| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn vấn nạn cứ buồn buồn là tự tử

Thứ Ba 23/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Chỉ vì những nguyên nhân vụn vặt như vợ chồng to tiếng, bị người lớn la mắng hay kém cạnh bạn bè, hàng trăm người dân tộc Bahnar ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã tìm đến cái chết bằng cách tự tử.

Để lại sau đó là cha mẹ già, là đàn con thơ không nơi nương tựa trở thành gánh nặng và nỗi đau, nỗi ám ảnh cho những người còn sống.

Cứ buồn buồn là tự tử

Huyện Kông Chro nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai, cả huyện có trên 45 ngàn dân, trong đó có 85% là đồng bào DTTS mà chủ yếu là người Bahnar.

Đến Kông Chro, điều dễ dàng có thể nhìn thấy là những nếp nhà sàn nhỏ, xây dựng đơn giản. Nhưng cứ cách vài nhà lại có một ngôi nhà bỏ hoang, không ai sinh sống. Hỏi ra mới biết, những ngôi nhà đó chủ nhà đều đã tự tử cách đây vài năm.

Tìm đến nhà ông Đinh Binh, 60 tuổi, ở làng Dâng, thị trấn Kông Chro, ngôi nhà sàn lợp mái tôn chỉ nhỏ chừng 20m2 nhưng là nơi sinh sống của mười mấy con người, trong đó có 9 người nhà ông, một mẹ già và 6 đứa cháu nhỏ là con của gia đình cô em gái.

Ông Binh kể, đầu năm 2013, do nghi ngờ chồng không chung thủy, em gái ông là chị Đinh Thị Blết đã lên rẫy một mình, rồi uống thuốc trừ sâu tự tử.

6 tháng sau, khi dân làng ai ai cũng nghĩ nỗi đau mất vợ đã phần nào nguôi ngoai để anh Đinh Liôch (chồng chị Blết) chí thú làm ăn nuôi con thì anh lại treo cổ tự tử, bỏ lại mẹ già và 6 đứa con thơ.

Gia đình ông Binh vốn đã nghèo, lại càng chật vật hơn khi nuôi thêm 6 đứa trẻ. Nhưng dù nghèo khổ, ông vẫn cố gắng đưa các cháu về nhà nuôi.

Ông Đinh Binh chia sẻ: “Tôi có 7 đứa con, nuôi không nổi, bây giờ thêm 6 đứa cháu nhỏ nữa, tổng cộng mười mấy người. Lúc trước nghèo nhưng còn đủ ăn, một bao gạo ăn được hai tháng, bây giờ thì không đủ ăn trong một tháng.

Khi nào thiếu quá lại phải đi vay mượn người làng, đến vụ trả cho họ. Chỉ thương các cháu, mới nhỏ đã chịu cảnh mồ côi cha mẹ. Con cháu út lúc đầu cứ khóc mãi, có khi còn ngất xỉu nữa, giờ ít nói hẳn.

Mình già rồi, cũng cố gắng nuôi các cháu trưởng thành, chỉ mong chúng khỏe mạnh, lo nhất khi đau ốm, không có tiền khám chữa bệnh”.

Còn đối với chị Anheng (37 tuổi) ở làng Pyang, thị trấn Kông Chro, hai năm qua từ ngày chồng tự tử, chị không có người đỡ đần, kinh tế gia đình đi xuống, hai con của Anheng phải nghỉ học. Ruộng rẫy ít, mọi chi tiêu trong gia đình chủ yếu nhờ vào những đồng tiền làm thuê ít ỏi.

Đến nay nhờ tích cực tuyên truyền nên đã có nhiều khả quan, số vụ tự tử năm 2014 giảm 28 vụ so với năm 2013.

Ông Đinh Keo, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kông Chro cho biết: “Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Ban Dân vận phối kết hợp với mặt trận và các đoàn thể đã tuyên truyền bằng video clip.

Chúng tôi còn dịch sang tiếng Bahnar để bà con dễ hiểu hơn, từ đó thấy được nạn tự tử là điều có hại, không nên làm. Đến nay, huyện đã tuyên truyền đến 11/14 xã và thị trấn trên toàn huyện. Có thể nói hiện vấn nạn tự tử trên địa bàn huyện Kông Chro đã giảm hơn trước nhiều”.

Hỏi về nguyên nhân chồng tự tử, Anheng cho biết: “Vợ chồng sống với nhau nhiều lúc bàn bạc làm ăn cũng có sự bất đồng, lời qua tiếng lại. Chồng tôi mỗi lần như thế lại uống rượu rồi to tiếng với vợ con, lúc cãi nhau với vợ thường nhắc tới chuyện tự tử, và rồi làm thật”.

Ngăn chặn vấn nạn

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kông Chro, tình trạng tự tử trên địa bàn huyện rất đáng lo ngại, nó trở thành vấn nạn không thể lý giải nổi. Chỉ từ năm 2010 đến hết quý I năm 2013, đã có tới 306 vụ.

Nguyên nhân các vụ tự tử thường không rõ ràng, hoặc nếu có thì xuất phát từ những chuyện rất vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày như cãi nhau với người thân, bị bạn bè chê cười, học đòi bạn bè nhưng không được đáp ứng, hay bị người già chỉ trích vì làm sai...

Trước vấn nạn này, nhiều thôn làng trên địa bàn đang quyết tâm tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức đồng bào nơi đây.

Anh Đinh Chuyênh, thôn trưởng làng Pyang, thị trấn Kông Chro cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức họp làng để tuyển truyền, hộ nào có người tự tử, thì bà con dân làng không tham gia đám ma đó. Đồng thời tổ chức văn nghệ lồng ghép việc tuyên truyền nạn tự tử làm khổ gia đình, tài sản mất mát, mất người dẫn đến thiếu lao động, kinh tế càng khó khăn.

Người chết mất cả trâu bò, ghè rượu để làm ma. Con cái không có bố mẹ nuôi. Nói chung, người dân cũng hiểu được phần nào về hậu quả của vấn nạn tự tử”.

Cũng để ngăn chặn tình trạng này, đầu năm 2013, huyện Kông Chro đã thành lập Ban chỉ đạo tiến hành tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, dần tiến tới đẩy lùi và xóa bỏ nạn tự tử trên địa bàn.

Theo đó, hàng tháng, đại diện Ban Tuyên giáo Huyện ủy và các Đoàn thể tổ chức 4 buổi văn nghệ ở 4 thôn làng khác nhau. Tại đó, người dân được xem clip về những hoàn cảnh thương tâm của các gia đình có người tự tử, được chính cán bộ người đồng bào tuyên truyền về nhận thức sai lầm khi tự tử…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.