| Hotline: 0983.970.780

Ngày cúng ma bản

Thứ Hai 03/08/2009 , 10:31 (GMT+7)

Cuộc sống đã đổi thay rất nhiều, nhưng những phong tục tập quán của tộc người Khơ Mú bản Nà Lại suốt bao năm qua không hề suy chuyển.

Người Khơ Mú bản Nà Lại (Tân Uyên, Lai Châu), nghèo nhất trong những cộng đồng dân tộc ở đây. Cuộc sống đã đổi thay rất nhiều, nhưng những phong tục tập quán của tộc người này được hình thành và tồn tại trong suốt cuộc thiên di từ cao nguyên Thanh Tạng tới miền núi phía Bắc Việt Nam… thì không hề suy chuyển. 

>> Những chuyện lạ ở vùng cao Tây Bắc
>> Di hoạ ''Cty Một cây''

I. Ngày cấm bản của người Khơ Mú Nà Lại được chọn trong 3 ngày: 6, 16, 26 tháng 6 âm lịch hàng năm. Đó là khi vụ mùa đã cấy xong, cày bừa đã cọ rửa sạch sẽ treo dưới gầm sàn, khi đó người ta mới chọn một trong ba ngày đó để cúng ma bản và cấm bản. Năm nay nhuận hai tháng 5 âm lịch, nên việc cấy hái xong sớm hơn mọi năm, thầy cúng Hoàng Văn Phanh thắp một nén hương xin phép thần linh để cúng ma bản. Thầy xin âm dương bằng hai mảnh vàu tươi, sau một hồi khấn vái thầy tung hai mảnh vàu đó xuống đất, nếu hai mảnh vàu đó đều ngửa hoặc đều sấp thì có nghĩa là thần linh cho phép ngày cúng ma bản là ngày 6 đầu tháng, nếu hai mảnh vàu một sấp một ngửa thì thầy lại xin lần thứ hai, lần thứ hai không được thì thầy xin lần thứ ba…

Thầy Phanh báo cho trưởng bản Lò Văn Chang biết năm nay ngày cúng ma bản đã được thần linh chọn ngày 6/6. Trưởng bản Chang báo cho mọi nhà biết trước ba ngày để chuẩn bị lễ vật đón rước thần linh. Theo suy nghĩ của người Khơ Mú thì mỗi một loài cây, loài con đều có thần linh và ma của loài cây đó canh giữ. Có nhiều ma: Ma nhà (phi hườn), ma bản (phi mường), ma rừng (phi pá), ma núi (phi pú), ma nương (phi hay), ma ruộng (phi nà)…Ngoài ma nhà thì tất cả những ma đó đều trú ngụ tại gốc cây si lớn giữa đồng bên dòng suối Nặm Be. Không ai biết vì sao cha ông họ lại chọn cây si đó làm nơi thờ cúng ma bản. Đó là nơi linh thiêng, chỉ ngày cúng ma bản mọi người mới được tới bên cạnh gốc cây phát quang cây cối, sửa sang chiếc lều cúng ma, còn những ngày thường khác không ai được bước chân vào, trừ thầy cúng Hoàng Văn Phanh.

Năm nay mỗi nhà góp mười cân thóc để đổi một con lợn đực nặng hơn tám mươi cân và hai con gà trống, cùng với gạo nếp, muối...dâng lên các thần tổ tiên và ma bản. Lễ chính của bản là thế, còn các gia đình mỗi hộ mổ một con gà, tất cả đều mang ra gốc cây để thầy cúng gọi thần linh và các ma về nhận lễ. Để nhận ra phần lễ của nhà mình, kèm theo vật cúng là chính những lá lúa họ ngắt từ ruộng của nhà họ. Ngày cúng bản của người Khơ Mú cũng giống như lễ tịch điền, lễ xuống đồng của các dân tộc khác. 

II. Bắt đầu từ lúc một giờ chiều, các gia đình đều cử một người tới dọn dẹp quanh gốc cây, sửa sang lại nhà cúng ma, lợp lại mái, thay lại giát sàn, vách ngăn…Làm công việc này chỉ có đàn ông, đàn bà đã có chồng thì không được bước chân vào nơi thờ cúng, họ mang lễ vật tới thì phải nhờ người khác mang vào, còn họ ngồi phía ngoài cách đó một đoạn. Trước gốc cây nơi họ thờ cúng được dựng thêm 4 chiếc bàn cũng bằng tre nứa.

Đêm trước ngày cúng, thầy cúng Hoàng Văn Phanh tắm rửa sạch sẽ và phải nằm xa vợ để không vướng chút uế tạp, bụi trần. Ông Phanh năm nay hơn 50 tuổi được truyền lại các bài cúng bằng tiếng Thái, chỉ cúng bằng tiếng Thái thì mới mời được thần linh và các ma về. Tôi hỏi vì sao lại cúng bằng tiếng Thái mà không cúng bằng tiếng Khơ Mú? Ông Phanh lắc đầu: Từ xưa đến nay ông cha mình đều cúng bằng tiếng Thái, nay truyền lại cho con cháu bài cúng cũng bằng tiếng Thái.

Sau khi sửa sang lại nhà ma và dựng 4 chiếc bàn bằng tre nứa bên cạnh, người được phân công làm một chiếc cày là thằng Sừn Văn Phính, sau khi làm xong Phính đặt chiếc cày lên chiếc bàn thứ nhất cạnh gốc cây nơi có chiếc am bằng đá, còn những người khác thì tiện ống vàu làm chén đặt lên 4 chiếc bàn có trải lá chuối, người khác thì lấy tro bếp, trấu để vào những chiếc sọt mới đan đặt cạnh gốc cây. Thầy cúng Hoàng Văn Phanh đi rót rượu vào tất cả các chén để ở trong nhà ma, gốc cây và các bàn. Thầy xin âm dương bằng hai mảnh cây si chẻ đôi tại nhà cúng rồi sang phía gốc cây, nếu được thần linh và các ma chấp thuận thì mới được cắt tiết gà, chọc tiết lợn.

Hai con gà trống được thằng Sừn Văn Hặc, Lò Văn Phụ mang đến trước gốc cây, thầy Phanh thắp hương cúng một bài rất dài, sau đó hai con gà được cắt tiết trước am thờ, tiếp đến họ chọc tiết lợn và làm lông cũng tại trước am thờ. Hai con trai của hai thầy cúng trước là Hoàng Văn Mặc và Lò Văn Lương mỗi người lấy một ít tiết lợn vào một chiếc lọ nhỏ, tôi hỏi lấy tiết để làm gì? Lò Văn Pản bảo tôi: Bố mình ngày xưa làm thầy cúng ma bản, nay mình lấy tiết lợn về bôi lên bàn thờ và cột nhà, để báo cho bố biết hôm nay là ngày cúng ma bản…

Con lợn được được làm lông sạch sẽ, họ cắt chiếc đầu cùng bốn chân, chiếc đuôi và một khoanh cổ cho vào nồi luộc, số thịt còn lại được chia đều cho 82 hộ trong bản. Những năm trước kinh tế của các gia đình còn khá giả, lễ vật của các hộ là một con gà, nhưng năm nay kinh tế khó khăn hơn thì lễ vật của các hộ là một quả trứng gà. Theo lý giải của họ: Quả trứng cũng giống như một con gà. Con gà, quả trứng nhà ai thì được buộc kèm những lá lúa của chính gia đình họ, để ma bản và các thần linh nhận được lễ vật sẽ phù hộ cho gia đình họ ngô lúa tốt tươi, lợn gà, gia súc đầy sân… 

III. Lễ được sắp: Đầu lợn và 4 chiếc chân và chiếc đuôi đặt ở ngôi nhà ma, còn khoanh cổ lợn đặt trong chiếc am đá. Hai con gà trống, một con đặt ở nhà ma, một con đặt ở chiếc am đá, đầu quay về phía trong. Lễ vật của các hộ gia đình buộc kèm theo những lá lúa đều để ở quanh chiếc thủ lợn trong nhà ma. Sau khi đã sắp xong lễ vật, thầy cúng Hoàng Văn Phanh bắt đầu cúng lần lượt từ ngôi nhà ma đến chiếc am đá dưới gốc cây tiếp đến là các bàn thờ ma bé mới được dựng xung quanh. Bài cúng dài lắm, thầy cúng Hoàng Văn Phanh lần lượt gọi tên các thần linh và các ma cùng tổ tiên ông bà.

Khi cúng xong tất cả những thứ đã luộc chín đều được mọi người tổ chức ăn uống bên cạnh gốc cây, còn số thịt sống thì mang về nhà. Khi về người nào cũng mang theo một chiếc bảng cấm đan mắt cáo bằng 8 nan tre, trên đó gắn một nhúm lông lợn, lông gà để cắm trước nhà báo hiệu cho người lạ biết: Hôm nay là ngày cúng ma bản, mọi gia đình đều kiêng, bất kể người lạ nào cũng không được bước chân vào nhà. Nếu người lạ bước chân vào nhà thì gia chủ sẽ gặp rủi ro suốt một năm, như: Ốm đau, mất mùa, dịch bệnh gia súc…

Ngày cúng ma bản là ngày mọi người không được lên rừng và làm việc gì nặng nhọc, như: Đào đất, chặt cây…Thời gian kiêng hết ngày hôm ấy cho đến sáng hôm sau. Mọi người được nghỉ ngơi hoặc chỉ làm những việc lặt vặt quanh nhà chứ không được đi làm xa...

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.