| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 27/10/2014 , 08:15 (GMT+7)

08:15 - 27/10/2014

Ngành thuế cũng… nợ xấu

Ngân hàng có nợ xấu. DNNN có nợ xấu. Nay đến lượt ngành thuế cũng để xảy ra nợ xấu đến hàng ngàn tỷ đồng. 

Sau khi Bộ KH-ĐT xin dùng tiền thuế của dân, tức ngân sách Nhà nước, để xóa nợ xấu cho các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trong lúc nhiều ĐBQH đòi hỏi một cách gay gắt phải tăng lương cho bộ máy, vì đã đến hạn trong lộ trình, và kỳ trước đã phải hoãn. Nhưng Chính phủ không biết đào đâu ra khoản tiền 40.000 tỷ đồng để làm việc đó.

Và trong khi nợ công cứ mỗi năm lại chồng thêm tới 350.000 tỷ đồng (tương đương gần 17,5 tỷ USD), đang ngấp nghé mức báo động đỏ, thì mới đây, Bộ Tài chính lại đổ thêm dầu vào lửa bằng đề xuất xin Quốc hội quyết việc xóa nợ thuế cho tất cả các DN kinh doanh khó khăn trong 5 năm qua, số nợ đó là 4.800 tỷ đồng.

Theo Bộ này, thì trong 5 năm qua, các DN đó gặp khó khăn là do những nguyên nhân… khách quan. Cụ thể là thị trường tiêu thụ khó khăn, tồn kho sản phẩm cao, lạm phát cao, lãi suất vay ngân hàng cao, chu kỳ sản xuất kéo dài và bị khách hàng chậm thanh toán số tiền lớn…

Nghĩa là toàn những chuyện ở… trên giời rơi xuống, chứ DN chẳng có lỗi gì cả. Điều đó khiến tổng nợ thuế của các DN, tính đến hết năm 2013 là 60.919 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2014, số nợ đó tiếp tục tăng lên 12,5% nữa, nâng tổng số tiền nợ thuế lên 68.500 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần số tiền cần có để tăng lương cho bộ máy.

Thị trường tiêu thụ khó khăn ư? Thế nhưng vì sao hàng Trung Quốc vẫn ùn ùn tràn vào Việt Nam, từ mớ rau con cá, cân hoa quả cho đến những dây chuyền thiết bị bãi rác, chưa dùng đã hỏng… mà có cái gì ế đâu?

Sản phẩm tồn kho cao ư? Không bán những thứ thị trường cần mà chỉ chăm chăm vay tiền ngân hàng với lãi suất cắt cổ để sản xuất và bán những cái gì mình có.

Hoặc không chịu đổi mới từ công nghệ, thiết bị đến tư duy, khiến giá thành sản phẩm đội lên, giá bán sản phẩm cao hơn giá nhập ngoại trong khi chất lượng sản phẩm của mình lại không bằng của người ta (đạm Ninh Bình là một ví dụ tiêu biểu).

Hoặc nhắm mắt sản xuất bất chấp nhu cầu của thị trường (như bất động sản chẳng hạn)…

Thì ế hàng, tồn kho hàng lớn là điều đương nhiên. Lỗi đó là do DN chứ chẳng có tí gì dính dáng đến khách quan cả.

Khách hàng chậm thanh toán ư? Quan hệ bán -mua giữa doanh nghiệp có hàng với khách hàng là quan hệ giữa con người với con người, giữa pháp nhân với pháp nhân, được pháp luật bảo hộ và sẵn sàng can thiệp, liên quan gì đến khách quan?

Bán hàng cho người ta mà không điều tra năng lực tài chính, khả năng trả nợ của người ta, để đến nỗi bị khách hàng chậm trả hay bị khách hàng chiếm dụng tài sản, làm mất vốn Nhà nước. Đó là tội hình sự chứ đâu phải chuyện đùa.

Để khách hàng chậm trả với số tiền lớn, chứng tỏ DN quản lý lỏng lẻo, hợp đồng mua bán không chặt chẽ, còn khe hở để khách hàng lách được. Vả lại, khách hàng chậm trả chứ không phải là không trả.

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Những khẩu hiệu đó nhan nhản ở khắp nơi. Nghĩa vụ nộp thuế đã được điều chỉnh bởi Luật. Không nộp thuế là vi phạm pháp luật. Để DN dây dưa, chậm nộp thuế, nợ thuế, là ngành thuế phải chịu trách nhiệm.

Ngân hàng có nợ xấu. DNNN có nợ xấu. Nay đến lượt ngành thuế cũng để xảy ra nợ xấu đến hàng ngàn tỷ đồng. Và một khi tất cả những cái xấu ấy dồn vào cái túi tiền còm cõi của ngân sách, thì nền kinh tế của đất nước sẽ ra sao?

Bình luận mới nhất