| Hotline: 0983.970.780

Nga Sơn dậy sóng

Thứ Năm 09/02/2012 , 09:53 (GMT+7)

Cái thời bãi bồi ven biển còn hoang hóa chẳng ai dòm ngó, người dân miệt mài bỏ công khai khẩn. Đến lúc biển biết “đẻ tiền” cũng là lúc những bãi bồi hoang hóa trở thành “miếng bánh” gây ra những tranh giành. Buồn ở chỗ, trong những cuộc tranh giành ấy, bất lợi, thiệt thòi luôn đứng về phía công thần lấn biển.

Ông Mạnh thất thần trước nguy cơ trắng tay

Cái thời bãi bồi ven biển còn hoang hóa chẳng ai dòm ngó, người dân miệt mài bỏ công khai khẩn. Đến lúc biển biết “đẻ tiền” cũng là lúc những bãi bồi hoang hóa trở thành “miếng bánh” gây ra những tranh giành. Buồn ở chỗ, trong những cuộc tranh giành ấy, bất lợi, thiệt thòi luôn đứng về phía công thần lấn biển.

>> Quay đầu là biển nợ
>> Phận… mô hình
>> Dưới biển sợ thiên tai, trên bờ sợ “độc chiêu” của xã
>> Chưa “bò”, đã lo “chạy”
>> Bão nợ chồm lên cơn sóng
>> Bi kịch sau những chiến công
>> Ký sự đời biển “bạc”…

Kỳ tích bắt ngao phải sống trên đất bùn

Dải đất mặt nước chạy dọc theo bờ biển các xã Nga Tân, Nga Thủy, Nga Liên, Nga Tiến… (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có chiều dài khoảng 11 km. Độ 3 năm trở lại nay, vùng bãi bồi này được quy hoạch nuôi ngao với diện tích hơn 1.000 ha. Nếu theo cách tính thông thường, 1 ha nuôi ngao mỗi vụ thu hoạch 40 tấn thì bãi bồi này có sản lượng 40.000 tấn ngao/năm. Theo giá hiện tại là 25 ngàn/kg thì hàng năm ven biển Nga Sơn thu về một ngàn tỷ đồng từ nuôi ngao.

Tính như thế cũng là cách để lý giải phần nào bãi bồi hoang hóa ngày xưa bây giờ sôi động bởi hoạt động sản xuất nuôi ngao, sôi động bởi những cuộc tranh giành nóng bỏng chưa hồi kết. Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về “cuộc chiến ngao” ở Nga Sơn từ lá đơn tập thể của 11 người dân đang kêu gào ở xã Nga Liên. Người đứng đơn là ông Vũ Văn Mạnh (56 tuổi) ở xóm 5, xã Nga Liên, một trong những người đầu tiên “sống chết với con ngao” ở xứ này.

Năm 2007, bãi bồi ven biển Nga Liên ven đảo Nẹ chỉ có bùn và sóng. Lúc đó, chuyện những người như ông Mạnh kéo nhau ra nuôi ngao chẳng khác nào chuyện viển vông. Nhiều người tỏ ra hiểu biết về con ngao đã nhếch mép mà rằng: Nuôi ngao cần phải có cát, biển Nga Liên toàn là bùn thì đổ gia sản vào đấy chắc mấy người này có vấn đề về thần kinh. Vậy mà những người “có vấn đề về thần kinh” ấy đã làm được.

Năm 2008, ông Mạnh đấu thầu với UBND huyện Nga Sơn để thuê 23,28 ha với thời hạn hợp đồng 10 năm, chi phí thuê đất 1 triệu đồng/ha. Công cuộc bắt con ngao phải sống trên đất bùn ở đảo Nẹ bắt đầu. Qua cuộc hành trình của những người khai hoang biển, chỉ mới cách đây có 4 năm nhưng biển Nga Liên lúc đó hoang hóa đến nỗi huyện giao trên bản đồ chừng ấy diện tích nhưng 11 người trong nhóm ông Mạnh muốn làm bao nhiêu thì làm bởi xung quanh chẳng có ai.

Nuôi ngao phải có cát. Ông Mạnh biết điều đó. Và để khắc phục sự nghèo nàn của biển, những người như ông phải làm cái việc tưởng chừng như không thể là “cõng” cát từ ngoài khơi đổ vào các bãi bồi. Những chuyến thuyền cát có giá trị hàng triệu đồng nhưng cứ đổ xuống thì sóng đánh đi phân nửa. Thành thử cứ đổ cát xong lại phải đăng cọc, làm vây để giữ cát lại cho ngao ở bãi bồi này.

 Chỉ trong vòng có một tháng, để đảm bảo đúng thời vụ thả ngao giống thì riêng gia đình ông Mạnh đã mất hơn 100 triệu đồng tiền cát, 400 triệu đồng đăng cọc, làm vây. Cộng thêm tiền giống má thì vụ đầu tiên gia đình ông đầu tư tròn một tỷ đồng.

Đến vụ thứ hai, thứ ba lại tiếp tục cõng cát, tiếp tục đăng cọc làm vây, vụ nào người nuôi ngao như gia đình ông Mạnh cũng đầu tư vào tiền tỷ. Thắng thua chưa biết, nhưng sau sự kiện nhóm ông Mạnh có thể bắt con ngao phải sống trên đất bùn thì số người kéo ra đảo Nẹ cứ tăng dần. Họ miệt mài đổ cát, miệt mài đăng cọc làm vây, ăn ngủ trên sóng nước biển khơi chỉ mong con ngao có thể sống đến ngày thu hoạch. Từ chỗ một vài hộ, đến nay, trên diện tích hơn 1.000 ha, số hộ bám biển đã lên đến hơn 500.

Hết dân bản địa, rất nhiều chủ đầm nuôi ngao từ các địa phương khác cũng kéo về thuê đất sản xuất. Phong trào nuôi ngao sôi động hẳn. Dải đất mặt biển gần đảo Nẹ dần dần trở thành vùng nuôi ngao trọng điểm, số chủ đầm có lúc lên đến cả ngàn người. Nuôi ngao đang thịnh, dân cũng đang mừng vì biển không phụ sức người. Vậy nhưng lãnh đạo huyện Nga Sơn đã “ra tay”.

Đánh đố người dân để “dọn đường” cho DN

Trước thực trạng số chủ đầm ngày một tăng, để “giảm tải”, UBND huyện Nga Sơn soạn thảo quyết định tăng giá thuê đất từ 1,5 triệu đồng/ha thành 15 triệu/ha khiến những hộ dân vốn đã kiệt quệ vì đầu tư vào biển giờ không kham nổi. Sau nhóm ông Mạnh, hàng loạt chủ đầm khác lên tiếng, đệ đơn đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa đâu vào đâu cả.

“Với mức giá 1,5 triệu/ha những người đầu tư hàng chục ha đã vã mồ hôi xoay tiền rồi, bây giờ tăng thành 15 triệu thì chúng tôi biết kiếm ở đâu ra. Một vụ ngao hơn 300 triệu tiền thuê đất, cộng thêm chi phí khác, chỉ cần ngao chết một đợt chắc chắn chúng tôi chết theo luôn”. Ông Mạnh ngao ngán thở dài.

Quyết định của UBND huyện Nga Sơn thực sự là một cú sốc quá nặng đối với các chủ đầm nuôi ngao. Bởi theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các chủ đầm đã dồn vét hết những đồng tiền cuối cùng có thể vay mượn vào công cuộc cải hóa bờ biển. Vậy mà bây giờ, công sức, tiền của bao năm qua họ đổ vào biển để bắt ngao sống ở mảnh đất này lại phải đứng trước sự lựa chọn: Chấp nhận số tiền thuê tăng vọt của huyện để tiếp tục đầu tư gỡ lại vốn hoặc từ bỏ tất cả. Mồ hôi, tiền của, xương máu đổ bao năm qua sẽ thành công dã tràng đổ xuống sông xuống bể. Dân bức xúc, lo lắng vì chính sách cho thuê đất mới mẻ của huyện nhưng như những gì chúng tôi nghe được từ những cán bộ huyện Nga Sơn thì họ lại có cách suy nghĩ, cách tính “lạc quan” hơn nhiều.

Ông Phạm Văn Thành, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Nga Sơn đặt phép toán mà bất cứ ai cũng phải tin nếu nuôi ngao chắc chắn sẽ thành tỷ phú: “Chúng tôi tính, 1 ha ngao mỗi một vụ thu ít nhất 40 tấn. Bán theo giá thấp thì cũng 800 triệu đồng. Đầu tư giống má khoảng 200 triệu, đổ cát 100 triệu. Không phải cho ăn gì cả, ông đã lãi ròng 500 triệu rồi. Lãi cao như thế thì số tiền 15 triệu thuê đất bõ bèn gì”.

Các chủ đầm gọi chính sách mới của huyện là “sự tuyệt tình”. Nghĩ cho cùng không phải họ không có lý. Thử hình dung, nhà cửa, đất đai họ đã thế chấp ngân hàng để đổ hết xuống đầm ngao. Nếu chiếu theo cái lý: “Tôi có bắt ông thuê đâu” như lời ông Phạm Văn Thành, một ngày kia họ phải dừng lại thì chắc chắn khó có bi kịch nào lớn hơn.

Chúng tôi thực hiện bài viết này trùng vào dịp huyện Nga Sơn chuẩn bị họp các chủ đầm để thống nhất mức giá thuê đất. Căn cứ vào những gì ông Thành bày tỏ, rất có thể sau cuộc họp ấy sẽ có nhiều chủ đầm vỡ nợ.

Đem cách tính của vị cán bộ ngành nông nghiệp này xuống với dân nuôi ngao, cứ 10 người thì cả 10 đều chửi chúng tôi không biết gì về nghề nuôi ngao cả. Bùi Văn Công, một chủ đầm đã đầu tư 10 tỷ đồng vào 53 ha nuôi ngao ở Nga Liên tính lại: “Thế các ông không tính chi phí vận chuyển, không tính chi phí đăng cọc, làm vây… Quan trọng nhất, nuôi ngao nhiều rủi ro như thế nhưng không ai tính đến mất mùa cho chúng tôi cả. Có những vụ ngao chết, chúng tôi mất trắng cả tỷ đồng cơ mà”.

Công không nói suông, thực tế mới chỉ nuôi ngao có hơn 3 năm nhưng vụ ngao cách đây 2 năm, các chủ đầm ở Nga Sơn lao đao vì ngao chết. Không ít người phá sản, phải bán đầm cho chủ khác đầu tư còn mình đi làm thuê để trả nợ. Buồn thay, những chủ đầm như Công, như ông Mạnh có kêu mấy cũng chẳng thể đến tai ai vì những cán bộ như ông Thành lại nghĩ khác: “Anh chê tôi đắt thì mặc, đất cũng như rau, cơ chế thị trường mà, thuận mua vừa bán thôi. Lúc đầu, khi chúng tôi họp còn định giá thuê đất 20-30 triệu một ha kia. Tôi có bắt ông thuê đâu. Đất mặt nước ở Nga Sơn hiện có một số doanh nghiệp sẵn sàng trả giá cao gấp mười lần ấy chứ. Cho nên nếu ông không làm thì trả lại đây để huyện cho doanh nghiệp họ nhảy vào làm”.

Các chủ đầm nghe những lời này mà tá hỏa. Công sức, tiền của lên đến hàng chục tỷ đồng họ đổ vào biển cả bao năm qua hóa ra chẳng có ai nghĩ đến. Những năm tháng họ bỏ công sức cõng cát đổ vào nuôi ngao bây giờ thành số 0 bởi lãnh đạo huyện Nga Sơn chỉ có “cơ chế thị trường” mà thôi.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.