| Hotline: 0983.970.780

Ngân hàng thừa tiền, người cần vốn không vay nổi, vì sao?

Thứ Sáu 28/07/2017 , 08:15 (GMT+7)

Các chủ trang trại chăn nuôi rất cần vốn, ngân hàng thì nói luôn thừa tiền, chính quyền lại hết mực ủng hộ các chủ trang trại mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất lớn.

15-48-21_heo_qung_tri
Các chủ trang trại chăn nuôi heo ở Quảng Trị đang rất cần vay vốn ngân hàng

Nhưng tại sao dòng vốn ngân hàng vẫn ách tắc, không đến được với người cần vốn? Câu chuyện đang diễn ra âm ỉ ở tỉnh Quảng Trị...
 

Bài ca... thế chấp

Trang trại  chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Hưởng ở thôn Vân Tường, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong có 3 dãy chuồng lớn, trong đó 2 chuồng nuôi heo thịt và heo nái đẻ, chuồng còn lại nuôi hơn 1.000 con gà. Do giá heo lên xuống thất thường nên thời gian qua, anh Hưởng nuôi heo thường xuyên thua lỗ, trong khi anh đang nợ ngân hàng 200 triệu. Anh Hưởng cho biết, tuy vay được tiền để đầu tư chăn nuôi nhưng cũng "tróc vi trầy vẩy", nhất là khâu làm thủ tục phải chờ đợi quá lâu.

Không được may mắn như anh Hưởng, ông Nguyễn Đức Hiếu, chủ trang trại nuôi heo ở thôn Hải Hòa, xã Linh Hải, huyện Gio Linh đi vay gần 2 năm vẫn chưa được tiền. Lúc đầu, ông Hiếu làm dự án xin vay 1 tỷ đồng để xây dựng thêm chuồng heo nái nhằm chủ động nguồn heo giống. Ông Hiếu cho biết phía ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp, trong lúc trang trại của ông là đất lâm nghiệp nên không thế chấp được.

Muốn có tài sản thế chấp, ông Hiếu phải chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp. Đến khi chuyển đổi xong, hồ sơ gửi lên ngân hàng nhưng vẫn chưa biết khi nào tiền về để đầu tư nuôi heo. Bí quá, ông Hiếu đi vay ngoài với lãi suất cao. Do phải bù lãi suất cao nên hạch toán lại thời gian qua, ông Hiếu nuôi heo toàn thua thiệt. Giờ đây, ước mong duy nhất của ông là được phía ngân hàng sớm giải quyết hồ sơ vay vốn.

Một chủ trang trại lớn ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, là ông Trần Văn Hoài. Ông Hoài đầu tư gần 20 tỷ đồng nuôi 3.000 con heo. Hàng tháng, trang trại giải quyết việc làm cho gần 20 lao động, thu nhập ổn định. Ông Hoài nhiều lần đến ngân hàng vay vốn nhưng không được chấp nhận vì cán bộ ngân hàng cứ luôn miệng đòi ông tài sản thế chấp, trong lúc ông Hoài không có tài sản gì ngoài mấy dãy chuồng và đàn heo đang đói cám.

Phải đi vay ngoài với lãi suất cắt cổ để đầu tư chăn nuôi nên chi phí đội lên cao chót vót, trong khi giá heo quá thấp nên ông Hoài đang chờ... lỗ vốn. Bức xúc, ông Hoài bảo, nhiều lúc Chính phủ nói vay vốn đơn giản nhưng có đi vay mới biết không dễ dàng chút nào. Nhà băng thì luôn cầm đằng cán, cần có tài sản đưa vào thì họ mới cho rút tiền ra, nhưng mình nuôi heo, không lý đưa con heo ra thế chấp, ngân hàng họ làm sao nuôi heo được.
 

Ngân hàng nói gì?

Không chỉ các hộ chăn nuôi gặp khó khăn trong vay vốn đầu tư, phát triển nông nghiệp, ở các huyện, thị khác của tỉnh Quảng Trị, nhiều hộ nông dân muốn phát triển trồng rau quả công nghệ cao cũng đang gặp khó khăn khi vay vốn. Nhiều người có nhu cầu vay vốn lại không đủ tài sản đảm bảo được yêu cầu của ngân hàng. Trong khi ngân hàng thì lúc nào cũng nói thừa vốn. Vậy làm thế nào để hai bên gặp được nhau?

Đem câu hỏi này đến cho ông Trương Công Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) tỉnh Quảng Trị, ông cho biết, theo khung cơ chế cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Nghị định 55 của Chính phủ quy định, nếu hộ cá nhân vay từ 100 triệu đồng thì không phải thế chấp tài sản. Tương tự không thế chấp tài sản khi vay 200 triệu đồng để trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm. Và không thế chấp tài sản nếu vay tối đa 300 triệu đồng đối với đơn vị kinh doanh.

Ông Dũng nói ngoài 3 điều kiện trên, nếu các hộ gia đình vay làm trang trại với mức trên 300 triệu đồng thì phải có tài sản thế chấp đảm bảo theo quy định. Và theo ông Dũng, chính với cơ chế cho vay thông thoáng như vậy nên đến thời điểm hiện tại tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank Quảng Trị đạt tới 5.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phân tích từ thực tế nhu cầu vốn thì ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, ít nhất người nông dân cần phải đầu tư 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng mới nói chuyện mở trang trại chăn nuôi heo, gà. Bởi với cách xây dựng trang trại hiện đại như bây giờ tốn rất nhiều tiền nên họ cần được vay số tiền lớn hơn quy định của ngân hàng để đầu tư sản xuất quy mô hiệu quả, chứ vay một vài trăm triệu không bõ bèn gì.

Theo ông Nghi, về phía ngành ngân hàng cũng cần khảo sát và xem xét lại các chính sách cho vay vốn trong NĐ 55, kịp thời tham mưu cho Chính phủ có những sửa đổi, bổ sung phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất và đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chứ ai cũng nói mình đúng, ai cũng giữ "túi khôn" thì không bao giờ vấn đề được tháo gỡ.

Cũng cần nhìn nhận rằng việc triển khai chính sách cho vay nông nghiệp vẫn đang đối mặt với khó khăn, thách thức từ rất nhiều phía. Bản thân ngành nông nghiệp cũng cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, ứng dụng KH-CN và tham gia chuỗi liên kết để đồng vốn ngân hàng rót vào có niềm tin hơn.

Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho rằng, đồng vốn được vay từ các ngân hàng thương mại đầu tư phát triển nông nghiệp rất quan trọng. Thời gian qua địa phương và ngành NN-PTNT hết sức tạo điều kiện cho các hộ dân và tổ chức vay vốn phát triển kinh tế nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Vì vậy, các hộ dân, các chủ trang trại, cần đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh theo hình thức sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Chủ động xây dựng mối liên doanh, liên kết trong trồng trọt, chăn nuôi… giữa các trang trại với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, với hệ thống các siêu thị, nhà hàng trong tiêu thụ và phân phối sản phẩm, để vay được nhiều nguồn vốn hơn.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm