| Hotline: 0983.970.780

Ngàn đôi mắt sáng dâng đời

Thứ Hai 04/06/2012 , 10:37 (GMT+7)

Giữa khuất lấp đời thường, họ như những viên ngọc, chẳng gọt giũa mà vẫn sáng trong. Họ sống với những khát vọng đẹp đẽ cho mình, gia đình và cộng đồng.

Giữa khuất lấp đời thường, họ như những viên ngọc, chẳng gọt giũa mà vẫn sáng trong, chẳng cần ngợi ca mà vẫn lành lẽ. Họ sống với những khát vọng đẹp đẽ cho mình, gia đình và cộng đồng. NNVN trân trọng giới thiệu một số nhân vật như thế.

Ngàn đôi mắt sáng dâng đời

Kim Sơn (Ninh Bình) là huyện dẫn đầu toàn quốc về phong trào hiến giác mạc với 6.540 người đăng ký hiến và đã có 101 người hiến.

Mưa xối xả, chiếc ô tô chuyên dụng xé màn đêm, lao đi trên con đê Kim Tân (huyện Kim Sơn) còn loang loáng nước rồi dừng lại trước một ngôi nhà mà từ đó vẳng ra những tiếng khóc rền rĩ. Mất điện. Làng xóm tối đen như mực. Mấy con người lễ mễ khoác áo mưa, cầm theo hòm dụng cụ, bì bõm lội trong nước ngập đến bắp chân. Ông Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã ướt rượt, lập cập dẫn lối. Đám đông đang khóc lóc, thấy họ vào liền tự động giãn ra thành một lối dẫn đến chiếc giường, trên đó nằm thẳng thắn một xác người. Ánh nến leo lắt, vàng vọt. Chiếc đèn ắc quy được bật lên hắt một quầng sáng xanh nho nhỏ. Một mảnh vải trắng trùm lên người chết chỉ còn chừa mỗi hai lỗ nhỏ của con mắt.


Một ca hiến giác mạc

Các nhân viên kỹ thuât tay dao, tay lọ lặng lẽ thao tác. Không gian lặng phắc, chỉ còn tiếng tích tắc đều đều của chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường. Chừng ba mươi phút sau, họ gắp hai miếng mỏng dính, trong veo bỏ vào hai lọ chứa dung dịch rồi giơ lên cao cho mọi người xem. Đám đông ồ lên: “Tưởng thế nào, cái giác mạc trông nhỏ nhỉ?”. Bỏ ngoài tai những lời bàn tán, họ nhanh nhẹn đặt đôi giác mạc giả vào mắt người đã khuất, lau rửa sạch sẽ mặt mũi như chưa từng có cuộc phẫu thuật. Vừa lúc pin trong đèn cạn kiệt. Ngoài trời vẫn mưa, sấm chớp đì đùng. Đã có hàng chục cuộc hiến tặng giác mạc như thế diễn ra ở Kim Tân.

Trong họ hàng nhà ông Nguyễn Quyết Tiến và bà Tô Thị Ái (thôn 8) có nhiều người viết đơn tự nguyện hiến giác mạc. Riêng gia đình ông bà có ba người đăng ký là ông, bà và người con trai Nguyễn Quyết Thắng hiện đang giữ chức trưởng thôn 8. Mới đây, hai người em trai và em rể bà Ái là Tô Đình Khoa, Trần Văn Sơn đều đã hiến giác mạc.

Trong điện thoại của ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Kim Tân lúc nào cũng lưu vài số điện thoại của Viện mắt. Hễ gọi vào một số là tất cả điện thoại của các nhân viên trong kíp phẫu thuật đều reo. “A lô, tôi là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Kim Tân đây, có người vừa tắt thở, gia đình và bản thân người đó trước đã đồng ý hiến tặng giác mạc, đề nghị Viện bố trí người về lấy. Tôi sẽ đón ở chỗ…”. Giác mạc chỉ có giá trị trong khoảng thời gian từ lúc mất đến lúc hiến là 8 giờ đồng hồ nên mọi thứ phải rất nhanh chóng. Ông Tiến tiếp chuyện: “Ngay như chú em ruột tôi là Nguyễn Đức Ngọ đợt bị cảm, đưa đi Hà Nội ai cũng nghĩ là bệnh xoàng, không ngờ ba ngày sau chú ấy mất. Đột ngột ra đi quá nên người nhà lo xong thủ tục, chở về đến quê đã quá mất thời gian hiến tặng giác mạc. Cả họ cứ ngớ người ra tiếc mãi”.

Nói về chuyện hiến tặng giác mạc, một việc “xé rào” quan niệm, tập tục chết phải toàn thây, ông Tiến giải thích một cách rất giản dị rằng: “Chết là thân xác đó đã hết, khi xuống đất là thịt hỏng, da tiêu nên hiến giác mạc là để lại một phần cơ thể sống, để lại tình thương lại cho đời”. Cái cách mà ông Tiến giác ngộ cho họ hàng, làng xóm hiến tặng giác mạc cũng rất đỗi gần gũi. Mỗi dịp giỗ tết, ông lại nhắc mọi người đăng ký. Những lúc có người đang ốm nặng ông đến thăm rồi tranh thủ đặt vấn đề.

Trên bàn thờ, di ảnh của con trai ông Nguyễn Văn Thìn và bà Trần Thị Vui (thôn 6) mắt trong veo. Mỗi lần nhìn, ông bà thấy như được nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ một khúc ruột. Nhà ông Thìn có 7 người đăng ký hiến giác mạc gồm ông bà và năm đứa con. Vận động trong nhà thì dễ nhưng vận động họ hàng khó khăn bội phần. Ông kể: “Lúc đầu mọi người cứ nghĩ hiến giác mạc là phải khoét mắt nên ai cũng ghê. Nói mãi cũng chẳng thông, tôi nghĩ ra một hình thức. Hễ có đám giỗ chạp, mổ lợn, mổ chó tôi lại khoét cái giác mạc, giơ lên cao cho mọi người thấy nó chỉ là một miếng mỏng rất khó nhìn thấy chứ không phải là nguyên cả con mắt. Kể từ đó mọi chuyện đã dễ dàng hơn”.


Vợ chồng ông Thìn cùng đứa cháu

Về đứa con trai yểu mệnh của ông Thìn, do sức khỏe yếu, 27 tuổi đã qua đời. Ngày cháu mất, chính ông gọi cho ông Hùng giục bệnh viện đến lấy giác mạc. Người cha có tấm lòng bác ái vô bờ này bảo: “Giác mạc không phải để mua bán, nó là vô giá. Nếu như đưa bất kỳ hình thức vật chất nào ra để đánh đổi sẽ không bao giờ được việc. Chúng tôi làm phúc chứ không phải để trục lợi”. Những người hiến giác mạc ở Kim Tân, phần đa gia đình kinh tế không khá giả gì, nếu không nói là nghèo.

“Nổ phát súng” đầu tiên trong phong trào hiến giác mạc ở Kim Tân là ông Trần Văn Bảo năm 2008, lúc còn chưa có chương trình vận động của Hội Chữ thập đỏ các cấp. Về sau có thêm những đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…vào cuộc mọi thứ đã dễ hơn.

Anh Phạm Văn Hùng, nguyên Bí thư xã đoàn Kim Tân, kể: “Lúc đầu tôi nói với bố mẹ rằng hiến giác mạc là một việc quý, rằng sau chết để lại cho đời một thứ gì là được chứ không phải mất. Bố tôi bảo luôn không muốn hiến vì mất giác mạc có mà thành người mù ở…kiếp sau. Những lúc bố con ngồi uống nước hay các bữa cơm gia đình, tôi đều vận động phải rất lâu sau các cụ mới thông. Chuyện vận động các đoàn viên cũng gian nan không kém. Bản thân họ đều là người trẻ khỏe, quỹ thời gian còn dài, nói chuyện hiến giác mạc cứ cười phá lên. Chúng tôi đưa hiến giác mạc vào nội dung sinh hoạt của Ban chấp hành xã, thôn lại tranh thủ dịp tết nguyên đán, tết trung thu đoàn viên làm ăn xa về nhà. Trước mỗi cuộc vận động đều có văn nghệ tưng bừng, mưa dầm thấm lâu, dần dần có 80% đoàn viên xã tham gia tự nguyện”.

Những cái chết thường về đêm. Mỗi lần như vậy ông Hùng lại phải trực bên xác chết, hội kiến người nhà, dẫn lối cho cán bộ y tế, làm xong thủ tục mất 7-8 tiếng, lắm bận về đến nhà đã 3-4 giờ sáng. Vất vả nhưng ông bảo mỗi ca hiến giác mạc thành công lòng mình nhẹ nhõm lạ thường. Trên 500 người đăng ký hiến tặng giác mạc, 100% cán bộ xã, thôn, đoàn, hội tham gia, đó là một kỳ tích ở Kim Tân.

Ông Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Kim Tân kể với tôi chuyện vận động người hàng xóm bị bệnh nặng. Lúc đầu họ ngần ngại, ông phải nhờ các ông trùm, ông cựu trong giáo họ rồi nhờ linh mục ngỏ lời mới thông (Kim Tân là xã vùng công giáo). Bỏ tiền túi mua cân đường, hộp sữa liên tục căm sóc, thỉnh thoảng ông lại nhắc người hàng xóm phải động viên con cháu trong nhà. Tưởng đã chắc mười mươi.

Lúc người hàng xóm mất, ông Hùng hỏi lại ý kiến mọi người. Duy nhất một người con làm ăn xa mới về không đồng ý. Mọi chuyện trở thành “xôi hỏng, bỏng không”.


Ông Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Kim Tân cùng gia đình anh Hùng

Sau biết chuyện, trong làng, ngoài xóm đều đàm tiếu người con đã phản đối việc thực hiện ước nguyện cuối cùng của cha. Nguyên tắc của việc hiến giác mạc là ngoài bản thân người đó đồng ý, vợ hay chồng đồng ý còn phải 100% con cái chấp nhận. Vận động một người đã khó, vận động cả nhà đồng tình khó khăn ấy nhân lên gấp bội. Hay chuyện một người bị ung thư cả ông bà đều đồng ý hiến giác mạc. Lúc có đoàn phóng viên về xã tìm hiểu phong trào, ông Hùng hăng hái dẫn đến nhà điển hình đó. Máy quay, máy ảnh đã sẵn sàng, ông lão mới buồn bã bảo con cái không đồng ý, cả đoàn hết lượt nhìn nhau rồi lủi thủi quay về. Mọi hi vọng tưởng không còn.

Thời gian sau, có người gọi điện báo với ông Hùng: “Anh X mất rồi. Cái vụ hiến giác mạc lần trước có khi là được đấy”. Ông Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ bôn bả đi mà đầu đầy nghi ngại. Đến nơi, người con cả chìa ra một di chúc: “Bố cháu để sẵn di chúc này ở đầu giường nói mọi người hãy thực hiện ước nguyện cuối cùng là hiến giác mạc”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm