| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 05/02/2018 , 07:37 (GMT+7)

07:37 - 05/02/2018

Ngây ngô như bị cáo Trịnh Xuân Thanh?

Hôm nay (5/2), phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVN), cùng Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Đinh La Thăng- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Đà cùng các đồng phạm vì tội "tham ô tài sản" sẽ tuyên án. Điều khiến nhiều người dân theo dõi phiên tòa thấy rất lạ là trong lời nói cuối cùng, Trịnh Xuân Thanh vẫn đề nghị cho phép sang Đức để..."thăm vợ con"

Mặc dù hiểu rằng, dù sao, đó cũng là lời nói thể hiện nỗi đau của một người sắp trở thành phạm nhân với án tù có thể lên tới hàng chục năm, nhưng những ai theo dõi cả 2 phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thể không lấy làm ngạc nhiên.

Tại phiên tòa thứ nhất xử bị can này, cùng ông Đinh La Thăng và các đồng phạm khác, trong lời nói sau cùng, Trịnh Xuân Thanh cũng bày bỏ nguyện vọng được trở lại Đức thăm vợ con. Đến phiên tòa này, bị cáo này cũng lại đưa ra đề nghị tương tự và nói rõ thêm "có chết, cũng chết trong vòng tay của vợ, con" (!).

Không ít người đã tỏ ý ngạc nhiên trước đề nghị của bị cáo "nổi tiếng" này: Ông này bị hoang tưởng chăng?, mới bị tạm giam mấy ngày đã bị lú lẫn chăng? Hay thần kinh có vấn đề?

Dù thế nào đi chăng nữa, là một người từng làm đến chức vụ Chủ tịch của PVC, rồi thăng tiến qua nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, từ Bộ Công Thương đến UBND tỉnh Hậu Giang...với nhận thức rất bình thường thôi, Trịnh Xuân Thanh hoàn toàn có thể hiểu được, lời đề nghị trên sẽ không bao giờ được tòa án chấp nhận, bởi nó rất phi lý và chưa có tiền lệ.

Cho dù phiên tòa thứ 2 chưa công bố mức án (mặc dù khả năng Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được đề xuất mức án tù khá cao), nhưng ở phiên tòa vì tội danh "cố ý làm trái" trước đó, Trịnh Xuân Thanh cũng đã bị kết án tù chung thân. Thì với tội danh đã bị tuyên án đó, không một tòa án nào cho phép người bị kết tội có thể được đi ra nước ngoài thăm vợ con hết. Ngay cả ra khỏi nơi giam giữ trong nước cũng không thể, nói gì đến đề nghị như...hoang tưởng nói trên.

Còn nếu thực sự không bị lú lẫn, thì chỉ có thể nói rằng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh rõ ràng đã không am hiểu gì về luật pháp. Một người không có những kiến thức sơ đẳng về pháp luật như vậy mà nắm giữ các chức vụ quan trọng ở một doanh nghiệp nhà nước có qui mô lớn như vậy, làm gì chẳng đưa doanh nghiệp đó đến chỗ thua lỗ, khủng hoảng?

Nếu cho đó là phút "ngây ngô" khó hiểu của Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa, nhìn lại những gì bị cáo này đã từng làm tại PVC, gây thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng tại doanh nghiệp này, chạy chọt, luồn lọt để về Bộ Công Thương, liên tục được bổ nhiệm qua nhiều chức vụ rồi được đưa về làm tới chức Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, còn được quy hoạch làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, sau đó khi bị phát hiện sai phạm, chạy trốn sang Đức...thì có thể nói, Trịnh Xuân Thanh quá sành sỏi, lọc lõi, qua mắt được nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát, chẳng có tý dấu hiệu nào của "ngây ngô", ngây thơ hết cả.

Chỉ có vấn đề đáng nói, với một bị cáo giả bộ ngây ngô, nhưng tiêu tiền công quỹ với mức độ tàn hại (điển hình với câu nói: "Cho tao 4 đồng (4 tỷ đồng) tiêu tết"- mà một bị can khác đã khai tại tòa về Trịnh Xuân Thanh) mà bao nhiêu cơ quan quản lý, bao nhiêu người có trách nhiệm bỏ lọt, để bị can này từ chỗ có hàng loạt hành vi làm trái, tham ô lại leo cao, qua nhiều chức vụ quan trọng thì đến nay, những người có trách nhiệm liên quan đến việc đó bị xử lý, kỷ luật còn rất ít.

Người bị xử lý nặng nhất do có những sai phạm trong việc bổ nhiệm, điều chuyển Trịnh Xuân Thanh vẫn chỉ là ông Vũ Huy Hoàng- người đã từng làm Bộ trưởng Bộ Công Thương, bị xử lý bằng hình thức: Xóa bỏ tư cách bộ trưởng.

Thì cho đến phiên tòa này, với những lời cuối cùng tại tòa, "xin được sang Đức để thăm vợ con" của Trịnh Xuân Thanh, không biết, những người đã từng nâng đỡ, tạo điều kiện cho Thanh làm Chủ tịch PVC, quyền Chánh văn phòng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang có thấy bật cười không khi thấy người mình nâng đỡ lại ngây ngô, dở dại, không hiểu biết gì về luật pháp đến như vậy?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm