| Hotline: 0983.970.780

Ngây ngất điệu hát thần tiên

Thứ Hai 03/04/2017 , 08:24 (GMT+7)

Cùng với cây đàn tính, hát then là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng. Khi những âm thanh trầm bổng...

Khi những âm thanh trầm bổng, mượt mà của cây đàn cùng điệu hát then ngọt ngào, sâu lắng cất lên, có thể khiến chim ngừng bay, vượn ngừng hót để lắng nghe. Từ nhiều năm nay, cây đàn tính và điệu hát then theo bước chân của đồng bào Tày, Nùng đang ngày càng phát triển ở khắp nơi của tỉnh Bình Phước.
 

Điệu hát thần tiên

Theo chân anh bạn đồng nghiệp ở địa phương, chung tôi tìm đến thôn 5, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng, để người phụ nữ dân tộc Nùng Triệu Duyên Sinh, 65 tuổi, người được mệnh danh là có “điệu hát thần tiên”.

17-26-28_nh-1
Bà Triệu Duyên Sinh (trái), người đam mê và có điệu hát thần tiên làm say đắm lòng người

Mặc dù ngôi nhà bà Sinh nhỏ xíu, lại nằm sâu trong con đường mòn cũng… rất nhỏ, nhưng chúng tôi tìm dễ dàng tìm đến. Bởi khi nghe hỏi thăm “Nhà bà Sinh hát then hay nhất” ở đâu, thì ai cũng biết, kể cả những đứa trẻ mới 6 - 7 tuổi.

Đón chúng tôi từ ngõ là người phụ nữ có dáng người hơi thô kệch, giọng nói ồm ồm, nước da đồi mồi nhưng rất dễ mến. Trong ngôi nhà chưa đầy 40m2, có lẽ vật dụng giá trị nhất của gia chủ là 3 cây đàn tính treo ngay ngắn trên tường, một chiếc tivi cũ để bà Sinh nghe nhạc hằng ngày và những bài hát bà Sinh sáng tác trên những tờ giấy A4 khổ lớn, được treo dày đặc trong nhà.

Tôi hỏi: “Bà biết hát then lâu chưa?”, bà cười nói: “Biết từ khi mới 4 - 5 tuổi, lúc đó còn ở Cao Bằng. Tôi hát theo các anh, chị, ông bà, rồi học đàn tính. Đến tuổi trăng tròn thì hát then đã ngấm vào huyết quản tôi mất rồi. Với người Tày, Nùng, bất kể cô gái, chàng trai nào cũng phải biết hát then, bởi họ yêu nhau không phải qua lời nói, ánh mắt mà chính là làn điệu hát then.

Điều này cũng có nghĩa nếu con trai, con gái Tày, Nùng đến tuổi trưởng thành không biết hát then thì không biết đến khi nào mới có được bạn đời. Bây giờ, một ngày không được hát, không được khảy những sợi dây đàn, thấy như mình chưa ăn vậy. Tiếng hát của tôi đã qua hơn 60 mùa rẫy rồi”.

Đối với người dân tộc Tày, Nùng, có lẽ ít ai biết về sự ra đời của làn điệu then, có người nói hát then bước ra từ một giấc mơ, hay ra đời trong một trận chiến. Người ta gọi đàn tính là đàn then, then là từ biến âm của chữ thiên - tức trời.

“Nghe ông bà kể rằng, trong một giấc mơ vàng, bà bụt (người chuyên sử dụng đàn tính, hát then vào việc cúng lễ) được ban cho cây đàn trời và dạy các bài hát then. Theo một truyền thuyết khác, then ra đời khi nhà Mạc thất thủ, vua Mạc Kính Cung dời lên lạng sơn, Cao Bằng làm căn cứ chống nhà Lê vào cuối thế kỷ XVI. Lúc đó, quân sĩ vừa nhớ nhà, vừa lạ nước nên bị bệnh rất nhiều.

Trước thế sự không vui, vua sai hai quân thần thân cận sáng tác điệu hát để giải khuây. Khi nghe điệu hát này, rất nhiều quân sĩ khỏi bệnh. Từ đó, vua truyền cho phổ biến rộng rãi điệu hát trong dân chúng. Hát then là điệu hát “thần tiên”, bởi khi điệu then cất lên thì không mắt nào nhắm nổi, không tai nào có thể làm ngơ”.

17-26-28_nh-3
Bài hát then bà Sinh sáng tác

Theo bà Sinh, hát then là một loại nghệ thuật tổng hợp vừa có lời, vừa có nhạc, hóa trang và có biểu diễn, làm thỏa mãn tất cả giác quan, cung bậc cảm xúc của người xem cũng như người biểu diễn. Hát then có mặt trong mọi hoạt động của đồng bào Tày, Nùng như: cầu mùa, hội làng, mừng năm mới, ngày cưới… thậm chí trong cả những lúc buồn. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, lời ca, điệu múa và âm nhạc hòa quyện lại, tạo cho người nghe những cung bậc cảm xúc với sức lôi cuốn cao.

“Hát then ngoài say mê, phải hòa tâm hồn mình vào từng làn điệu, từng câu hát, khi đó mình như không còn là mình nữa. Chỉ cần nghe tiếng đàn, đã thấy cái “hồn” trong đó, ấy mới làm rung động núi rừng, cỏ cây, muông thú”, bà Sinh nói.
 

Đang vươn xa

Có lẽ vì những điều đặc biệt trên mà điệu hát “thần tiên” đang ngày một lan xa, nhất là khi đời sống vật chất đang ngày càng tốt hơn, nhu cầu được “ăn” những món ăn tinh thần trở nên cần thiết.

“Hồi xưa, khi mới vào Bình Phước lập nghiệp, cuộc sống khó khăn, “món ăn” tinh thần ấy chỉ được cất lên trên nương, rẫy, hòa quyện với núi rừng, với tiếng suối chảy róc rách. Bây giờ không còn chật vật lo miếng cơm manh áo nữa, phải tính chuyện phát triển hát then thôi”, bà Sinh vừa ngồi so dây dàn, vừa nói.

Quả thật, khi bà Sinh cất tiếng hát: “Con suối thật sâu, con suối thật dài/Trời thật cao, trời thật trong xanh/Em chờ ai, như nắng hạn đợi mưa/ Như con chim trời, mỏi cánh đợi bạn hiền”… tôi như bị thôi miên. Tiếng đàn lúc nhanh, lúc chậm, khi lại vút cao, lời hát ngọt ngào, sâu lắng, lôi cuốn đến lạ.

Không chỉ có giọng hát làm say lòng người, mà bà Sinh còn đam mê, sáng tác thêm những điệu hát then. Hễ có một sự kiện đặc biệt nào gắn liền với nơi bà đang sinh sống, bà viết nhạc ngay. Đến nay số lượng bài hát bà Sinh sáng tác đã lên tới con số hằng trăm và được mời đi biểu diễn ở khắp nơi trong cả nước.

“Tôi mê hát nên muốn tự sáng tác. Có những buổi tối ngủ, chợt nghĩ ra lời hát phù hợp, tôi ngồi dậy viết ra ngay, để khỏi quên”, bà Sinh nói.

Là người am hiểu và mê đàn tính, hát then, mong muốn làn điệu then mãi bay cao, vút xa đến muôn đời, bà Sinh đã truyền đạt mọi thứ bà có cho các thế hệ sau. Hiện bà là một trong những người dạy miễn phí cho hầu hết những câu lạc bộ hát then ở Bình Phước. Trong đó có Câu lạc bộ văn nghệ hát then Phước Sơn. Đối với bà, lời hát then không chỉ mang tính huyền bí, tâm linh hay lời tỏ tình mà có cả hình ảnh lao động, sản xuất và thế mạnh của mỗi vùng miền.

17-26-28_nh-5
Ở Bình Phước, nơi nào có đồng bào Tày, Nùng là có những CLB hát then

Hiện nay, không chỉ Phước Sơn, mà nhiều xã khác ở huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Phú, nơi nào có đồng bào Tày, Nùng sinh sống, là có tiếng đàn tính, giọng hát then vang lên. Mỗi buổi chiều sau một ngày bận rộn với vườn rẫy, những người phụ nữ đủ lứa tuổi lại quây quần cùng đàn, hát. Những bàn tay thô ráp vừa cầm cuốc xạc cỏ, hái cà, trút mủ, giờ trở nên mềm mại trên cây đàn tính và cất cao giọng hát mộc mạc, chân chất nhưng chứa chan cảm xúc làm say lòng người.

“Trước đây, vì nhớ cây đàn tính nhưng đưa từ quê vào đường xa sợ hư hỏng nên tôi tự làm đàn bằng quả bầu, dây cước, rồi đàn cho chồng, con nghe. Từ khi thành lập đội văn nghệ, tôi cũng tự mày mò làm đàn tính và may trang phục cho chị em trong thôn.

Đến nay, tôi đã làm được 10 cây đàn tính phục vụ sở thích đàn hát của người dân, đặc biệt là người cao tuổi yêu mến điệu then. Đàn tính, hát then từ lâu trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của người Tày chúng tôi. Ở tuổi ngũ tuần, đôi lúc vợ chồng giận nhau, lúc đó điệu hát then lại là cách hòa giải tốt nhất. Khi điệu then cất lên, mọi người xích lại gần nhau, chỉ còn lại tình yêu thương mà thôi”, bà Phụng Thị Bình, thành viên đội văn nghệ xã Phước Sơn tâm sự.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản về việc gửi Hồ sơ quốc gia về “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” trình UNESCO xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đó, Bộ VH-TT&DL gửi hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” tới UNESCO để được dự xét, ghi danh trong năm 2018.

 

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất