| Hotline: 0983.970.780

Ngả mũ trước người đàn ông 70cm

Thứ Hai 04/02/2013 , 10:32 (GMT+7)

Hơn 40 tuổi nhưng anh Trịnh Thanh Sơn (xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) vẫn trong hình hài một đứa trẻ, chỉ cao 70 cm và nặng khoảng 25 kg.

Hơn 40 tuổi nhưng anh Trịnh Thanh Sơn (xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) vẫn trong hình hài một đứa trẻ, chỉ cao 70 cm và nặng khoảng 25 kg. Nhưng hình hài dứa trẻ với toàn thân bị tật nguyền ấy đang ngày ngày viết nên câu chuyện cổ tích bằng nghị lực, khát vọng sống phi thường.

Số phận bất hạnh

Sơn cho biết, nghe bố mẹ nuôi kể, Sơn sinh khoảng năm 1970 hay 1971. Năm Sơn lên một tuổi thì “mồ côi” cả cha lẫn mẹ (mẹ mất, bố bỏ đi biệt xứ). Vợ chồng ông Trịnh Văn Toại và bà Đồng Thị Xuyên không con cái, là người cùng thôn, thương cảm nhận Sơn về nuôi.

Cuối tháng 4/1980, bố nuôi bị bạo bệnh một thời gian rồi qua đời. Cũng năm ấy, cơ thể Sơn bắt đầu có những biểu hiện bất thường. Đang tuổi ăn tuổi lớn, bỗng các khớp tay, chân của Sơn đau nhức, sưng đỏ. Mẹ đưa Sơn đi khám bệnh, nhận được kết luận từ bệnh viện: Sơn bị viêm đa khớp.

Mẹ nuôi cùng Sơn rong ruổi qua nhiều bệnh viện chữa trị nhưng do hoàn cảnh khó khăn, hai mẹ con đã không đi được đến cùng để chữa trị khiến bệnh của Sơn mỗi lúc một nặng. Cho đến một ngày, tay chân Sơn co quắp hoàn toàn, cơ thể Sơn bị co rút lại, hình hài giống như đứa trẻ lên 3.

Gần 30 năm nay, Sơn không đi đâu khỏi giường. Sơn chỉ ở một tư thế nằm ngửa, hai chân co lên, đầu cách mặt giường 20 cm mà không bị mỏi; đầu và cổ tạo thành đường cong, cứng như que củi, không nâng lên cũng không hạ xuống được. Mọi việc từ ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh..., Sơn đều phải nhờ mẹ nuôi. Cứ thế, Sơn lớn lên trong sự chăm sóc, tình yêu thương của người mẹ nuôi. Bất hạnh vẫn chưa chịu buông tha Sơn. Năm 1996, Sơn bị viêm giác mạc rồi mù hẳn.


Gần 30 năm nay, cuộc sống của anh Sơn chỉ quẩn quanh trên chiếc giường nhỏ hẹp

Nhưng tai họa lại một lần nữa giáng xuống chàng trai tật nguyền. Cuối năm 2011, mẹ nuôi anh bị ung thư phổi. Sơn đã nhờ bà con làng xóm đưa mẹ đi chạy chữa, mong dành sự sống lại cho mẹ. Sau mấy tháng vật lộn với căn bệnh quái ác, cùng với chi phí hết gần 100 triệu đồng, người thân duy nhất của Sơn cũng lại bỏ anh mà ra đi.

Ký ức đau thương ùa về, nhạt nhòa hòa cùng dòng nước mắt lăn trên khuôn mặt chàng trai tật nguyền.

Trở thành ông chủ gia trại

Từ ngày mẹ nuôi mất, mọi sinh hoạt cá nhân từ tắm rửa, ăn uống đến vệ sinh anh phải nhờ cậy người giúp việc hoặc bà con trong xóm.

Sơn có 3 dụng cụ bất ly thân. Đó là một cành tre nhỏ bằng ngón tay trỏ, dài khoảng 50 cm, một chiếc đài nhỏ bằng nửa cuốn tập của các cháu học vỡ lòng, một chiếc điện thoại bàn. Anh cho biết que tre là “tay” của anh. Anh dùng chiếc tay đặc biệt này để rửa mặt, gãi đầu.

Mỗi sáng, anh Sơn thường "đánh vật" với việc rửa mặt. Sau khi nhờ người giặt khăn cho ướt, anh lấy chiếc que kẹp vào khuỷu tay, trên đầu que là chiếc khăn quấn chặt đưa qua đưa lại trên mặt. “Khăn mặt thường rách từ ngoài vào trong. Bởi que tre cứ chọc vào giữa nên khăn của tôi thủng (rách) từ giữa thủng ra”, anh Sơn cho biết thêm.

Chiếc đài là do cô trò trường Chu Văn An (Nga Sơn) đến thăm, chia sẻ, động viên và tặng anh. Nằm một chỗ, người giúp việc hay bà con trong xóm không thể thường xuyên ở bên. Nhất là ban đêm, anh chỉ có một thân một mình. Vậy là anh mua điện thoại bàn để “cầu cứu” khi có công việc hay ốm đau.

Anh Sơn hào hứng kể về chuyện làm kinh tế. Năm 2002, vay mượn bạn bè được 300.000 đồng, anh mở quán nước nhỏ ngay tại nhà. Quán bán hàng của anh Sơn bán mấy lạng chè khô, vài gói kẹo lạc, cái bánh đa…, được bà con chòm xóm thương tình mua ủng hộ. Tuy lời lãi không đáng là bao nhưng anh Sơn thấy vui, vì đỡ đần phần nào khó khăn cho mẹ.

Năm 2006, anh đưa ra quyết định táo bạo: chuyển hết vốn liếng sang nuôi gà, ấp trứng. Ý tưởng “siêu tưởng” của Sơn bị mẹ nuôi và bà con phản đối kịch liệt. Liên tiếp hàng tháng trời, anh quyết tâm thuyết phục mẹ cho bằng được. Thấy người con tật nguyền không cam chịu đầu hàng số phận mà vẫn vươn lên, mẹ mủi lòng đồng ý. Vậy là anh nhờ mẹ bế sang nhà bác họ để học cách ấp trứng gia cầm bằng công nghệ lò ấp.

Suốt 3 tháng, chàng trai tật nguyền nằm trên giường nghe bác giảng giải kỹ thuật ấp trứng. Nhờ có trí nhớ đặc biệt hơn người, những gì bác chỉ bảo anh đều nhớ rất chi tiết và chính xác từng công đoạn nhỏ.

Kết thúc “khoá học", anh động viên mẹ và vay mượn tiền của bà con xây dựng chuồng trại, mua lò ấp trứng và mua con giống ngan, gà. Tổng kinh phí đầu tư lúc đó lên tới trên 100 triệu đồng. Nguồn trứng do gà đẻ ra, anh đem ấp ra gà con để bán cho bà con địa phương.

Năm 2007, trang trại của anh Sơn đã có 150 con gà mẹ, 200 gà thịt. Lò ấp trứng công suất 5.000 quả. Bà con trong và ngoài huyện nghe tiếng anh Sơn mở lò ấp thì đến rất đông. Làm ăn thuận lợi, anh sắm thêm cái máy phát điện phòng khi điện lưới bị mất. Dần dần, anh đã trả được nợ, cùng với 5 triệu đồng hỗ trợ, anh gom góp xây dựng được 3 gian nhà bằng kiên cố.

Ông chủ tật nguyền còn tạo việc làm cho 2 lao động là người địa phương với mức lương 2 triệu/người/tháng. Mọi công đoạn, từ cho gà ăn, kỹ thuật ấp trứng…, anh nằm một chỗ và chỉ bảo cho người làm. Hằng ngày, anh nhờ người khác ghi chép chi tiết từng khoản để thống kê công việc, các khoản thu - chi.

Trao đổi về hoàn cảnh đặc biệt và nghị lực phi thường của anh Sơn với ông Ngô Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Nga Lĩnh, ông Sơn cho biết:

“Đúng là cuộc đời Sơn éo le, đầy thương cảm. Song vượt lên tất cả là nghị lực phi thường của Sơn. Sơn đã sống những ngày tháng “tàn nhưng không phế”, đã làm được những việc nhiều người lành lặn không làm được. Địa phương cũng biết hoàn cảnh của Sơn hiện gặp khó khăn, nhất là nguồn vốn để sản xuất. Xã có đề nghị ngân hàng thẩm định làm thủ tục cho Sơn vay vốn, nhưng được trả lời, Sơn không đáp ứng được đầy đủ hành vi dân sự theo quy định nên sẽ không thể vay vốn qua kênh ngân hàng được. Vì vậy, Sơn rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội…”.

Khi chúng tôi đến thăm, trong chuồng nuôi đang có 150 con gà thịt, 200 gà con, một đàn hơn chục con chó, mèo. Gặp bà Mai Thị Nga, là người xóm dưới đang đem trứng gà đến ấp. Bà Nga cho biết, đã nhiều lần đem trứng ấp tại lò nhà anh Sơn. Mỗi con gà nở, anh Sơn lấy công 1.500 đồng. Ngoài ra, bà cùng bà con quanh vùng còn mua con giống ở đây bởi gà giống nhà anh Sơn thường là gà lai chọi, nuôi dễ mà hiệu quả kinh tế cao.

Mơ về một gia đình

Hỏi về kế hoạch trong tương lai, anh Sơn thoáng chút buồn: Từ ngày mẹ ốm rồi mất, tiền chạy chữa cho mẹ, tiền đầu tư mua giống, thức ăn chăn nuôi khiến anh gánh nợ gần 40 triệu đồng. Thêm vào đó, “tình duyên trắc trở” nên cũng tủi phận. Hiện anh đang yêu. Người yêu anh (quê huyện Hà Trung, cách nhà anh 20 km) có hoàn cảnh cũng trắc trở, đã ly dị chồng và có một đứa con lên 4 tuổi.

“Tôi chỉ mong có được người vợ hằng ngày nấu cơm “trên sống dưới khê tứ bề nhão nhoét” cho mình ăn. Nhưng hoàn cảnh tôi thế này, cũng đã có vài người con gái thương tình nhưng không vượt qua được định kiến xã hội và rào cản của gia đình nên lại bỏ tôi mà đi. Lần này, nếu được gia đình cô ấy đồng ý, sau giỗ đầu của mẹ, chúng tôi sẽ về ở với nhau”. Anh Sơn chia sẻ trong nụ cười mang niềm hạnh phúc vừa được nhen nhóm.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất