| Hotline: 0983.970.780

Ngẩn ngơ tôm chết, cá trôi!

Thứ Ba 26/10/2010 , 10:25 (GMT+7)

Không chỉ những chủ trang trại chăn nuôi té xỉu trước mất mát vì lũ lụt, mà những chủ đầm nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An cũng điêu đứng...

Gia đình anh Hồ Phúc Khoan (Cty Nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu, Nghệ An) vớt vát những gì còn lại trong 16 hecta đầm sau lũ

Không chỉ những chủ trang trại chăn nuôi té xỉu trước mất mát vì lũ lụt, mà những chủ đầm nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An cũng điêu đứng, khi những đầm tôm, ao cá gần như bị san phẳng.

Tôi về Quỳnh Bảng - vựa nuôi trồng thủy sản trọng điểm ven biển của huyện Quỳnh Lưu gặp đúng lúc những ông chủ đầm tôm, cá đang hì hục mang lưới ra đầm kiểm tra xem những ao cá, đầm tôm còn sót lại con nào không? Nhấc mẻ lưới chỉ độc toàn bùn lên khỏi mặt nước mà không thấy cá đâu, anh Hồ Phúc Khoan, chủ đầm cá thuộc cổ đông của Cty CP Nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn ngẩn người lắc đầu: "Rứa là xong rồi. Ba ngày nước lên, vợ chồng tôi cầm cự thức trắng suốt 48 tiếng đồng hồ không ngủ vây lưới nhưng chắc là đi tong cả. Kỳ ni không biết lấy tiền mô trả lãi ngân hàng đây".

Đầm cá của anh Khoan rộng hơn 16 hecta, toàn cá một vụ/năm. Dự tính cuối năm tháo cạn bán Tết nhưng kế hoạch đó giờ đã tan tành. Cá thả từ tháng 5/2010 đến thời điểm lũ ập đến hầu hết đã lớn cỡ 1,3 - 1,4kg/con. Theo ước tính của anh Khoan, do nước ngập đầm cá trên 1m nên có thể 70-80% lượng cá như trắm, trôi, mè... tương đương 14-15 tấn cá trong đầm đã trôi ra sông Mai Giang với thiệt hại ít nhất 200 triệu đồng. Xót xa nhất là vụ nuôi năm nay, hơn 2.000 con cá tai tượng mà anh Khoan mới nhập về bằng máy bay từ Indonesia để nuôi thử vụ đầu với trị giá hơn 60 triệu đồng cũng đã trôi theo nước lũ.

Điều lo lắng nhất của anh Khoan là sau lũ, số lượng cá còn lại hiện đang bị mắc rất nhiều bệnh như sưng vây, nấm màng... do nguồn nước toàn vùng nuôi thủy sản thuộc các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Liên hiện đang bị ô nhiễm nặng nề. Gay go hơn nữa, phải từ nay đến kỳ Tết Thanh Minh sang năm, các chủ đầm mới có thể thả nuôi vụ mới, vì vậy họ đang lo thon thót không biết lấy tiền đâu để trả lãi ngân hàng. Riêng hộ anh Khoan từ đầu năm đến nay, đã đổ vào 16 hecta đầm không dưới 100 triệu đồng tiền thức ăn. Anh Khoan chậc lưỡi: "Nếu cùng quá thì cũng phải tát cạn mấy cái ao, vớt được con nào thì bán đi con đó mà trả ngân hàng rồi lại vay tiếp".

Những chủ đầm cá dù sao vốn liếng bỏ ra còn ít, chứ những chủ đầm tôm ở Quỳnh Bảng như ông Hoàng Hường (xóm Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng) thì đợt này...ngẩn ngơ hết. Ông Hường thuộc dạng làm ăn có máu mặt ở Quỳnh Bảng với diện tích đầm nhận thầu của Cty CP Nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn hơn 10 hecta. Dẫn tôi ra khu vực quản lí đầm nuôi xem hệ thống trạm điện, máy sục khí đã bị vùi dập sau lũ, hỏng hoàn toàn, ông Hường xót xa: "Vụ tôm đầu năm vừa thu hoạch cuối tháng 9/2010, dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng trúng đậm, đa số đạt 15-18 tấn/hecta. Dân mừng rơn nên vào đầu vụ 2 tức tháng 9 vừa rồi, nhà nào cũng chuyển hết diện tích nuôi tôm sú sang thả tôm thẻ chân trắng với hi vọng ăn "cú đúp". Ai dè...".

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An thì tới thời điểm này, Nghệ An thống kê sơ bộ đã có hơn 14 nghìn hecta ao đầm nuôi trồng thủy sản của tỉnh bị mất trắng. Trong đó diện tích đầm tôm tập trung tại Nghi Lộc, Quỳnh Lưu với hơn 4.000 hecta mất 100%. Các ao đầm cá nước ngọt tại Nam Đàn, Hưng Nguyên... cũng mất trắng 100%. Ước tính thiệt hại của ngành thủy sản Nghệ An trong 2 đợt lũ vừa qua là trên 69 tỉ đồng.
Giọng ông Hường chùng xuống đầy lo lắng: "Nuôi tôm vốn liếng gấp hàng chục lần nuôi cá. Đầu tư từ đầu vụ 2 đến nay đã hết 2 tỉ, vốn liếng của gia đình có hơn tỉ bạc, còn đâu toàn vay ngân hàng. Bây giờ, cái tôi lo nhất là trả tiền ngân hàng. Anh là nhà báo, kiến nghị làm sao cho ngân hàng họ khoanh nợ qua cái tao đoạn này thì tốt biết bao". Trao đổi với PV NNVN hôm qua, ông Nguyễn Hữu Minh, GĐ Cty CP Nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn không khỏi lo lắng khi cho biết chưa bao giờ, người nuôi trồng thủy sản ở Quỳnh Lưu lại gặp đại nạn như 2 đợt lũ vừa qua.

Đợt mưa bão thứ nhất, gần 20 hecta tôm sú của các hộ dân trong Cty mặc dù không bị ngập, nhưng do nước sông Mai Giang lên quá cao, tràn nước vào các ao nên gần như tôm bị chết sạch. Cơn lũ thứ nhất chưa xong thì đợt mưa lớn thứ 2 đã càn quét toàn bộ hơn 80 hecta tôm thẻ chân trắng vừa thả lứa 2 được hơn 1 tháng, dự tính sẽ thu hoạch vào cuối tháng 10/2010 gần như bị trôi hoàn toàn. Hơn 70 hecta ao nuôi theo mô hình cá - lúa 1 vụ (thả giống từ tháng 4-5/2010) không vớt vát được gì. Tổng thiệt hại cả 2 đợt lũ, cả Cty và các hộ nông dân tham gia góp cổ phần, thầu đầm của Cty hầu như mất trắng.

Ông Minh lo lắng cho biết, các diện tích ươm giống tôm thẻ chân trắng của Tập đoàn CP (Thái Lan) tại Quỳnh Bảng cũng bị phá nát. Vì vậy từ nay đến vụ thả mới vào đầu năm 2011, nhu cầu giống tôm sẽ hết sức nóng.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.