| Hotline: 0983.970.780

Ngao ngán giá lúa

Thứ Tư 05/06/2013 , 10:18 (GMT+7)

Hiện nay các tỉnh ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa HT. Điều khiến nông dân lo lắng là giá lúa liên tục giảm.

Hiện nay các tỉnh ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa HT. Điều khiến nông dân lo lắng là giá lúa liên tục giảm. Hiện giá lúa tươi thương lái thu mua tại ruộng chỉ còn 3.500 đ/kg (lúa IR 50404), giảm 600 đ/kg so với cách đây khoảng 10 ngày.

Các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và Kiên Giang là những địa phương thu hoạch lúa HT sớm hơn các tỉnh còn lại, những ngày qua giá lúa liên tục sụt giảm và khó tiêu thụ khiến nông dân hết sức lo lắng.

Bà Trần Thị Thắm, ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp cho biết: “Gia đình có 7 công lúa, vụ này làm giống lúa OM 4900, do lúa đổ nên năng suất giảm còn 38-40 giạ/công. Thời điểm gần thu hoạch, thương lái đến chào giá lúa tươi 4.050 đ/kg, thấp hơn vụ ĐX 450 đ/kg. Cũng may là đã nhận tiền cọc trước chứ mấy ngày sau giá giảm chỉ còn 3.900 đ/kg.

Còn lúa IR 50404 giảm chỉ còn khoảng 3.500 -3.600 đ/kg. Đây là mức giá rất thấp nhưng thương lái kỳ kèo không chịu thu mua. Với mức giá này, nông dân thua lỗ nặng”.


Vụ HT thường có chi phí rất cao nhưng hiện nay giá lúa tụt giảm mạnh khiến nông dân lỗ nặng

Còn anh Đỗ Văn Tuấn, nông dân xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ cho biết, vụ này gia đình canh tác 1,2 ha giống IR 50404. Trước ngày thu hoạch khoảng 2 tuần, anh kêu thương lái đến ruộng để ngã giá, lúc đó họ đặt cọc giá 4.100 đ/kg mua tại ruộng và đưa tiền trước 2 triệu đồng.

 Không ngờ đến ngày thu hoạch lúa giá giảm xuống còn 3.500 đ/kg, thương lái đã bỏ cọc chạy mất, cuối cùng gia đình anh không biết bán cho ai. Tính ra gia đình bị lỗ gần 1,5 triệu đ/công.

Còn tại TP Cần Thơ, đi dọc theo các tuyến kinh ở xã Đông Hiệp, Đông Thắng, Đông Bình, và Trường Xuân của hai huyện Cờ Đỏ và Thới Lai thời điểm này, các cánh đồng lúa chín vàng ươm, có nơi đã thu hoạch xong.

 Lão nông Cao Văn Bé vừa thu hoạch hơn 2ha ruộng ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai than: “Mấy tuần trước giá lúa còn trên 4.000 đ/kg, tính ra còn huề vốn. Nhưng từ giữa tháng 5 đến nay, giá lúa càng ngày càng giảm mạnh, mỗi kg mất 400-500 đ. Đây là mức giá thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Với giá này thì nông dân chỉ có nước lỗ, còn những ai thuê đất sản xuất càng lỗ thấu xương, không có tiền trả vật tư nông nghiệp và mua lúa giống cho vụ kế tiếp”.

Theo ông Bé, nông dân làm lúa càng ngày càng nghèo đi, khi lúa đến vụ là mất giá, mấy năm nay làm lúa không thấy dư mà còn thâm hụt thêm, phải bán cả mấy cây vàng tích lũy lúc trước để bù lỗ cho các vụ lúa gần đây.

Theo tính toán của nhiều nông dân làm lúa ở Cần Thơ và Đồng Tháp, giá thành sản xuất trong vụ lúa HT này khoảng 3.900 - 4.000 đ/kg, nhưng giá bán lúa tươi hiện nay chỉ còn 3.500 -3.600 đ/kg, thử hỏi giá này làm sao có thể lời 30% theo chủ trương của Nhà nước đưa ra.

Một thương lái ở An Giang cho biết, dù đã có chủ trương tạm trữ, nhưng giá lúa tại địa phương vẫn không tăng. Còn theo thừa nhận của một lãnh đạo đơn vị kinh doanh lúa gạo, giá lúa giảm mạnh một phần là do tâm lý các DN đang chờ được hưởng lợi từ chỉ tiêu tạm trữ được phân bổ. Trong khi nông dân thì cần tiền thanh toán nợ vật tư nông nghiệp và các chi phí khác nên đành phải bán lúa giá thấp.

Theo nhiều thương nhân kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL, trong vòng một tuần qua, giá lúa gạo vụ HT đã giảm tới 400-500 đ/kg. Trao đổi với NNVN sáng 3/6, ông Đặng Hoài Nam, thương nhân chuyên mua lúa tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp cho biết: “Hiện lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy GĐLH chỉ còn 3.600 đ/kg, giảm 400-500 đ/kg so với mức giá giữa tuần trước. Dù giá lúa đã giảm mạnh và dao động ở mức thấp nhưng cánh thương lái như tôi cũng không dám mua vào vì sợ giá sẽ còn giảm tiếp”.

Hiện gạo nguyên liệu được các DN tại tỉnh Đồng Tháp và TP. Cần Thơ mua vào chỉ 5.900 – 5.920 đ/kg đối với giống IR 50404, giảm 400- 450 đ/kg so với mức giá giữa tuần trước; gạo nguyên liệu các giống lúa hạt dài 6.000 - 6.100 đ/kg, bình quân giảm 300 đ/kg.   

Nếu như những năm trước, lượng lúa thu hoạch sớm luôn có giá cao, thì năm nay, giá lúa đầu vụ đang xuống thấp. Nguyên nhân do đầu ra khó khăn, nhiều địa phương còn tồn đọng từ vụ lúa ĐX nên áp lực tiêu thụ càng tăng cao. Điều này dẫn đến nghịch lý là giá lúa giảm mạnh ngay khi chưa vào chính vụ.

Hiện nay phần lớn nông dân có tâm lý bán lúa tươi ngay tại ruộng chứ không phơi khô tạm trữ chờ giá như trước. Trong khi đó, do gieo sạ đồng loạt nên thời gian thu hoạch rất ngắn, áp lực tiêu thụ tăng lên. Vì vậy, chỉ cần gặp một hai trận mưa là giá lúa có thể giảm đến mấy phân (mấy trăm đ/kg).

Bà Nguyễn Thị Hằng, ở ấp kênh 4B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang cho biết: “Nhà có 20 công đất trồng lúa, vụ HT năm ngoái bán lúa tươi phân nửa được  5 triệu đ/công, lời 1,5 triệu đ/công. Còn một nửa phơi khô trữ lại chờ giá, không ngờ đến cuối vụ bán chỉ được 4,5 triệu đ/công, lại còn phải tốn công phơi sấy, tạm trữ mấy tháng trời. Từ đó, đắt rẻ gì nhà tui cũng quyết định bán lúa tươi chứ không phơi sấy làm chi cho mệt”.

Theo một số nông dân ở đây cho biết, mấy hôm trước trời mưa nhiều có lúc giá lúa tươi giảm xuống còn 3.300 đ/kg mà rất khó bán. Nông dân muốn giữ lại đưa đi sấy cũng khó, vì đa số lò sấy hiện nay là làm dịch vụ, đều có công suất lớn và được thương lái đặt (ngày, giờ sấy) từ trước.

Ông Phù Khí Nguyên, PGĐ Trung tâm KN-KN Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.800 lò sấy lúa. Những năm qua lò sấy tăng chậm về số lượng nhưng quy mô thì ngày càng lớn. Đa phần lò lắp ráp mới hiện nay đều có công suất từ 20-30 tấn/mẻ.

Những lò sấy nông hộ trước đây (khoảng 10 tấn/mẻ) cũng được đầu tư mở rộng để làm dịch vụ. Vì vậy, nông dân có diện tích đất nhỏ, thu hoạch khoảng 10-15 tấn lúa muốn mang đi sấy cũng rất khó.

Theo giá định hướng thu mua lúa vùng ĐBSCL vừa được Bộ Tài chính công bố thì giá thành sản xuất lúa HT năm 2012 trung bình của toàn vùng là 4.138 đ/kg.

Các địa phương có giá thành sản xuất cao là Hậu Giang (4.816 đ/kg), Đồng Tháp (4.619 đ/kg), Tiền Giang (4.618 đ/kg). Còn địa phương có giá thành thấp nhất là Sóc Trăng (3.283 đ/kg), tiếp đến là Bến Tre (3.780 đ/kg).

Như vậy để đảm bảo nông dân có lãi 30% thì tối thiểu giá lúa phải ở mức từ 5.500 đ/kg trở lên. Còn với giá như hiện nay, nông dân chỉ mong huề vốn đã là chuyện khó.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất