| Hotline: 0983.970.780

Ngành Lâm nghiệp đang chuyển mình mạnh mẽ!

Thứ Ba 02/02/2016 , 06:35 (GMT+7)

Nhân dịp chuẩn bị phát động Tết trồng cây Bính Thân - 2016, NNVN đã có cuộc trao đổi với TS Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT một số vấn đề phát triển lâm nghiệp 2016...

Ngành Lâm nghiệp đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Năm 2015 tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt rất cao - 7,92%; xuất khẩu lâm sản và đồ gỗ vào thị trường trên 110 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch 7,2 tỷ USD. 

15-54-37_dscf2546
TS Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT

Xin Thứ trưởng cho biết về việc chuẩn bị Tết trồng cây Bính Thân - 2016?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đã thành tập quán từ năm 1960, Bác Hồ phát động Tết trồng cây, thì mỗi độ Tết đến Xuân về, Chủ tịch nước giao cho Bộ NN-PTNT phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước và các địa phương tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Tết trồng cây Bính Thân - 2016 dự kiến được tổ chức long trọng tại khu cách mạng tỉnh Tuyên Quang.

Ngay trong tháng 12/2015, Bộ NN-PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương cả nước phát động phong trào trồng cây gây rừng và tổ chức Tết trồng cây phù hợp, thiết thực, hiệu quả và coi như hoạt động có ý nghĩa chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XII và thực hiện làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là cuộc thi đua “tốn kém ít mà hiệu quả nhiều, một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”.

Xin Thứ trưởng cho biết một số kết quả đạt được của ngành Lâm nghiệp trong 5 năm qua?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Lâm nghiệp nước ta đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, đạt được kết quả khá toàn diện, thể hiện nổi bật như sau:

Một là, sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, ổn định, công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng có nhiều tiến bộ; tình trạng vi phạm pháp luật, phá rừng trái phép giảm 70% trong 5 năm qua, độ che phủ rừng tăng từ 39,1% năm 2011 lên 40,72% năm 2015.

Hai là, lâm sản hàng hóa gắn với thị trường và xuất khẩu; đời sống người dân lâm nghiệp được cải thiện. Năm 2015 tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt rất cao là 7,92%; sản lượng gỗ rừng trồng tăng 2,5 lần trong 5 năm qua; công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần; xuất khẩu vào thị trường trên 110 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu 7,2 tỷ USD năm 2015. Nhiều mô hình làm giàu từ rừng xuất hiện ở hầu hết địa phương.

Ba là, chủ trương xã hội hóa nghề rừng được cụ thể hóa đầy đủ hơn; quản lý Nhà nước có nhiều tiến bộ, chủ yếu sử dụng công cụ pháp luật, chính sách; nhận thức của xã hội về ngành Lâm nghiệp nhất quán hơn. Chính sách dịch vụ môi trường rừng đã, đang mang lại hiệu quả thiết thực về nguồn tài chính lâm nghiệp; nâng cao thu nhập người dân, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Bốn là, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu theo chủ trương đa phương, đa dạng hóa, nâng cao vị thế quốc gia và được bạn bè quốc tế đánh giá cao hơn.

Để tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu lâm sản, cần giải pháp, chính sách gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản tăng bình quân trên 12%năm, từ 4,2 tỷ năm 2011 lên 7,2 tỷ năm 2015. Lâm nghiệp là ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 toàn quốc và có tỷ trọng xuất siêu lớn.

trong-cy170556739
Thực hiện Tết trồng cây

Thành quả này xuất phát từ các yếu tố chủ yếu là: Chúng ta đã có cơ chế phát triển phù hợp để thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất, chế biến lâm sản; sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, theo sát những biến đổi thị trường để thích ứng kịp thời cùng với hài hòa hóa các quy định quản lý nguồn gốc hợp pháp theo chuỗi sản xuất, không để tạo ra các rào cản thương mại phi thuế quan; gắn chế biến, tiêu thụ với phát triển vùng nguyên liệu, gỗ trong nước ngày càng đáp ứng nhu cầu chế biến, cơ cấu tỷ trọng gỗ rừng trồng trong nước đã đạt trên 70% trong đồ gỗ xuất khẩu (tỷ trọng năm 2005 là 20%).

Thưa Thứ trưởng, rõ ràng thu dịch vụ môi trường rừng có tác dụng tích cực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ngành Lâm nghiệp sẽ triển khai những biện pháp nào để phát triển nguồn thu này?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Sau 4 năm thực hiện, đến nay có thể khẳng định cơ chế dịch vụ môi trường rừng là một sáng kiến mới, được các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân quan tâm thực hiện, mang lại hiệu quả có ý nghĩa bước ngoặt trong quản lý lâm nghiệp, được bạn bè quốc tế đánh giá như một điển hình đổi mới. Năm 2015 nguồn thu này đạt trên 1.330 tỷ đồng, chi trả cho 5,3 triệu ha rừng, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống chủ rừng và người nhận khoán, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy vậy, nguồn thu này mới chủ yếu từ dịch vụ cung ứng nước, chống bồi lắng đất đối với các công trình thủy điện, một phần thu từ các cơ sở sản xuất nước sạch và dịch vụ du lịch sinh thái. Về cơ bản nguồn thu từ các dịch vụ này là ổn định, vấn đề đặt ra là phải thực thi pháp luật để đảm bảo theo đúng, đủ, kịp thời, chi cho người làm ra dịch vụ đúng quy định của pháp luật, công bằng.

Để mở rộng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo tích cực triển khai nghiên cứu, thí điểm, tổng kết để ban hành cơ chế mở rộng dịch vụ khác, gồm: Dịch vụ hấp thụ CO2, giảm phát thải khí nhà kính thông qua giảm suy thoái rừng, mất rừng (REDD+); dịch vụ cho thuê môi trường rừng; dịch vụ cung ứng nước cho cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm