăng 42%). Rầy nâu phát sinh và gây hại tại nhiều địa phương, tổng diện tích nhiễm toàn vùng khoảng 106.964 ha (tăng 48%).


Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh Quảng Trị, Bắc Giang và đại diện Hiệp hội TM giống cây trồng Việt Nam đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét bổ sung một số loại dịch, bệnh hại cây trồng thuộc vào diện quan tâm, hỗ trợ bởi chính sách của Nhà nước. Ông Trần Đức Nhu – PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho rằng, muốn làm được điều đó nên chăng Bộ sửa đổi thông tư 39 năm 2010.

Về một số kết quả sản xuất của toàn miền trong vụ thu mùa năm nay cho thấy so với năm 2012 thì tất cả các chỉ số về diện tích, năng suất, sản lượng đều giảm. Cụ thể, toàn miền Bắc đã gieo cấy lúa vụ mùa đạt 1.197,8 nghìn ha (giảm khoảng 1,4 nghìn ha). Nguyên nhân giảm diện tích gieo cấy chủ yếu do việc chuyển đổi một số diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả sang cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn và một phần diện tích đã chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp, thậm chí bị lỗ nên nông dân một số mơi bỏ ruộng, trả ruộng không gieo cấy như Hà Tĩnh, Thanh Hóa…

Về năng suất toàn miền ước đạt 47,3 tạ/ha, giảm 2,3 tạ/ha và sản lượng giảm khoảng 280 nghìn tấn. Nguyên nhân giảm là do diễn biến phức tạp của sâu bệnh, thời tiết: mưa, bão, thiếu nắng giai đoạn lúa trổ bông phơi màu, chuột phá hoại. Ngoài ra một số diện tích lúa bị nhiễm bệnh bạc lá, rầy nâu, sâu đục thân do điều kiện thời tiết mưa nhiều.

Với việc giảm cả 3 chỉ số, diện tích, năng suất, sản lượng trong vụ thu mùa, lãnh đạo Bộ NN-PTNT quán triệt toàn ngành và các địa phương cần chủ động tốt nhất các phương án sản xuất đối với vụ đông xuân tới đây. Trong đó đặc biệt chú ý diễn biến thời tiết để có kế hoạch bố trí lịch mùa vụ và cơ cấu giống một cách hợp lý để tránh những thiệt hại, mất mát cho nhân dân.

Ông Trần Xuân Định – Cục phó Cục Trồng trọt cho biết: “Quan điểm chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân tới đây của Bộ NN-PTNT vẫn là hạn chế tối đa trà xuân sớm, xuân trung (trừ những nơi có điều kiện đặc thù); mở rộng tối đa trà xuân muộn bằng những giống lúa ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt. Theo đó, kế hoạch sản xuất cho vụ này của toàn miền dự kiến gieo cấy 1.135 nghìn ha lúa và 933 nghìn ha rau màu các loại”.

Ông Trần Đức Nhu – PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị kiến nghị: “Bão lũ vừa rồi cũng gây thiệt hại quá lớn cho người dân, đặc biệt là cây cao su bị đổ, gãy quá nhiều. Vấn đề đặt ra là chính sách nào cho đồng bào vùng trồng cao su. Chất lượng giống hay biện pháp kỹ thuật để phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của vùng. Đề nghị hỗ trợ giống vụ đông xuân, nhất là các bộ giống có chất lượng tốt mới được công nhận".

Về sản xuất nông nghiệp ở địa phương, ông Nhu cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của Quảng Trị là dịch chuột phá hại cây trồng quá ghê sợ. Vụ vừa rồi, chúng tôi mua đến 10 tấn thuốc và mua 3.000đ/đuôi chuột nhưng xem chừng chuột vẫn chưa được hạn chế.

Đồng quan điểm với ông Nhu, ông Trần Văn Lập – PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An kiến nghị Nhà nước hỗ trợ kịp thời và mạnh hơn nữa cho đồng bào vùng bị thiệt hại do mưa bão gây ra để người dân có điều kiện tái sản xuất. Bộ NN-PTNT cần xem xét sửa đổi thông tư 39 năm 2010 để bổ sung tiêu chí được xét hỗ trợ đối với những loại dịch bệnh nguy hiểm phá hại cây trồng.

Trong khi nhiều tỉnh giảm cả 3 chỉ số thì tại Thái Bình năng suất vẫn đạt cao hơn năm trước và sản lượng vẫn đảm bảo mặc dầu có một số diện tích đất lúa kém hiệu quả đã được chuyển trồng cây khác.

Ông Trần Mạnh Báo đại diện cho Hiệp hội TM giống cây trồng Việt Nam phát biểu: “Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy sản xuất vụ mùa 2013 đều giảm cả về diện tích và năng suất. Trong khi đó tỉnh Thái Bình năng suất lại tăng. Điều này cho thấy công tác chỉ đạo sản xuất, cơ cấu mùa vụ là cực kỳ quan trọng. Vấn đề này, tại Thái Bình thực sự làm rất tốt”.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành, các địa phương và đặc biệt là nhân dân đã cố gắng từng bước khắc phục khó khăn để tăng cường sản xuất. Theo Thứ trưởng thì tình hình sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là thời tiết ngày càng phức tạp, chúng ta cần chọn một giải pháp an toàn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm không phải lúc nào cũng thuận lợi trong khi đầu vào vật tư nông nghiệp luôn cao và tăng. Về một số loại sâu, bệnh như bạc lá rất khó phòng trừ vì thế cần thay đổi cơ cấu giống để giảm thiệt hại. Các địa phương cần tuân thủ các chỉ đạo của Bộ và các Cục chuyên ngành. Các Cục cũng phải thường xuyên bám sát diễn biến sâu bệnh để hỗ trợ tối đa cho các địa phương.

Thứ trưởng yêu cầu trong sản xuất cần áp dụng các biện pháp thâm canh đồng bộ, nhất là mô hình cánh đồng mẫu lớn. Hiện Bộ đang trình Chính phủ để sửa quyết định 80 về tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm tốt nhất đối với vùng làm cánh đồng mẫu lớn. “Tôi lưu ý cánh đồng mẫu lớn không chỉ giới hạn mỗi cây lúa mà sẽ mở rộng thêm các loại cây khác như khoai tây, rau” – Thứ trưởng nói.

Về tái cơ cấu ngành, mà trọng tâm là chuyển đổi đất lúa, theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, việc quan trọng lúc này là tính đến giải pháp công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất để thấy được nó giá trị hơn hẳn so với khi chưa chuyển đổi. “Hiện chúng ta đang nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhưng nếu nay ta làm tốt công tác chuyển đổi cây trồng để không phải nhập thì cũng phải có giải pháp tiêu thụ” – Thứ trưởng lưu ý.

“Về cơ cấu giống cần lưu ý điều kiện khí hậu đất đai thổ nhưỡng từng nơi để lựa chọn. Cần nắm chắc về diễn biến của thời tiết để có tính toán. Đối với các giống lúa mẫn cảm với thời tiết, tôi đề nghị Cục Trồng trọt tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các nhà khoa học, các địa phương để đánh giá một cách cụ thể, xem xét thật chặt chẽ trước khi đưa vào cơ cấu. Tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng là phải chọn phương án an toàn nhất cho nông dân, tránh những thiệt hại lớn cho người dân” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất