| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm tôm Việt

Thứ Năm 01/01/2015 , 08:08 (GMT+7)

Nói đến SX tôm giống, Tập đoàn Việt- Úc đang dẫn đầu sản lượng tôm post cung cấp ra thị trường.

Với công suất lên đến 40 tỷ tôm post/năm, Tập đoàn Việt -Úc hiện đang chiếm  từ 20 - 22% thị phần tôm post cả nước.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

Chúng tôi về xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, hỏi thăm tình hình SXKD tôm giống tại địa phương. Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch UBND xã cho hay, tại đây có hơn 700 trại SX tôm giống lớn nhỏ của tư nhân và doanh nghiệp (DN), mỗi năm cung cấp 15 tỷ tôm post, trong đó có Tập đoàn Việt- Úc được xem là thành công nhất, chiếm sản lượng tôm giống khoảng 20%.

"DN này thành lập năm 2001 nhưng bắt đầu phát triển tôm thẻ chân trắng (TTCT) khoảng 7 năm trở lại đây. Có thể nói họ bây giờ trở thành tập đoàn thủy sản lớn mạnh không chỉ có tiếng ở Bình Thuận mà cả nước.

Nổi bật nhất của tôm giống Việt- Úc là nuôi theo qui trình sinh học, không sử dụng kháng sinh, đặc biệt là hệ thống phần mềm hiện đại phân tích cận huyết cấu trúc di truyền, chỉ cần đưa con tôm bố mẹ gắn sẵn con chíp "cà" vào hệ thống máy dò thì sẽ cho ngay kết quả gia phả của bố mẹ như thế nào, có cận huyết hay không, dự đoán tốc độ phát triển của thế hệ con giống ra sao?" - ông Sang cho biết.

Ông Trần Đình Cung, một chủ cơ sở SX tôm giống ở xóm 7 vừa tuyên bố giải thể trại giống đầu tháng 12/2014 cho hay, trại giống của ông mỗi năm SX 50 triệu con post TTCT, chi phí SX cho 1 triệu con vào khoảng 25 triệu đồng bao gồm giống bố mẹ, thức ăn, hệ thống xử lý nước, lao động... (giá thành 25 đồng/con).

16-25-59-h1083949154
Khu trại giống 1 (thuộc Cty CP Việt Úc-Bạc Liêu)

"Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi đã đầu tư rất lớn cho công tác đổi mới công nghệ trong SX tôm giống và tôm thương phẩm. Dự kiến trong 5 năm tới, Tập đoàn tiếp tục dùng lợi nhuận để tái đầu tư vào mục đích nói trên" (Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Việt- Úc).

Tuy nhiên mấy năm gần đây do không cạnh tranh được với các trại giống khác về chất lượng con giống nên trại giống ông Cung gần như thua lỗ.

 "Mấy trại lớn người ta đầu tư SX giá thành lên đến 45-50 đồng/con, còn mình chỉ có phân nửa nên chất lượng tôm giống tất nhiên không bằng. Vì vậy, nhiều trường hợp người nuôi mua về bị dịch bệnh mất hết giống, mình phải đền bù lại để đảm bảo uy tín. Nhưng đền bù kéo dài chịu không xiết nên phải ngưng thôi" - ông Cung thừa nhận.

Theo ông Bùi Bá Sự, Phó TGĐ kinh doanh Tập đoàn Việt- Úc, chất lượng tôm giống chính là yếu tố sống còn của DN. Vẫn theo ông Sự, chất lượng con giống không chỉ phụ thuộc vào "sức khỏe" của nguồn giống bố mẹ mà còn kéo theo cả qui trình công nghệ nuôi hiện đại.

Dẫn chúng tôi tham quan các trại nuôi tôm giống trong môi trường nước sạch được xử lý bằng ozon và tia cực tím, còn thức ăn chính là tảo tự nhiên thuần chủng (nhập khẩu từ Mỹ), ông Sự giải thích: "Nước biển đầu tiên được bơm qua hệ thống ao lắng thô, tiếp theo là hệ thống ao lắng có mái che, sau đó qua hệ thống lọc cát ly tâm, lọc than hoạt tính và hệ thống túi lọc kích cỡ 1,5 micron.

viet-uc084559788
Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội trong chuyến thăm trại tôm giống ở Bạc Liêu rộng 100 ha của Tập đoàn Việt Úc ngày 14/12/2014

Ngày 14/12/2014, nhân chuyến thăm mô hình nuôi tôm công nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá cao sự nỗ lực của Tập đoàn Việt - Úc trong SXKD, giải quyết việc làm người lao động, đóng góp xã hội, đồng thời đề nghị DN chú trọng hơn nữa đến SX gắn với bảo vệ môi trường và tiếp tục hoạch định chiến lược trong thời gian tới để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ đây tiếp tục qua một hệ thống túi lọc khác với kích cỡ 1 micron rồi qua hệ thống xử lý bằng ozon, sau đó mới đưa vào bể chứa, và khi lấy nước từ bể chứa vào sử dụng nuôi tôm giống còn trải qua công đoạn cuối cùng là một hệ thống túi lọc 0,5 micron và tia cực tím".

ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ CAO

Theo ông Huỳnh Văn Thải, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Thuận, nguồn tôm bố mẹ giống của Tập đoàn Việt- Úc chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, Thái Lan. Trước khi nhập khẩu các lô tôm này đã được bên nước xuất cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và xét nghiệm các bệnh virus nguy hiểm.

Và khi số tôm giống nhập khẩu vào VN cũng được Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, kiểm tra ngoại quan sản phẩm sau đó mới cho chuyển về các cơ sở nuôi tại tỉnh Bình Thuận để cách ly kiểm dịch.

Chi cục Thủy sản Bình Thuận sau đó có trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ số tôm nhập khẩu bảo đảm an toàn dịch bệnh mới cấp phép cho DN đưa vào SX.

Hiện nay ngoài trụ sở chính ở Bình Thuận, Tập đoàn Việt - Úc còn có 6 Cty con nằm rải rác từ Nam ra Bắc là Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Ninh Thuận, Bình Định, Nghệ An với diện tích nuôi tôm giống từ 7 đến trên 100 ha. Cao nhất là Bạc Liêu với 103 ha, công suất 12 tỷ post, thực tế SX là 10,5 tỷ post, thấp nhất là Ninh Thuận 3 tỷ post.

Việc mở rộng địa bàn không nằm ngoài mục đích rút ngắn cự ly vận chuyển giúp tôm post đảm bảo sức khỏe và giá bán cũng tốt hơn khi đến các hộ nuôi. Ngoài ra còn phù hợp với điều kiện thủy văn của từng vùng.

Ông Văn Công Cảnh, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu nói: "Trước đây tôi mua tôm giống của một số trại khác, vì ham rẻ giá có 20- 30 đ/con, chất lượng không đảm bảo, mỗi lần thả vài thiên (# 1.000 con post) sau 1 tuần con tôm thường bị bệnh gan tụy, èo uột nên nợ nần liên tục.

Từ năm 2012 tôi bắt đầu lấy giống TTCT của Tập đoàn Việt- Úc ở Bạc Liêu nuôi thắng 4 vụ liên tục lãi 2,3 tỷ đồng, nhờ vậy mới có tiền trang trải nợ nần và khó khăn trước đây".

Điều đáng nói là, Tập đoàn Việt- Úc không chỉ dừng lại ở việc SX tôm giống mà còn đang xây dựng một "siêu" dự án nuôi tôm thịt được bao bọc hoàn toàn trong nhà kính trên diện tích 50 ha ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu với chi phí đầu tư cao theo qui trình khép kín. Trong năm 2015 sẽ thả nuôi 25 ha mặt nước với 100 triệu post.

"Đây là mô hình nuôi tôm công nghệ cao sử dụng qui trình nuôi Biofloc (vi sinh toàn bộ) và được kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống nước lọc tuần hoàn và phòng thí nghiệm trong từng khu nuôi" - ông Sự khẳng định.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất