| Hotline: 0983.970.780

Ngang nhiên như chốn không người

Thứ Năm 12/09/2013 , 10:13 (GMT+7)

Cứ vài ngày lại có 1 con trâu bị mất trộm. Ngày trộm trong rừng, đêm chúng trộm trong chuồng. Táo tợn hơn trộm còn vào tận chuồng phóng điện bắt trâu đem ra suối làm thịt; có người nghe tiếng súng bắn trâu nhà mình mà không dám lại gần bởi thân cô thế cô...

Cứ vài ngày lại có 1 con trâu bị mất trộm. Ngày trộm trong rừng, đêm chúng trộm trong chuồng. Táo tợn hơn trộm còn vào tận chuồng phóng điện bắt trâu đem ra suối làm thịt; có người nghe tiếng súng bắn trâu nhà mình mà không dám lại gần bởi thân cô thế cô...

Những ngày qua, người dân các xã thuộc huyện miền núi Như Thanh – Thanh Hóa không ngừng cầu cứu các cơ quan chức năng trước nạn trộm trâu đang diễn ra ngày một bạo rợn, công khai tại địa phương.

KHÁC GÌ CƯỚP

Chỉ sau dăm phút thống kê, số lượng đàn trâu bị mất trộm tại xã Xuân Thái – Như Thanh kể từ năm 2012 đến nay đã lên đến con số hàng trăm con. Trường hợp mất nhiều trâu nhất là hộ ông Vi Văn Minh với 23 con trâu trưởng thành.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Sang – Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, cho biết: “Kẻ trộm trâu hoạt động bất kể ngày đêm. Thậm chí, ngày trộm trong rừng, đêm trộm trong chuồng. Song, những ngày qua nhân dân bức xúc nhất là hành vi kích trộm trâu trong hồ”.

Một phần nguyên do bởi, từ cuối năm 2012, Ban quản lý rừng quốc gia Bến En (thuộc huyện Như Thanh) không cho phép người dân thả trâu trong rừng nữa. Bằng mọi cách, người chăn nuôi phải đưa hết đàn trâu hàng nghìn con trong rừng về nhà. Một lượng trâu chưa thể lùa về, còn một số lượng lớn đã lùa về song không có chỗ chăn thả. Mặc dù đã bán đi nhiều, song trong khi chờ đợi giải pháp tiếp theo, người chăn nuôi đưa những con trâu còn lại ra khu vực ven hồ Bến En thả tạm. Kẻ trộm trâu biết được và lợi dụng ngay điều này.


Khu vực ven hồ Bến En, nơi xảy ra hàng trăm vụ kích trộm trâu

Ông Bùi Văn Trường, người có đàn trâu bị mất cho biết, thay vì phải lẩn trốn, rình mò bắt trâu trong rừng, kẻ trộm sắm luôn thuyền và kích. Hè nắng, trâu xuống hồ đằm cũng là lúc trộm ra tay. Trâu bị điện giật chết, chúng buộc dây vào chân kéo ra khu vực kín đáo để làm thịt. Chân, cẳng, đầu, nội tạng trâu chúng vứt ngay tại chỗ, còn thịt thì cho vào bao tải chất lên xe máy chuyển về xuôi bán.

“Nhiều hôm đi thăm trâu, trâu chẳng thấy, chỉ còn mỗi lông lốc cái đầu bên bãi máu loang lổ. Vừa xót thương trâu vừa tủi cho hoàn cảnh nhà mình khi tài sản duy nhất đáng giá là mấy con trâu thế mà cứ mất dần, mất mòn hết cả” – ông Trường ngậm ngùi.

Không kể là nghé, trâu chửa hay trâu lỡ, tiện con nào, trộm kích ngay con đó. Một hành động man rợ, tàn nhẫn mà đến giờ ông Quách Ngọc Bút vẫn chưa quên là con trâu sắp đẻ nhà ông bị trộm làm thịt, con nghé chưa kịp chào đời bị vứt xuống nước làm mồi cho cá.

Cả gan hơn, trộm còn vào tận chuồng phóng điện bắt trâu, mang ra suối làm thịt như trường hợp trâu của bà Lê Thị Lương. Hay như anh Quách Văn Mạnh, có nghe tiếng súng bắn trâu nhà mình nhưng không dám lại gần khi thân cô thế cô chốn rừng sâu.

Trộm không nương tay, ngược lại càng ngày càng hoành hành hơn. Theo thống kê, cứ độ vài ba ngày lại có một con trâu bị bắt trộm. Với giá trâu như hiện nay, trung bình 25 triệu/con, có hộ thiệt hại hơn nửa tỉ đồng như trường hợp ông Vi Văn Minh.

THẢ LUÔNG TRÂU: DỄ MẤT!

Trở lại hình thức nuôi trâu của người dân xã Xuân Thái những ngày trước khi có nạn kích trộm. Được biết, đó là hình thức: Thả luông trong rừng. Mặc cho mưa gió, bệnh tật, chỉ cần cắt tai, đánh dấu trâu nhà mình rồi thả vào rừng, lúc nào muốn bắt trâu thì cho người lên rừng lùa về.

Sơ hở là ở đó. Kẻ trộm trâu nhận ra và xác định miếng mồi béo bở.

“Đúng là, sau khi thả trâu vào rừng, chúng tôi hầu như không quan tâm đến việc trâu sống như thế nào, đặc biệt có những con tách đàn ăn sâu vào rừng lại càng không được để ý. Bởi thế, trộm men theo đường mòn, đến lùa đi dăm bảy con vào rừng sâu rồi tìm cách xâu mũi, dắt đi… Thế là mất trâu” – ông Quách Ngọc Bút thừa nhận.

Thực tế cho thấy, nhiều khi người ta không thể biết số trâu đó đã mất hay bị lạc, hoặc đinh ninh rằng trâu đang ăn quanh quẩn đâu đó nên không chủ tâm đi tìm. Hoặc có đi tìm nhưng “đi sau trộm” như ông Quách Ngọc Bút: “Khi phát hiện mất trâu, tôi về báo cho người nhà, xác định các điểm mấu chốt mà kẻ trộm nhất định phải đi qua rồi chia người nấp vào bụi, rình bắt quả tang. Hết rình, rồi dò la tìm hiểu, cuối cùng nhận được thông tin: trộm dắt trâu ra khỏi rừng rồi chúng tôi mới đến đóng chốt”.


Anh Bùi Văn Trường: “Nhiều hôm đi thăm trâu, trâu chẳng thấy chỉ thấy cái đầu và ruột trâu, vừa xót xa cho con của, lại vừa tủi cho hoàn cảnh nhà mình”

Từ việc không lùa hết được đàn trâu về, các hộ nuôi trâu lại phải bận tâm với hai đàn trâu. Một đàn sống trong rừng, một đàn sống ở ven hồ. Với nạn trộm trâu hoành hành, điều đó đồng nghĩa với việc số trâu sống trong rừng đang phải đối mặt với nạn dắt trộm, bẫy trộm, còn số trâu đã về thì đối mặt với nạn kích trộm. Đúng là đôi ngả éo le.

Là người mất trâu nhiều nhất xã Xuân Thái, ông Vi Văn Minh bức xúc: “Mỗi khi ra tay, trộm luôn có người canh giữ nên muốn bắt quả tang hành vi trộm, thịt trâu cũng không phải là chuyện nói là làm được”.

“Báo chính quyền ư? Báo, báo rồi lại báo. Báo mãi nhưng trộm vẫn cứ trộm, trâu thì vẫn cứ mất như thường” – ông Quách Ngọc Bút thẳng thắn. Giải thích thêm về điều bức xúc đó, ông Bút nói, trước đây cũng có đoàn công an huyện về vây bắt kẻ trộm trâu, nhưng bắt được mấy hôm lại thấy thả, còn chúng tôi là những người có tài sản bị mất cắp vậy mà chẳng được mời lên giải quyết. Vì thế nạn trộm trâu không những không thuyên giảm mà ngày càng mạnh hơn, công khai hơn.

Cũng như Xuân Thái, các xã Thanh Tân, Phúc Đường, Xuân Phúc thuộc huyện Như Thanh, xã Bình Lương, Phú Bình thuộc huyện Như Xuân đều có chung một vấn nạn mất trâu như vậy. Qua trao đổi, ông Nguyễn Huy Duân – chủ tịch UBND xã Xuân Phúc cho hay, ở xã cũng có nhiều hộ nuôi trâu theo hình thức thả rông trong bìa rừng quốc gia Bến En. Vừa rồi, nạn trộm trâu ghê quá nên nhiều hộ tính bán trâu vì không dám mạo hiểm thả tiếp.

Các hộ bị mất trâu ở xã Xuân Thái:

Ông Quách Ngọc Bút mất 9 con

Ông Bùi Văn Trường: 6 con

Ông Lữ Văn Xuân: 5 con

Ông Quách Văn Nhật: 5 con

Ông Quách Văn Hóa: 5 con

Ông Lương Văn Đông: 5 con

Ông Lương Văn Huấn: 4 con…

Mất nhiều nhất là gia đình ông Vi Văn Minh, chỉ riêng năm 2012 và nửa năm 2013, gia đình ông mất trộm 23 con trâu trưởng thành.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sụt lún nghiêm trọng tại kho một công ty lương thực thiệt hại 10 tỷ đồng

CẦN THƠ Vụ sụt lún xảy ra tại kho Bến Thủy của một công ty lương thực, ước tính thiệt hại 10 tỷ đồng, ngành chuyên môn đang tìm hiểu nguyên nhân.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm