| Hotline: 0983.970.780

Ngành NN-PTNT có trách nhiệm làm hết sức mình để đáp ứng mong mỏi của nhân dân

Thứ Năm 03/02/2011 , 09:51 (GMT+7)

Năm nay, nhóm phóng viên chúng tôi gõ cửa phòng Bộ trưởng Cao Đức Phát với một tâm thế vui tươi.

Năm nay, nhóm phóng viên chúng tôi gõ cửa phòng Bộ trưởng Cao Đức Phát với một tâm thế vui tươi. Không vui sao được khi trong năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối chọi với biết bao khó khăn: hạn hán chưa qua, dịch bệnh kéo đến và rồi cơn lũ lịch sử lớn chưa từng thấy trong vòng trăm năm qua nhấn chìm cả miền Trung; ngỡ tưởng bao mồ hôi nước mắt của người nông dân đổ xuống sông xuống biển, nhưng cuối năm 2010 tổng kết ngành nông nghiệp khiến ai nấy thở phào, nể trọng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2010 đạt 2,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2010 đạt cao kỉ lục với 19,5 tỉ USD, tăng hơn 22% so với năm 2009. Chữ “kỉ lục” mà ngành nông nghiệp đạt được ấy càng có ý nghĩa lớn hơn khi đặt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới năm qua có nhiều biến động, trồi sụt.

Từ sự thành công ấy chợt nhận ra một điều, thời nào nông thôn cũng như người mẹ vĩ đại, là nơi nuôi dưỡng những thiên tài, lãnh tụ, giáo sư, bác sĩ… đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc cả trong thời bình và trong những lúc nguy nan. Nông nghiệp cũng vậy. Dù giữa giông bão của khủng hoảng kinh tế, sự bấp bênh của thị trường, nông nghiệp vẫn lặng lẽ trở mình, vẫn giữ một vai trò cực kì quan trọng, là "niêu cơm Thạch Sanh" cho cả dân tộc…

Chúng tôi trộm nghĩ, đã đến lúc phải sắp xếp hoặc viết lại câu thành ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” trong sản xuất nông nghiệp, bởi con người đã, đang đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh mà nền nông nghiệp phải đối chọi với vấn nạn biến đổi khí hậu toàn cầu. Chẳng thế mà, khi chúng tôi hỏi về những nguyên nhân thành công của ngành nông nghiệp trong năm 2010, Bộ trưởng Cao Đức Phát suy tư một hồi rồi trả lời:

- Đúng là trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2010, ngành NN - PTNT đã đối phó với nhiều khó khăn, cả thiên tai, dịch bệnh và những bất lợi trên thương trường, nhưng với sự nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị và của bà con nông dân, kết qủa của ngành đã đạt được rất toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Theo tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng, đó là sự quan tâm thường xuyên, sâu sát của Đảng, Chính phủ. Đây là sự thành công thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng thứ X, cụ thể là Nghị quyết của BCH Trung ương về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn.

Tôi cũng rất phấn khởi khi đi tới các vùng miền khắp nơi trên đất nước ta, tôi nhận thấy những dấu hiệu của sự cải thiện điều kiện sống của bà con nông dân.

Thưa Bộ trưởng, để duy trì và phát huy hơn nữa những thành công như năm 2010, thì năm 2011 và những năm tiếp theo, ngành NN-PTNT cần  tập trung vào vấn đề gì?

Trong những năm tới đây, để ngành NN - PTNT tiếp tục có sự phát triển tích cực, chúng ta cần triển khai toàn diện hơn, đồng bộ hơn những chủ trương chính sách của Đại hội Đảng lần thứ X, cụ thể là Nghị quyết Trung ương 7 đã đề ra, cũng như các quyết sách của Đại hội Đảng XI. Tôi tin rằng với sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Chính phủ thì đời sống của bà con nông dân sẽ tiếp tục được cải thiện.

Hướng phát triển tới đây của nông nghiệp vẫn tập trung vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng. Phải quyết liệt chuyển đổi từ nền sản xuất "trọng cung" còn nặng nề sang nền sản xuất "trọng cầu" để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chúng ta đã có những thành công trong quá trình này khi nền sản xuất nông nghiệp không chỉ đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn phát huy lợi thế, hướng mạnh ra xuất khẩu. Trong quá trình này, chúng ta đã có các sản phẩm nông sản chủ lực nay tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất đối với ngành chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp…

Trong quá trình phát triển, đối với tất cả các loại sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản, chúng ta đã nói đến vấn đề chất lượng tức là đã bao hàm cả việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề mà xã hội quan tâm và ngành NN- PTNT có trách nhiệm làm hết sức mình để đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Vừa rồi, Bộ trưởng nói đến nâng cao năng suất và chất lượng nông sản; chúng tôi được biết Bộ trưởng là người quan tâm sâu sát đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ biến đổi gen. Xin Bộ trưởng nói rõ hơn sự quan tâm của mình về vấn đề này?

Rõ ràng, khoa học công nghệ là cơ sở hết sức quan trọng để chúng ta thực hiện việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Trong tổng thể các vấn đề về khoa học công nghệ thì cần chú trọng áp dụng các thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ để nền nông nghiệp nước ta có được khả năng cạnh tranh trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ ở mặt bằng tương đồng với các nước khác  trên thế giới.

Hiện nay, khi mà công nghệ sinh học và một trong những thành tựu của công nghệ sinh học là cây trồng biến đổi gen ngày càng áp dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới thì Việt Nam chúng ta cũng phải nhanh chóng nắm bắt, xem xét áp dụng trong phát triển nông nghiệp để nông nghiệp nước ta không bị lạc hậu so với các nước trên thế giới.

Để việc áp dụng rộng rãi công nghệ biến đổi gen thì việc đầu tiên chúng ta phải làm là gì, thưa Bộ trưởng?

Đầu tiên  cần tổ chức nghiên cứu, nắm bắt được công nghệ có liên quan, trên cơ sở đó một mặt  tổ chức khảo nghiệm, kiểm nghiệm, lựa chọn công nghệ phù hợp; mặt khác  cũng thông báo minh bạch cho nhân dân biết để tạo sự đồng thuận trong xã hội, sau đó  phổ biến, áp dụng để mang lại những lợi ích thiết thực cho bà con nông dân và nền nông nghiệp.

Thưa Bộ trưởng, Đại hội X của Đảng đã ban hành Nghị quyết về vấn đề Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn. Để Nghị quyết quan trọng này tiếp tục đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả, chúng ta cần tiếp tục làm gì?

Việc thực hiện Nghị quyết về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn yêu cầu nỗ lực to lớn và trong một giai đoạn dài, trước mắt là đến năm 2020, để thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm cả việc xây dựng triển khai những cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức sản xuất, tạo điều kiện để người dân xây dựng đời sống mới theo hướng văn minh, hiện đại.

Tôi rất phấn khởi khi nhìn lại một năm, trải qua rất nhiều khó khăn nhưng với sự đồng lòng của toàn Đảng, Nhà nước và nhân dân, chúng ta đã vượt qua khó khăn thử thách, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ; đời sống của bà con nông dân tiếp tục được cải thiện. Trong nông nghiệp, có thể nói một câu ngắn gọn là chúng ta có được một năm “được mùa, được giá” và tôi mong rằng, trong năm 2011 với sự quyết tâm cao, đồng sức đồng lòng, chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn và đưa nông nghiệp, nông thôn nước ta tiếp tục phát triển, đời sống của bà con nông dân tiếp tục được cải thiện và xin chúc bà con nông dân có tiếp một năm “được mùa, được giá” - lời nhắn gửi của Bộ trưởng Cao Đức Phát tới bà con nông dân nhân dịp xuân mới!

Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thực hiện được một khối lượng công việc rất lớn. Chúng ta đã xây dựng ba chương trình mục tiêu quốc gia (là các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Đào tạo nghề cho nông dân), rồi xây dựng ba Nghị quyết quan trọng là: An ninh lương thực quốc gia; Phát triển công nghệ sau thu hoạch; Xoá đói giảm nghèo nhanh ở 62 huyện nghèo và hàng loạt các chính sách khá. Riêng về phần huy động vốn để thực hiện chính sách đó, Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội, và đã có những cố gắng rất lớn. Trên thực tế đã tăng mạnh đầu tư cho Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn. Nhưng, do khả năng về nguồn ngân sách còn hạn hẹp nên có thể mới đáp ứng được nhu cầu cấp thiết, bước đầu.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta phải huy động các nguồn lực đa dạng, không chỉ trông đợi vào ngân sách Nhà nước. Mặc dù trong Nghị quyết ghi rất rõ, Nhà nước sẽ đầu tư cho Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn, 5 năm sau sẽ gấp đôi 5 năm trước, nhưng để thực hiện thành công chủ trương to lớn này thì cần có sự tham gia tích cực của toàn xã hội, của bà con nông dân, của doanh nghiệp, của các thành phần kinh tế và nguồn lực khác…

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm