| Hotline: 0983.970.780

Ngàn Chả là đây

Thứ Sáu 11/10/2013 , 10:38 (GMT+7)

Bạn đường với tôi là những chú cua đá gọng đỏ hoe bò loe ngoe ven các bờ lạch, những con giun dế rả rích trong lùm cây, bụi cỏ...

Bạn đường với tôi là những chú cua đá gọng đỏ hoe bò loe ngoe ven các bờ lạch, những con giun dế rả rích trong lùm cây, bụi cỏ. Khát đã có sim hoang, đói đã có ổi dại trên đồi, mỗi bước chân lại càng hoang vắng rợn ngợp.

>> Một lần đến Bính Xá

Lối lên ngàn, lối xuống ruộng, tịnh không một bóng người để hỏi thăm, điện thoại thì mờ mịt sóng, tôi đi theo kinh nghiệm của người băng rừng cứ dẫm lên vết chân mới mà bước. Chiếc gậy của ông Dương (ông Hoàng Văn Dương, bản Mọi, Bính Xá, Đình Lập, Lạng Sơn) giờ thực sự có ích. Nó dò bùn, dò suối.

Nó là con mắt, là cái chân giúp tôi băng qua những con suối nước ngập tới bụng đang ầm ào, rên xiết cùng rều rác mà lỡ sẩy chân cái là trôi xa cả trăm mét. Thỉnh thoảng nghe tiếng quạ kêu giữa mê hoang rừng núi ngỡ như tiếng người.

Tôi như một người bộ hành cô đơn giữa sa mạc cồn cào, mắt rạn khô mà nhìn đâu cũng thấy lung linh một hồ nước mát. Đường đi lắm khi chỉ vừa một bàn chân đặt, trời mưa đất lầy trơn như bôi mỡ lợn, ngã dúi dụi. Quần rách toang, chân loang máu, tối mịt, tối mờ tôi vào đến Ngàn Chả - bản người Dao Tiền nằm ở giữa rừng với 14 hộ dân và 72 nhân khẩu.


Một ngôi nhà trình

Sống ở giữa rừng nhưng chẳng có đất để trồng rừng, tài sản lớn nhất của người dân ở đây là những con trâu. Đường xá cách trở, dân Ngàn Chả chẳng mấy khi ra được đến trung tâm xã mà toàn băng đồi đi tắt ra thị trấn Na Dương của huyện Lộc Bình để đi chợ. Thế nên mới có chuyện, có người ôm con gà mái ra được đến chợ bỗng lóng ngóng không biết làm sao khi phải gạ bán thêm một quả trứng nó đã đẻ tự bao giờ.

Ngàn Chả tiếng Dao có nghĩa là nắm mạ ở giữa rừng. Chuyện rằng thủa ấy trời đất xảy cơn lụt lớn. Nước trắng mọi bề, nước tràn mọi cõi. Con người chạy trốn, nước vẫn réo đuổi đằng sau mỗi gót chân. Chạy mãi, chạy mãi đến khi thấm mệt, qua một khu rừng thấy một nắm mạ nổi lềnh bềnh loài người liền bám lấy và thoát chết. Nắm mạ ấy ngày nay chính là Ngàn Chả.

Bản toàn nhà đất, nhà đất của dân đã đành đến ngay trường học, nhà văn hóa thôn cũng trình bằng đất nốt. Trong một căn nhà đất như vậy, bà Lộc Thị Múi đang lui cui thái bầu nấu canh suông. Làn khói mỏng như sương vơ vẩn bay bên trên nồi cháo ngô sôi lóc bóc. Cạnh đó là một bát đậu đen trộn ớt - thứ thức ăn duy nhất đi kèm. Bà Múi có năm người con và ba con trâu cả to lẫn bé. Trời mưa, đứa con dâu bà không đi kiếm củi được mà đi hái càm mia (tiếng Dao có nghĩa là cây thuốc cam).


Trường học ở Ngàn Chả

Càm mia là loài thực vật rất lạ, thường mọc trên đồi đất, thân nhỏ dễ lẫn vào với cỏ chỉ khi chúng trổ hoa mới dễ phân biệt. Trời nắng hoa càm mia héo, không thể biết cây càm mia ở đâu mà kiếm. Trời mưa, những bông hoa vàng nhỏ li ti như đầu tăm của nó mới lộ ra chờ bàn tay của những phụ nữ Dao Tiền đến hái.

Một năm càm mia chỉ xuất hiện ở Ngàn Chả có bốn tháng mùa hè rồi biến mất gần như không có một dấu vết. Càm mia khô mỗi cân bán được bốn triệu đồng, dạo này bản nhiều người rỗi việc đổ xô đi hái nên ngày càng ít. Chăm chỉ như con dâu bà Múi nhưng phải dăm ba ngày mới có thể kiếm được một nắm đầy tay, lúc phơi khô nó ngót xuống còn được một lạng.


Thành quả sau cả buổi hái càm mia

Ngọn đèn dầu tỏa khói mù mịt vẫn không xua nổi bóng tối đang bò lan vào từng ngóc ngách, chiếm lĩnh ngôi nhà trình của nữ trưởng bản Dương Thị Phương. Chị cũng mới đi hái càm mia về, người còn ướt lướt thướt. Mười hai năm làm trưởng bản chị Phương chưa bao giờ thấy một nhà báo nào đặt chân đến Ngàn Chả. Chị nhìn bộ dạng của tôi với con mắt vừa lạ vừa ái ngại. Chuyện chưa nguội chén nước thuốc, đứa con ngái trong nhà lúng túng bảo tôi: “Chú đi tắm!”.


Các thiếu nữ đang ngồi thêu áo

Với người Dao, mời tắm cũng là một mỹ tục. Khách quý tắm trước, người già tắm sau, cuối cùng mới đến cánh thanh niên. Dầm mình trong cái máng tắm, dội từng gáo nước, xối đến đâu ấm biết đến đấy, từng thớ thịt như cũng giãn nở ra, mệt nhọc tan biết. Tắm xong, trở lại đã thấy nồi cháo ngô dọn cùng một bát ớt, một đĩa rau xào đang nghi ngút khói trên chiếc bàn gỗ. Chị Phương cứ tiếc hùi hụi khi tôi đến gác bếp của nhà đã hết chuột rừng hun khói không thể nấu canh thết đãi.

Thứ dinh dưỡng duy nhất của người Ngàn Chả là mỡ. Cứ hai tuần nữ trưởng bản lại đi chợ một lần mua hai cân mỡ về rán để ăn dè. Có mỡ ăn đã là hạnh phúc. Hàng xóm của chị, Dương Dì Quý một năm chỉ đi chợ một lần mua phở khô, mì chính và muối…

Phụ nữ ở bản tất cả đều đẻ ở nhà, được các bà mụ cắt rốn cho bằng một thanh cật nứa. Nếu đứa trẻ sinh ra là con trai nó sẽ có một cái tên còn là con gái sẽ chỉ có tên chung là Múi tiếng Dao nghĩa là cái mũi. Dương Mản Múi, Triệu Thị Múi, Đặng Tài Múi… tất thảy đều là những đứa con gái đầu trong một gia đình. Những đứa trẻ Ngàn Chả quần áo rách rưới, lem luốc. Đứa nào đi học, dịp trung thu bố mẹ góp 5.000đ còn biết được mùi bánh kẹo còn đứa nào chưa đi học chẳng bao giờ biết vị ngọt nào khác ngoài quả ổi ở trên rừng.

Bản vẫn còn 5 hộ đói giáp hạt, hằng năm Nhà nước phải cứu tế ba tháng. Nhà nghèo đến bữa chủ yếu ăn sắn, ăn ngô một năm có hai đến ba bữa thịt vào vụ cấy, trồng ngô và lúc thu ngô, thu lúa. Gia chủ sẽ ra chợ mua ít thịt mỡ về xào lên gọi là bồi dưỡng, úy lạo người đến đổi công.


Dù chỉ ăn canh bầu suông vẫn không bỏ quê

Thằng cháu nội trưởng bản Dương đã 12 tháng tuổi mới biết đến mùi hộp sữa đầu tiên. Cốc sữa bột được pha với nước sôi suông không có tí đường nào. Hộp sữa ấy đánh đổi bằng một chai mật ong rừng ở chợ huyện.

Phụ nữ Ngàn Chả chưa ai biết đến cái hoa tai vàng. Cái hoa tai duy nhất của chị Phương, công an viên, về làm dâu ở đây được bố mẹ cho hồi môn. Vật trang sức lấp lóa đó chỉ được đeo vài bận trên tai của cô dâu mới rồi cũng hóa thành cái ống dẫn nước từ mó về nhà.

Đám cưới của người Dao có hai người thổi kèn pí pe, đám ma vẫn cây kèn pí pe ấy nhưng khác ở chỗ chỉ có một người thổi. Con lợn, con trâu, con bò ốm điều đầu tiên người Dao nghĩ là mời thầy cúng. Khấn vái xong, thầy cầm một cái que đập xuống bàn hỏi tổ tiên: “Ai đưa con ma đến bắt trâu, bò, lợn ốm?”.

Tổ tiên sẽ bảo đó là con ma đói làm, nó mà đi sau 2 tháng nữa hãy cho nó ăn một bữa no, nó mà nói dối không đi sẽ cho nhịn. Gặp con ma biết nghe lời, gia súc trong nhà không bị bệnh nữa, hai tháng sau gia chủ sẽ khoản đãi ma một con gà, một chai rượu tiễn nó về với thế giới của âm ti…

Cách đây mấy năm một trận lũ quét hung bạo tràn xuống Ngàn Chả, ruộng đồng thành suối, thành khe, nhà cửa thành bình địa. Sau lũ, bà con cùng nhau trình lại nhà, múc từng xô đất đổ ra, be bờ phục hồi ruộng cũ. Nghèo khổ là thế, nhưng người Dao vẫn nặng lòng với đất, chỉ có thể giải thích như ông già làng Triệu Tiến Vượng rằng “chiến tranh chúng tao đã không chạy đi giờ chỉ ở đây thôi. Khổ nhiều quá cũng vẫn nuôi được con người mà”.

Buổi sáng ở Ngàn Chả, một con cu rừng kêu cúc cu phía chái bếp. Tiếng gáy của nó như còn vương hương mùa lúa mới. Trước hiên nhà chị Dương nở bừng những bông hoa đỏ thắm. Bất giác tôi chợt ngó ra, một ban mai biên viễn thanh bình mờ sương trắng. (Hết)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.