| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 09/11/2011 , 10:50 (GMT+7)

10:50 - 09/11/2011

Nên ban bố tình trạng khẩn cấp

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc vừa xảy ra hôm 7/11 trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận làm 10 người chết cháy và hơn 20 người bị thương lại một lần nữa khiến dư luận bàng hoàng. Đây cũng là hồi chuông báo động khẩn cấp đối với thực trạng “nguy hiểm hơn chiến tranh” khi tham gia giao thông ở Việt Nam.

Dư luận hẳn chưa quên những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây: Lúc 7h ngày 5/7, một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra trên QL1A, đoạn qua huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Một chiếc xe khách 2 tầng tông thẳng vào xe đầu kéo khiến 23 người thương vong. Khuya 5/7, ôtô 7 chỗ chạy với tốc độ cao đã lao lên vỉa hè TP Đà Nẵng, tông thẳng vào quán sinh tố. Chủ quán tử vong, 2 khách bị thương nặng. Sáng 7/7, thêm một vụ đâm xe thảm khốc xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Chiếc xe khách và xe tải đã tông nhau làm 2 tài xế chết ngay tại chỗ, 6 hành khách bị thương nặng. Trước đó, vào khoảng 23h ngày 27/6, trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Vạn Khánh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) xảy ra vụ tai nạn giao thông làm 6 người chết.

Trong vài tháng cuối năm mà đã xảy ra hơn chục vụ tai nạn giao thông thảm khốc, số nạn nhân chết và bị thương nặng lên đến cả trăm người. Như chúng ta đã biết, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong. Năm 2010, toàn quốc đã xảy ra 14.442 vụ tai nạn giao thông làm chết 11.449 người, bị thương 10.633 người. Như vậy, trung bình mỗi ngày có 31 người chết do tai nạn giao thông. Một con số kinh hoàng trong thời bình.

Một đất nước không còn chiến tranh, nhưng hằng năm người chết vì TNGT nhiều không kém người chết vì chiến tranh khắp nơi cộng lại. Một đất nước không bị ảnh hưởng lớn vì động đất, sóng thần, nhưng hằng năm số người chết vì TNGT nhiều hơn người  tử nạn do những thiên tai dữ dội ở các quốc gia khác.

Nguyên nhân thì đã được nhiều cơ quan chức năng và chuyên gia phân tích: ý thức kém trong lưu thông, điều khiển phương tiện trong khi say rượu bia, hạ tầng, đường sá còn quá xấu… Tuy nhiên, mới đây, đăng đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chính của tai nạn giao thông là yếu kém trong khâu quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này. Đã đến lúc người dân phải đòi hỏi quyền được an toàn đi lại và bắt buộc lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về thảm họa này. Nhưng nghịch lý ở chỗ, người vẫn chết, nhưng không (hay chưa) có lãnh đạo nào, đứng ra nhận trách nhiệm!

Nhiều vị đại biểu Quốc hội nhận định, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông quá nghiêm trọng và tương đương với tiêu chí cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp, Quốc hội phải tham gia giám sát. Đề nghị này hoàn toàn có lý, bởi vì mỗi năm có chừng đó người chết và bị thương vì TNGT mà không phải “tình trạng khẩn cấp” thì tình trạng gì mới là khẩn cấp?

Nhưng trong khi chờ, thảo luận việc có nên “ban bố tình trạng khẩn cấp” hay không, thì điều mà dư luận đang đặt câu hỏi, đến bao giờ mới có người phải chịu trách nhiệm chính trị về việc để xảy ra quá nhiều tai nạn giao thông như vậy?