| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn việc di cư tự do ở Sốp Cộp (Sơn La): Cách nào bền vững?

Thứ Ba 23/11/2010 , 10:00 (GMT+7)

Ở Sốp Cộp (Sơn La) việc di cư tự do đã diễn ra từ nhiều năm nay và hiện thành vấn nạn lớn.

Sau những ngôi nhà thấp thoáng bên sườn đồi, là những cánh rừng bị chặt phá để trồng cây ngô, lúa

Việc di cư tự do, cư trú trái phép, không chỉ ảnh hưởng đến việc quản lý hộ khẩu, làm mất ổn định an ninh trật tự mà còn là một trong những nhân tố khiến môi trường sinh thái bị mất cân bằng… Ở Sốp Cộp (Sơn La) việc di cư tự do đã diễn ra từ nhiều năm nay và hiện thành vấn nạn lớn.

Thiệt thòi vì không hộ khẩu

Theo báo cáo của UBND huyện Sốp Cộp, tính đến giữa tháng 11/2010, toàn huyện có 16 hộ với 97 nhân khẩu thuộc đối tượng dân di cư tự do đang cư trú tại 6 bản của huyện. Các hộ di cư đều là dân tộc Mông di cư trong nội huyện, nội tỉnh và ngoài tỉnh. Mặc dù với mong muốn di cư để tìm nơi ở mới, tìm những điều kiện sống thuận lợi hơn so với nơi ở cũ, nhưng không phải lúc nào mong muốn ấy của bà con cũng trở thành hiện thực khi mà nhiều nơi đang nằm trong tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt.

Thói quen di cư tự do dường như đã ăn sâu vào máu thịt của một số đồng bào dân tộc thiểu số ( DTTS), nhất là đồng bào Mông. Hiện, những hộ dân di cư tự do (đến và đi) đang sinh sống tại huyện Sốp Cộp đều có anh, em, người thân cư trú trái phép trên địa bàn. Với họ, việc đăng ký hộ khẩu với các cơ quan chức năng quản lý tại tại nơi cư trú là điều không cần thiết, không quan trọng. Điều này đã khiến công tác quản lý trật tự xã hội của địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Không chỉ có vậy, việc không có tên trong danh sách quản lý hộ khẩu của chính quyền địa phương cũng sẽ khiến bà con chịu không ít thiệt thòi, bà con sẽ không được hưởng lợi từ những chính sách ưu tiên đầu tư của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ sinh sống ở những vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Ông Cầm Duy Vinh, Phó phòng NN-PTNT huyện Sốp Cộp, đơn vị phụ trách việc định canh định cư, công tác dân tộc của huyện Sốp Cộp cho biết: Việc ngăn chặn tình trạng di cư tự do luôn là vấn đề nóng bỏng, gây đau đầu đối với cấp chính quyền. Lãnh đạo huyện đã thường xuyên cùng với các ban, ngành trong huyện xuống tận nơi, tuyên truyền, vận động, bà con quay trở lại nơi ở cũ. Mặc dù vậy, những hộ cư trú trái phép vẫn không hưởng ứng, đồng tình.

"Bắt cóc bỏ đĩa"

Trước thực tế này, huyện Sốp Cộp buộc phải sử dụng đến biện pháp cưỡng chế để đưa các hộ di cư tự do, di cư trái phép trên địa bàn huyện về nơi ở cũ. Trong vòng 1 tháng (từ ngày 2/2/2010 – 5/3/2010), huyện Sốp Cộp đã tổ chức 2 đợt đưa các hộ cư trú trái phép tại các bản Phá Thoáng (xã Mường), bản Huổi Áng, Mường Lèo (xã Mường Lèo) về nơi ở cũ và bàn giao lại cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 tuần sau, các hộ này đã quay lại nơi mà họ di cư đến trước đây.

Ông Cầm Duy Vinh cho biết thêm, với cái lý đến ở với người thân, nhiều người đã tự cho mình cái quyền đến, đi, cư trú tự do tại địa phương mà không cần thông báo với chính quyền sở tại, thậm chí nếu bị chính quyền phát hiện và yêu cầu quay trở về địa phương cũ sinh sống, họ sẽ phản ứng và có những hành động không hợp tác...

Để biết thêm về cuộc sống của những hộ dân di cư tự do, sau 4 tiếng, chúng tôi lặn lội đến với xã Mường Và- một trong những xã có số hộ di cư đến đông nhất huyện Sốp Cộp (hiện xã có 8 hộ, 46 khẩu là dân di cư tự do). Vào gia đình ông Hạng A Phua ở bản Phá Thoáng, thấy người lạ, ông Phua dường như không muốn tiếp chuyện.

Khi được hỏi: Sao ông lại bỏ nhà cũ, đến đây ở? Ông Phua bao biện: “Ở chỗ cũ không có đất làm ăn. Đất trồng ngô, trồng lúa xấu lắm, không cho nhiều hạt, ở đây khá hơn một chút”. Thế ở đây ông có được xã hỗ trợ gì trong việc trồng trọt, chăn nuôi không? - tôi hỏi. “Ở quê cũ là hộ nghèo, được chính quyền hỗ trợ nhiều thứ, ở đây vì không có tên trong danh sách đăng ký hộ khẩu của địa phương, nên ít được hỗ trợ hơn so với những hộ khác…”.

Hiện, hộ ông Phua có 6 nhân khẩu. Cũng như những hộ di cư trái phép đến cư trú tại đây, cuộc sống của họ cũng rất khó khăn, vì họ chỉ biết trồng lúa nương, trỉa ngô, trồng sắn, năng suất đạt thấp không có vốn để đầu tư, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Không bị đói triền miên, nhưng như thế cũng không thể gọi là no đủ được…

Để ngăn chặn việc di cư tự do bền vững, thiết nghĩ, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con về Luật Cư trú, chính quyền địa phương nơi ở cũ cần có biện pháp triệt để trong việc tổ chức, sắp xếp ổn định nơi ở ổn định cho bà con với những điều kiện được đảm bảo tối thiểu, như: đất ở, đất sản xuất, điện, nước sinh hoạt... Đối với chính quyền có hộ di cư tự do đến cư trú trái phép cũng phải có những biện pháp kiên quyết, triệt để trong việc xử lý các hộ cư trú trái quy định của pháp luật.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất