| Hotline: 0983.970.780

Ngạt thở "cõng" thí sinh

Thứ Hai 05/07/2010 , 13:21 (GMT+7)

Ở lại thủ đô giờ nào là tốn thêm tiền giờ ấy vì phải thuê nhà trọ, ăn cơm bụi nên ngay khi thi xong môn Hóa sáng nay, hàng nghìn phụ huynh và sĩ tử đã “rồng rắn” về quê.

Dưới cái nắng nóng sởn gai ốc, cảnh chen chúc càng thêm phần mệt mỏi.
Ở lại thủ đô giờ nào là tốn thêm tiền giờ ấy vì phải thuê nhà trọ, ăn cơm bụi nên ngay khi thi xong môn Hóa sáng nay, hàng nghìn phụ huynh và sĩ tử đã “rồng rắn” về quê. Hầu hết các bến xe lớn trong thành phố “gồng mình” nhưng vẫn quá tải.

Ở lại ngày nào xót lòng ngày đấy

Ngay từ tờ mờ sáng, anh Hùng đã trở mình thức dậy. Sớm nay, con gái anh thi môn cuối cùng rồi hai bố con sẽ khăn gói về quê.

Chỉ vào một chiếc ba lô dã chiến, anh bảo: “Sáng nay, hai bố con đã phải dậy dọn dẹp đồ đạc để mang theo đến điểm thi. Thi xong, hai bố con sẽ 'hành quân' về quê luôn,” anh Ngô Văn Hùng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) tâm sự.

Cũng theo anh Hùng, mọi công việc đồng áng ở quê đều do vợ và các chị ở nhà lo hết. “Nhà có mỗi mình nó là học giỏi nhất nên dù vất vả xoay sở tiền nong, tôi cũng cố cho con đi thi. Mong con thi đỗ, học đại học, thoát cảnh làm ruộng để đỡ khổ”, anh Hùng chia sẻ.

Hai bố con đã phải lên Hà Nội từ ngày 2/7 để tìm kiếm nhà trọ và sắp xếp thời gian chỗ ăn, chỗ ở ổn định. Anh buồn rầu: “Ở đây có 3 ngày thi mà hai bố con đã tiêu tốn mất hơn 1 triệu đồng, bằng 3 tháng ăn uống ở nhà cho cả gia đình. Tôi cũng muốn cho cháu ở lại để thi đại học đợt 2 cho đỡ mệt nhưng mà tốn kém quá nên đành về. Nếu vay được thêm tiền thì hai bố con lại khăn gói lên Hà Nội”.

Chị Trần Thị Nhung (Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Gia đình chị có 5 nhân khẩu chủ yếu làm nghề nông. Để cho cháu đi thi, gia đình đã phải chạy vạy đi mượn tiền anh em.

“Bây giờ, trong ví tôi còn có 150.000 đồng, chỉ đủ tiền vé xe và tiền ăn để về quê,” chị Nhung lo âu nói.

Chị Ngọc, đưa con đi thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Nhà thì nghèo, hôm đưa con đi thi phải vay người quen 1,5 triệu đồng. Xuống dưới này thuê nhà 4 ngày, mất 800.000 đồng rồi, còn lại chỉ đủ cho hai mẹ con đi xe ôm, ăn uống..., giờ chỉ còn có 200.000 đồng nên mẹ con phải về. Ở đây giờ nào là tốn tiền giờ đấy, mà còn phải làm việc trả nợ nữa chứ."

Bến xe thành biển người

Ngay từ 9 giờ 30 phút, tại một số địa điểm thi đã diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Tại  tuyến Nguyễn Trãi-Thanh Xuân, dòng phương tiện phải khó nhọc nhích đi dưới cái nóng oi ả như thiêu đốt. Trên đoạn đường này tập trung rất nhiều địa điểm thi và cũng là tuyến đường chính để sĩ tử và phụ huynh có thể ra được các bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình.

Các điểm chờ xe buýt chật cứng người. Có tới cả trăm phụ huynh và thí sinh đứng ngồi, nghiêng ngó chờ xe. Đường tắc, lượng người chờ xe đông nên có sĩ tử chờ cả tiếng vẫn chưa đặt nổi chân lên xe buýt.

Anh Trần Văn Đức (Vĩnh Phúc) cho biết: “Cứ 5 phút lại có một chuyến xe buýt, nhưng do quá đông nên tại các điểm dừng đón trả khách xe buýt chỉ mở cửa xuống rồi lại vọt đi luôn. Hai bố con đợi mất 30 phút mà vẫn chưa lên được xe. Tình hình này phải đến chiều mới về tới nhà.”

Trong khi đó,các bến xe đầu mối như Giáp Bát, Mỹ Đình cũng đã rơi vào tình trạng dồn ứ vì lưu lượng người đổ về quá đông.

Tại bến xe Mỹ Đình, toàn bộ sân trước cửa bến dày đặc người và phương tiện. Xe buýt liên tục vào bến đổ khách. Những gia đình có nhà khu vực Hà Tây cũ như Tế Tiêu, Mỹ Đức vội vã xách ba lô, chen nhau lên những chiếc xe liên tuyến khá ọp ẹp. Trong nhà chờ, hàng ngàn người đứng ngồi la liệt. Nhiều sĩ tử mỏi mệt sau đợt thi tranh thủ ngả lưng ngay trên ghế chờ.

Lượng người đổ về quá lớn cũng khiến cho cánh tài xế được một ngày làm việc “mệt nghỉ”. Xe liên tục nhận lệnh xuất bến. Cổng ra của bến xe Mỹ Đình và Giáp Bát lúc nào cũng bị ách lại vì đoàn xe mỗi lúc lại dài thêm ra dưới cái nắng như thiêu đốt.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe Mỹ Đình cho biết: “Hôm nay, lượng khách đổ về bến đã tăng gấp đôi so với ngày thường. Xác định trước việc lượng khách tăng những ngày sau thi, chúng tôi đã chủ động tăng cường hơn 150 xe chuẩn bị sẵn cho các tuyến, nhưng vẫn quá tải. Nếu vẫn thiếu, chúng tôi sẽ huy động thêm xe buýt của Công ty vận tải Hà Nội hỗ trợ.”

Ông Tiến cũng dự đoán, từ giữa trưa tới 2 giờ chiều sẽ là khoảng thời gian ngột ngạt nhất của các bến xe trên toàn thành phố Hà Nội.

Trong khi đó, mặc dù cũng đã tăng cường đến hơn 100 xe để phục vụ, nhưng bến xe Giáp Bát vẫn rơi vào cảnh quá tải. Càng về trưa, lượng người đổ về bến xe Giáp Bát càng đông. Cạnh đó, các tuyến xe buýt đường dài liên tỉnh luôn bị quây kín mỗi khi chuẩn bị xuất bến. Trong nhà chờ, hàng ngàn người đứng ngồi la liệt. Nhiều sỹ tử mỏi mệt sau đợt thi tranh thủ ngả lưng ngay trên ghế chờ.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất