| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Thứ Bảy 02/09/2017 , 14:10 (GMT+7)

Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Diễn biến lâm sàng với triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng.

Trước diễn biến phức tạp của sốt xuất huyết, chiều 21-8 đích thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm hỏi các bệnh nhân và giám sát công tác điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Hà Nội đang là địa phương có số mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước, với xấp xỉ 18.400 người bệnh. Còn tại TP.HCM cũng đã có gần 18.200 người mắc sốt xuất huyết tính từ đầu 2017 đến nay! Làm sao kiềm chế sốt xuất huyết không bùng phát trên diện rộng, nếu mỗi người không tự nâng cao ý thức phòng tránh hiệu quả?

Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Diễn biến lâm sàng với triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng. Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng không lường trước được. Vì vậy, ngành y tế cùng phối hợp với cộng đồng người dân thực hiện công tác giám sát, phòng chống bệnh một cách chặt chẽ.

Phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát được hoạt động của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết như tránh muỗi đốt kể cả ban ngành; diệt bọ gậy muỗi, loăng quăng muỗi và muỗi trưởng thành bằng tất cả các biện pháp hiệu quả, khả thi; đồng thời thường xuyên vệ sinh cảnh quan, môi trường sống để loại bỏ các ổ chứa nước đọng là điểm sinh sản của muỗi ở trong nhà và ngoài nhà. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp; mọi sự chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong khi có những biến chứng trầm trọng xảy ra.

Giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch thường kéo dài từ 24 - 48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau. Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện như vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh, nhỏ; huyết áp bị kẹt với hiệu số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg; huyết áp bị tụt hoặc không đo được; lượng nước tiểu ít.

Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng. Dấu hiệu xuất huyết dưới da được biểu hiện với các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc được biểu hiện với hiện tượng chảy máu mũi, lợi; đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Dấu hiệu xuất huyết nội tạng có thể thấy ở hệ tiêu hóa, phổi, não; đây là dấu hiệu nặng.

Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy phủ tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không bị sốc; vì vậy trên thực tế lâm sàng cần cảnh giác. Khi xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy dung tích hồng cầu (hematocrite) tăng so với giá trị ban đầu của người bệnh hoặc so với giá trị trung bình của dân số ở cùng lứa tuổi; số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm3 máu, enzyme AST (aspartat transaminase), ALT (alanin transaminase) thường tăng; trong trường hợp nặng có thể có rối loạn đông máu. Siêu âm hoặc chụp phim Xquang có thể phát hiện tràn dịch màng bụng, màng phổi.

Giai đoạn hồi phục thường xảy ra từ 24-48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm khi có hiện tượng tái hấp thu dần từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch máu. Giai đoạn hồi phục kéo dài khoảng từ 48-72 giờ sau đó. Người bệnh hết sốt, thể trạng được tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định và bắt đầu đi tiểu nhiều. Bệnh nhân có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ.

Trong giai đoạn này cần thận trọng vì nếu truyền dịch không kiểm soát, truyền dịch quá mức có thể gây nên phù phổi hoặc suy tim. Xét nghiệm cận lâm sàng thấy dung tích hồng cầu (hematocrite) trở về chỉ số bình thường hoặc có thể thấp hơn do hiện tượng pha loãng máu khi dịch được tái hấp thu trở lại. Số lượng bạch cầu ở trong máu thường tăng lên sớm sau giai đoạn hạ sốt. Số lượng tiểu cầu dần dần trở về chỉ số bình thường nhưng có thể chậm hơn so với số lượng bạch cầu.

Do bệnh nhân sốt cao kèm mất nước nên cần phụ nước đầy đủ, người bệnh nên uống các loại nước trái cây, nước quả ép (như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) vì chúng chứa nhiều khoáng chất và vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn sẽ làm tình trạng bệnh giảm đi.

Với người bệnh sốt xuất huyết, cần kiêng những loại thức ăn nhiều mỡ béo, các thực phẩm xào rán, có gia vị chua cay vì chúng thường gây khó tiêu; còn lại không kiêng tuyệt đối thứ gì cả. Nên ăn cân đối đầy đủ dinh dưỡng, nhất là thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất…Trẻ mắc sốt xuất huyết nếu đã khỏi sốt và chơi bình thường rồi thì nên tuân theo chế độ ăn như bình thường. Tùy theo độ tuổi của bé, nếu bé còn bú mẹ thì mẹ phải tăng cường dưỡng chất, nếu bé ăn dặm thì ăn bổ sung cho bé để tăng cân, bù lại mất dinh dưỡng trong thời gian bé bị ốm, tránh tình trạng nhẹ cân suy dinh dưỡng sau này.

Thời gian mới ốm dậy, trẻ có thể ăn chưa ngon miệng, phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn ra, cho ăn các loại cháo soup bù năng lượng thiếu hụt, tăng số bữa lên… Đặc biệt với trẻ em bị sốt xuất huyết, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất, nếu trẻ còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú. Khi cho trẻ ăn uống nên chia nhỏ bữa ăn và nước uống ra, không nên cho ăn dồn dập. Tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm từ trứng, thịt, sữa… thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) tăng sức đề kháng chống lại bệnh sốt xuất huyết. Chú ý là cha mẹ cần kiên trì nấu nướng các món ăn thay đổi khẩu vị, nên hỏi trẻ lớn để có món ăn hợp khẩu vị của trẻ. Các món ăn ưu tiên là giàu vitamin D, A, kẽm, sắt, khoáng chất… có thể nấu cháo cà rốt, thịt gà, uống nước quả cam, quýt, sinh tố… nhằm giúp trẻ tăng cường sức khỏe.

(Kiến thức gia đình số 34)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất