| Hotline: 0983.970.780

Ngao chết tại Thái Bình không phải do ô nhiễm hóa chất

Thứ Hai 24/11/2014 , 10:36 (GMT+7)

Một số nguyên nhân chính là do thời tiết, do nuôi ở vị trí sai khuyến cáo, do ngao yếu, mật độ nuôi quá cao...

Trước tình hình ngao chết hàng loạt tại tỉnh Thái Bình vào tháng 8/2014, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ và các địa phương tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân.

Trong thời gian từ giữa tháng 8-10/2014, Cục Thú y đã thành lập các đoàn công tác, gồm có: Lãnh đạo Cục Thú y, các Phòng chức năng liên quan, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, Cơ quan Thú y vùng II chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Thái Bình.

Đoàn công tác đã xuống thực địa điều tra, xác minh, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND các xã, nhiều người nuôi, buôn bán ngao; đồng thời thu mẫu ngao, mẫu môi trường để xét nghiệm, xác định các yếu tố lý, hóa, vi sinh vật, ký sinh trùng để xác định nguyên nhân có khả năng làm ngao chết hàng loạt tại Thái Bình;

Phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT tỉnh, các đơn vị chuyên môn và các cơ quan liên quan của tỉnh Thái Bình hướng dẫn các biện pháp phòng, chống hiện tượng ngao chết hàng loạt cho các cơ quan liên quan và người nuôi ngao tại Thái Bình;

Trao đổi, thảo luận với các cơ quan liên quan của tỉnh Nam Định và TP Hải Phòng (địa phương liền kề với tỉnh Thái Bình), gồm có: Chi cục Thú y tỉnh Nam Định, TP Hải Phòng, Trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường và Phòng ngừa dịch bệnh (trực thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) nhằm thu thập thông tin, số liệu và tìm hiểu diễn biến về thời tiết, môi trường và tình hình nuôi ngao tại Nam Định và Hải Phòng để có sự so sánh với hiện tượng ngao chết hàng loạt tại tỉnh Thái Bình trong cùng thời điểm vào tháng 8/2014.

Kết quả điều tra, xác minh

Sau khi tổ chức trao đổi, điều tra thực tế, lấy mẫu xét nghiệm, so sánh với tình hình  ngao chết tại các tỉnh liền kề, Cục Thú y đã xác định nguyên nhân làm ngao chết hàng loạt tại Thái Bình như sau:

(1) Do thời tiết quá nóng và có gió tây nam kéo dài, liên tục;

(2) Ngao nuôi ở vùng bãi triều cao mặc dù địa phương đã khuyến cáo không nên nuôi ngao tại khu vực này, khi nước thủy triều xuống tạo thành các vũng nước biệt lập, không có đối lưu với nước biển ở ngoài, nước rất nóng và bay hơi nhiều, tạo độ mặn rất cao. Nhiều bãi triều bị phơi nắng trong thời gian dài;

(3) Trong thời gian 2 tuần đầu của tháng 8/2014, có rất nhiều ngao nuôi tại huyện Tiền Hải (Thái Bình) được vận chuyển đi nhiều nơi (TP Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn…) để tiêu thụ nhưng không bán hết, được vận chuyển quay về và thả lại xuống các vị trí mới tại Tiền Hải, làm ngao yếu, không chui sâu xuống lớp cát và chết nhiều;

(4) Mật độ nuôi ngao tại Tiền Hải quá cao, gây thiếu thức ăn nhất là khi không có đối lưu nước biển nhiều trong thời gian thủy triều xuống kéo dài, đồng thời ngao cũng khó chui sâu xuống lớp cát;

(5) Ô nhiễm môi trường do ngao chết nhiều vì các nguyên nhân nêu trên.

Tại Nam Định cũng có ngao chết, nhưng không nhiều như Thái Bình, vì không có nguyên nhân 2, 3, 5 nêu trên.

Trước đây ngao nuôi tại Nam Định cũng bị chết nhiều, địa phương có biện pháp xử lý phù hợp như khai thông nguồn nước biển vào các bãi triều nuôi ngao để giảm bớt độ mặn và nóng khu vực nuôi.

Như vậy, loại trừ nguyên nhân ngao chết tại Tiền Hải do ô nhiễm hóa chất từ dòng sông Lân với các lý do sau:

(1) Các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ở khu công nghiệp tại huyện Tiền Hải đã có từ nhiều năm và cách cửa sông Lân chảy ra khu vực nuôi ngao khoảng 6 - 10 km;

(2) Từ nhiều năm nay và trong tháng 8/2014, không thấy thủy sản (cá, tôm, cua…) và thực vật (rau trồng, rau tự nhiên, cây cối, bèo tây…) ở dòng sông Lân bị chết;

(3) Chưa thấy nhiều người dân (trừ một vài người như báo chí đã nêu có phản ánh liên quan đến ô nhiễm hóa chất từ dòng sông Lân) sống ở khu vực hai bên bờ sông Lân có ý kiến gì liên quan đến chất thải từ các nhà máy, cơ sở sản xuất xả thải ra dòng sông Lân.

Các giải pháp ngăn chặn ngao chết

Hướng dẫn người nuôi xử lý diện tích ngao chết, thu gom ngao chết chôn tại khu vực quy định; san thưa mật độ nuôi; thống kê, xác minh diện tích nuôi ngao bị thiệt hại và có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Thái Bình hỗ trợ người nuôi theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PNNT tại Thông báo số 7130/TB-BNN-VP ngày 5/9/2014; tăng cường công tác quan trắc môi trường vùng nuôi và bố trí cán bộ kỹ thuật trực tiếp giám sát vùng nuôi;

Sở NN-PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đánh giá mức độ gây ô nhiễm của các nhà máy dọc theo sông Lân; yêu cầu UBND huyện Tiền Hải chỉ đạo các xã Đông Minh và Nam Thịnh thực hiện nghiêm túc quy hoạch chi tiết vùng nuôi đã được xây dựng, không được nuôi ngao ngoài vùng quy hoạch;

Tuyên truyền kỹ thuật nuôi ngao cho người nuôi; tăng cường công tác thông tin dịch bệnh từ cấp xã đến cấp tỉnh nhằm thu thập thông tin nhanh, xử lý kịp thời, hiệu quả.

Kết quả

Đã xử lý xong toàn bộ diện tích ngao bị chết, thu gom xác ngao và đem chôn tại nơi quy định; tuyên truyền và có văn bản đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân san thưa ngao vùng nuôi;

Chi cục Nuôi trồng thủy sản Thái Bình bố trí thêm ở Thái Thụy và Tiền Hải mỗi huyện một điểm quan trắc môi trường tại vùng nuôi ngao; UBND huyện Thái Thụy và Tiền Hải đang tiến hành rà soát lại diện tích thiệt hại theo Công văn số 851/SNNPTNT-NTTS ngày 30/9/2014 của Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình để có sự hỗ trợ vay vốn, giãn nợ cho các cơ sở nuôi, đến nay chưa có kết quả chính thức;

Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình bố trí 1 cán bộ Trạm Thú y huyện thường xuyên giám sát vùng nuôi và báo cáo kịp thời về Chi cục; công tác xác minh thông tin ô nhiễm tại sông Lân do các nhà máy được giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhưng đến nay chưa có kết quả chính thức.

Từ ngày 22/8/2014 đến nay, hiện tượng ngao chết không còn xảy ra, người dân đã ổn định sản xuất.

Như vậy, qua kết quả điều tra, xác minh nêu trên, khẳng định nguyên nhân làm ngao chết hàng loạt tại tỉnh Thái Bình trong tháng 8/2014 là do thời tiết bất lợi (nắng nóng kéo dài và gió tây nam, độ mặn rất cao, ngao được nuôi ở bãi triều cao không theo đúng quy định, mật độ quá dày, ngao được tiêu thụ không hết và được thả trở lại vùng nuôi… làm ngao suy yếu và chết nhiều); không phải do ô nhiễm hóa chất từ dòng sông Lân như các thông tin trước đây.

Xem thêm
Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất