| Hotline: 0983.970.780

Ngày Tết, nhớ vị Tướng huyền thoại

Chủ Nhật 02/02/2014 , 09:01 (GMT+7)

Thế là qua bao nhiêu vất vả, bề bộn lo toan, mùa xuân cùng với Tết Con Ngựa lại đến với chúng ta. Trong những ngày linh thiêng của đầu năm Ngọ mới này, ta có dịp nhìn lại các sự kiện, các cung đường mà ta đã đi qua trong một năm đầy sóng gió.

Thế là qua bao nhiêu vất vả, bề bộn lo toan, mùa xuân cùng với Tết Con Ngựa lại đến với chúng ta. Trong những ngày linh thiêng của đầu năm Ngọ mới này, ta có dịp nhìn lại các sự kiện, các cung đường mà ta đã đi qua trong một năm đầy sóng gió.

Bây giờ thì năm qua, năm Con Rắn 2013 đã thành dĩ vãng. Có gì còn lưu lại, thành hành trang để cùng chúng ta đi tiếp tới tương lai?

Nhiều. Nhiều lắm. Bao nhiêu sự kiện. Bao nhiêu biến cố. Nhưng ấn tượng nhất, ám ảnh nhất trong tôi vẫn là việc ra đi của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.

Tôi gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “vị tướng huyền thoại” cũng là để khu biệt ông với rất nhiều vị Đại tướng khác. Hình như ông không muốn như vậy. Có lẽ cũng vì thế, mà có cuốn sách viết về ông sau đó đã lấy một cái tên ngược lại: “Không phải huyền thoại”. Ông muốn mình là con người bình thường để có thể dễ dàng hòa nhập vào cả một biển người lam lũ cần lao chăng? Nhưng dù có ở giữa đám đông, hòa vào đám đông thì ông cũng vẫn là một vẻ đẹp, một giá trị không thể trộn lẫn.

Thật may mắn biết bao, khi dân tộc ta đã có một Võ Nguyên Giáp. Và rồi có ông, những người công nhân, nông dân chân đất cùng với đội ngũ trí thức và mọi tầng lớp nhân dân lao động đã quy tụ quanh ông để thành một đạo quân trùng điệp. Một đạo quân mà những ngày đầu, chỉ có súng kíp, chông tre, giáo mác, gậy tầm vông, mà vẫn có sức mạnh vô địch, có thể đánh bại bất kỳ kẻ thù tàn bạo nào. Và rồi trong những lúc tròng trành, quay đảo giữa thế giới thực dụng và vô cảm hôm nay, chúng ta lại hướng về ông, tựa vào ông để củng cố niềm tin đang bị băng hoại một cách nghiêm trọng.

Thật may mắn cho Võ Nguyên Giáp là ông đã gặp được Cụ Hồ. Nếu không có Cụ Hồ thì số phận ông sẽ ra sao nhỉ? Một con người vô danh trong thế giới vô danh. Dùng người là kỹ nghệ của các bậc đế vương. Nếu chọn nhầm người, giao không đúng việc thì một quốc gia hùng mạnh cũng sẽ lụn bại. Chả còn ra làm sao.

Có lẽ, trong các thiên tài quân sự thế giới, Võ Nguyên Giáp là một trường hợp đặc biệt. Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ, không biết bằng phép nhiệm màu nào mà Cụ Hồ đã nhìn thấy khả năng thiên tài quân sự trong Võ Nguyên Giáp, một ông giáo ẻo lả, bạch diện thư sinh, lại chưa từng qua bất kỳ một khóa đào tạo quân sự nào. Chính Tướng Giáp cũng đã có lần nói đùa với một học giả Mỹ: “Tôi chỉ tốt nghiệp học viện quân sự Bụi rậm”.

Câu nói vui. Nhưng lại rất chân thành. Khi cầm quân, Võ Nguyên Giáp chỉ đơn thuần là một ông giáo dạy sử ở trường tư thục Thăng Long. Một con người hoàn toàn xa lạ với quân binh, trận mạc, vậy mà Cụ Hồ lại trao việc phụ trách quân sự, rồi phong thẳng lên Đại tướng và ủy nhiệm cho toàn quyền quyết định việc quân: “Chú là Tướng biên ải, Tướng ngoài mặt trận, có gì cần thiết, chú cứ tự quyết rồi báo cáo Bác sau!”.

Sau này, ta mới biết việc chọn Tướng Giáp của Bác tài đến như thế nào. Võ Nguyên Giáp không qua các lớp đào tạo quân sự. Nhưng như thế, không có nghĩa là ông không học. Mà ngược lại, ông học rất nhiều. Thực tiễn Việt Nam mà ông gọi vui là “bụi rậm” đã thành Học viện quân sự lớn, đào tạo ông, tôi luyện ông thành một thiên tài. Tên tuổi ông có thể đặt bên cạnh những tên tuổi lừng danh nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung…

 Với trường hợp Võ Nguyên Giáp, chúng ta thấy nghệ thuật dùng người của Cụ Hồ tài đến như thế nào. Hồi đó không có nhiều ban bệ, không có các cơ quan chức năng giúp việc, mà sao Cụ Hồ chọn người, đề bạt người tài thế. Hầu hết những cán bộ được Cụ Hồ chọn lựa và đề bạt, đều trở thành những nhân vật lịch sử.

Nhà báo nổi tiếng Mỹ Lady Borton kể lại rằng, có lần, mấy nhà báo Pháp hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh một câu hỏi rất hóc búa: “Thưa ngài Chủ tịch, ngài phong ông Giáp lên thẳng chức Đại tướng, là phong theo tiêu chí nào?”. Bác cười: “Nước tôi là nước du kích. Chúng tôi đánh giặc theo lối du kích, thì phong hàm cũng là phong theo kiểu du kích. Ông Giáp của chúng tôi đã đánh thắng tất cả các ông tướng tài giỏi của nước Pháp, vậy thì ông ấy phải là Đại tướng thôi”.

Nói rồi, Bác cười rất sảng khoái. Mấy nhà báo quốc tế cũng cười. Câu hỏi móc mói nhuốm màu bùa chú đã bị hóa giải.

Cách đây chừng hơn chục năm, cũng vào một dịp Tết, tôi cùng anh em Báo Nông nghiệp Việt Nam “Xông đất Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Tôi có hỏi Đại tướng về bí kíp cầm quân, bí kíp giúp ông trở thành một vị tướng huyền thoại. Và thật bất ngờ. Không ai có thể tưởng tượng được rằng, việc làm đầu tiên của vị tướng “bách chiến bách thắng” khi vào trận là “Tìm cách rút lui”.

Ông bảo: “Tôi có đọc cuốn hồi ký của anh Trần Văn Trà. Anh ấy có viết về tôi. Trong đó có một câu làm tôi rất xúc động: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tiếc đến từng giọt máu của lính”. Anh ấy là người rất hiểu tôi...".

Quả đúng như vậy. Trong trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng tư lệnh. Người chỉ huy tối cao nhưng lại nắm chắc đến từng đại đội một. Nghĩa là ngay một anh đại đội trưởng ở dưới cơ sở cũng có thể báo cáo thẳng cho Tổng tư lệnh về đơn vị của mình, kể cả những con số hy sinh và thương vong.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất thận trọng. Vào trận, bao giờ ông cũng nắm rất chắc địa hình, tính toán thật chi li, cụ thể. Bộ đội hành quân, tập kết trận địa, nếu trong đội hình tiểu đoàn, hoặc đội hình trung đoàn, có trang bị từng loại vũ khí cụ thể thì đi hết bao lâu. Trận đánh diễn ra bao nhiêu phút, rồi sau đó anh em rút ra như thế nào cho thật an toàn trước khi máy bay địch ập đến.

 Chỉ khi nào Đại tướng tính toán kỹ lưỡng, tìm được cách rút lui sau trận đánh, để bảo toàn tính mạng cho từng người lính rồi, ông mới ra lệnh tấn công. Tuy nhiên, trong chiến tranh, vẫn luôn có những tình huống đột xuất, nằm ngoài mọi sự tính toán, cho dù đó là cách tính của bậc thiên tài. Có trận thắng vang dội, người ta vỗ tay rầm trời, còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở sở chỉ huy. Bởi trận đánh mất nhiều lính quá. Ông úp mặt xuống phên tre mà khóc. Nước mắt đầm đìa cả cái gối mây. Nhưng điều ấy thì không phải ai cũng biết được.

Ta hiểu vì sao Tuớng Nguyễn Chuông, Tư lệnh Quân đoàn 29, một trong những người lính quả cảm của Tướng Giáp, khi về hưu, được quân đội chia cho ít đất để làm nhà, đã dành một khoảng đất để xây một cái miếu ngay ở trước cửa nhà để ông thờ lính. “Các em đã lặn lội theo anh vào sinh ra tử bao nhiêu năm nay, không may phải nằm lại dọc đường, bố mẹ già khuất núi rồi, vợ con lại chưa kịp có thì biết lấy ai hương khói trong những ngày tết nhất hay ngày rằm, mồng một. Anh may mà thoát chết, vừa được quân đội cho tý đất đây, anh lập cái am này để các em về đây quây quần với anh”.

Rồi ông dặn dò con cháu, nếu không may ông có phải ra đi thì những ngày Tết hay ngày rằm, mồng một, hoặc ngày 27/7, chúng nhớ thay ông thắp hương cho những người lính của ông đã, rồi sau đó mới thắp cho ông.

Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại ấy, vị công thần vĩ đại cuối cùng của thời lập nước đã ra đi…

Cả đất nước chìm ngập trong nước mắt. Nhân dân ta và những người lính từng theo ông vào sinh ra tử, thương tiếc ông, khóc ông đã đành, bè bạn quốc tế, trong đó có cả những người trước kia từng là kẻ thù “không đội trời chung” của ông, từng bị ông đánh bại trong cả hai cuộc chiến tranh, giờ cũng thương tiếc ông, cũng thấy hẫng hụt khi không còn ông trên cõi đời này.

 Cả một biển người với số phận khác nhau, tôn giáo khác nhau, chính kiến khác nhau, rồi người Việt ở trong nước, người Việt ở nước ngoài, rồi báo chí ngày thường vẫn được phân chia cách biệt “lề trái”, “lề phải”, đều chung niềm yêu kính ông. Thương tiếc ông. Người dân còn lập bàn thờ, rồi tổ chức viếng ông trên khắp mọi tỉnh thành trên cả nước. Rồi họ còn thờ ông trong cộng đồng người Việt ở nhiều bến bờ trên thế giới.

Ở ngôi nhà 30 Phố Hoàng Diệu của ông, suốt một tuần lễ liền, ngày nào cũng đông nghịt người. Họ xếp hàng lặng lẽ, trật tự. Dòng người dài đến như bất tận. Người dân Hà Nội tự mua nước, mua cơm cho bà con ở các tỉnh xa. Có chị chủ tiệm phở đã bỏ tiền ra mua 5.000 chiếc bánh mì và 25 bình nước tinh khiết cho bà con uống miễn phí. Nhiều người dân Hà Nội mở rộng cửa đón bà con vào nghỉ khi chờ viếng Đại tướng.

Trong đêm cuối cùng ở nhà Đại tướng, khi cánh cửa sắt khép lại, lập tức, 103 ngọn nến bất ngờ bùng lên ở bên ngoài cánh cổng. Người dân hô vang tên Đại tướng. Rồi họ nắm tay nhau hát vang bài Quốc ca, vốn là bài Tiến Quân Ca, bài hát dành riêng cho đội quân mà Tướng Giáp là Tổng chỉ huy.

Tiếng hát trầm hùng, nức nở và nhói buốt trong nước mắt, trong ánh sáng của 103 ngọn nến. 103 năm trong một đời người đã cháy lên thành dải ngân hà. Một dải ngân hà đang cháy sáng trên mặt đất!

Trong đời mình, tôi cũng đã được dự rất nhiều đám tang. Nhưng chưa có đám tang nào xúc động, trang nghiêm và kỳ vĩ đến như thế! Mà đấy là người dân tự nguyện tổ chức Quốc tang cho ông theo nghi thức của riêng mình, chứ có ai đứng ra chỉ huy đâu. Thật có lý khi nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng: Có cảm giác như trong đám tang Đại tướng, cả dân tộc ta cùng nắm tay nhau! Xiết chặt tay nhau!

Và như thế, có thể nói rằng, trong đời mình, Đại tướng đã góp một phần quan trọng cùng với Bác Hồ, với toàn Đảng, toàn Quân và toàn Dân đánh thắng kẻ thù, thống nhất toàn vẹn đất nước, và vừa rồi, trong “trận đánh” cuối cùng, bằng việc ra đi của mình, Đại tướng cũng đã thống nhất được Lòng Dân. Điều này thật có ý nghĩa.

Ta lại nhớ ngày Bác Hồ ra đi, cả nước cũng ngập chìm trong nước mắt như thế. Những năm ấy chiến tranh rất khốc liệt. Kẻ thù đã leo đến những nấc thang cuối cùng của sự tàn bạo. Đất nước có lúc như ngàn cân treo sợi tóc. Người dân thương Bác và lo cho vận mệnh đất nước, trong đó có cả số phận của chính mình.

Khi ấy nước loạn. Nhưng lòng dân lại yên. Bây giờ nước yên, nhưng lòng người còn nhiều nỗi. Ấy là chưa kể những năm gần đây, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “sự tha hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ những người có chức có quyền”, cũng làm người dân chán nản. Trước đời sống phồn tạp, ô nhiễm, không ít trái tim người đã trơ lỳ, vô cảm. Sự ra đi của Tướng Giáp đã đánh thức lòng dân và khôi phục lại niềm tin, đưa dân về một khối thống nhất trong mái nhà chung của Đại gia đình Việt Nam.

Đấy là điều không phải vị tướng nào, không phải bậc thiên tài quân sự, hay vị lãnh tụ nào cũng có thể có được. Đấy cũng chính là một huyền thoại nữa của Tướng Giáp giữa cõi đời bụi bặm này chăng?

Ngày 5/10/2013, hãng truyền thông Mỹ NPR dẫn lời Giáo sư, nhà sử học quân sự Mỹ, ông Cecil Currey, tác giả cuốn sách “Chiến thắng bằng mọi giá” nói về Đại tướng: “Ông Giáp có thể sánh ngang với những nhà chỉ huy quân sự tài nhất thế kỷ XX. Ông ngang tầm Alexander Đại đế, vượt trội hơn Napoleon, cũng vượt trội hơn tất cả các tướng lĩnh của chúng ta. Ông ấy là con người vĩ đại của mọi thời đại”.

 Điều ấy cũng phải thôi. Napoleon là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc, nhưng Naboleon còn bị M.I.Cutudốp đánh bại trên chiến trường Borodino. Còn Võ Nguyên Giáp thì không. Dường như ông chưa thất bại bao giờ. Bởi thế, Tướng William Westmoreland cũng phải công nhận, gọi ông là một “vị tướng huyền thoại”.

Trong những ngày Quốc tang, tại Đại sứ quán Pháp có một họp báo đặc biệt. Tham dự là các vị đại sứ và các nghệ sĩ bay từ Pháp sang. Cuộc họp có nến tưởng niệm, lời chia buồn vì sự ra đi của Tướng Giáp.

Nội dung chính của cuộc họp báo ấy là tuyên bố hủy đại nhạc hội Ohlala mà họ đã chuẩn bị trước cả một năm trời. Chương trình này dự kiến sẽ diễn ra hoành tráng tại sân vận động Hàng Đẫy. Những người Pháp đã tỏ một thái độ văn minh lịch thiệp. Trong số họ có người đã nói đùa một cách trìu mến rằng “cho đến lúc chết tướng Giáp vẫn gây khó khăn cho người Pháp”.

Đó cũng có thể xem như một huyền thoại.

Võ Nguyên Giáp là vị tướng của lòng dân. Hình như đây mới chính là bí kíp, là sức mạnh giúp ông đánh thắng bất kỳ mọi kẻ thù tàn bạo nào. Bởi sau ông là Nhân Dân. Quanh ông là Nhân Dân. Sức mạnh của ông là sức mạnh tổng lực của Toàn Dân. Ta hiểu vì sao dân yêu mến ông, đùm bọc chở che ông, không phải chỉ trong những năm kháng chiến gian khổ, mà ngay cả khi đất nước yên hàn, đặc biệt là những lúc ông lẻ loi, cô đơn nhất. Và rồi, cả những người thương yêu ông, bảo vệ ông cũng sẽ được Dân thờ.

Ngày cuối cùng, ông rời Hà Nội, về với đất mẹ Quảng Bình, dân đứng đặc hai bên đường tiễn đưa ông, từ Nhà tang lễ Quốc gia tới tận Sân bay Nội Bài. Dằng dặc 50 cây số người. Bác Nhu, Bí thư Chi bộ Đảng cơ sở, ở sát nhà tôi, người đã nhập ngũ từ năm 1965, cả một thời vào sinh ra tử, giờ ở tuổi ngoài 70, bác còn cùng con trai đáp tàu vào Quảng Bình, ra tận Sân bay Đồng Hới đón Đại tướng, cũng theo lời bác Nhu, dân cũng đứng chật hai bên đường từ sân bay Đồng Hới về tới tận Vũng Chùa. Lại trên 60 cây số người.

Và tôi tin, rất tin rằng, nếu Lễ tang Đại tướng cử hành theo đường bộ, dân cũng sẽ ken đặc hai bên đường suốt từ Hà Nội vào đến tận Quảng Bình đưa tiễn ông. Có mấy ai được dân yêu, dân thương như thế?

Vào những ngày cuối cùng trong năm 2013, tôi cùng anh em cựu chiến binh Đài Tiếng nói Việt Nam vào Quảng Bình viếng ông. Hôm ấy trời mưa tầm tã. Mưa liên miên đã mấy ngày liền. Nhưng chúng tôi vẫn đi. Đi một phần cũng vì sự tò mò. Tôi muốn biết ngày mưa, khu mộ Đại tướng ra sao?

Vừa qua hầm Đèo Ngang một đoạn, đã thấy tấm biển lớn chỉ đường: “Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Từ tấm biển vào khu mộ còn một chặng đường dài nữa với bao nhiêu ngã rẽ, nhưng những người hành hương đến với ông rất dễ dàng nhận ra nhờ những quán bán hoa rải suốt dọc hai bên đường. Cứ theo đường hoa là vào được tận khu mộ.

Trời mưa lút thút. Nhưng người đến viếng ông vẫn rất đông. Có người mang theo ô, có người đầu trần, cứ đội mưa mà đi. Theo Thượng úy Lê Quốc Tuấn, kíp trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình trực bữa đó, thì mỗi ngày có từ ba ngàn đến năm ngàn người đến viếng Đại tướng. Ngày Thứ bảy, Chủ nhật, số lượng người viếng có thể lên đến bảy ngàn người. Ngay cả hôm ấy trời mưa, tôi đến lúc 9 giờ sáng, nhưng trước tôi đã có hơn hai ngàn người đến viếng rồi.

Mộ Đại tướng nằm trên triền đồi. Trước mặt là Biển Đông. Đại tướng muốn nhắc nhở chúng ta về một vùng sóng gió luôn tiềm ẩn những nguy cơ rình rập chăng? Nếu đất nước có những biến động thì chắc sẽ bắt đầu từ vùng biển lửa này.

Tôi rất đồng cảm với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an, khi ông cho rằng: Tướng Giáp trong những ngày tháng cuối cùng trên giường bệnh, và ngay cả khi đã ra đi, vẫn luôn là nơi gửi gắm niềm tin tưởng tôn kính của người dân cả nước. Và dù muốn hay không, với bất kỳ ai có lương tri, tấm lòng của người dân đối với Tướng Giáp cũng là sự "thức tỉnh".

 Chính sự ra đi của Tướng Giáp sẽ thức tỉnh những người ở lại, tạo một sức đẩy, để Đảng và Nhà nước phải quyết liệt hơn nữa nhằm khắc phục những hiện tượng tha hóa trong bộ máy công quyền, đặc biệt ở những người có chức có quyền, đang từng ngày từng giờ làm xói mòn niềm tin của dân.

Tình cảm, niềm tôn kính của Dân đối với Tướng Giáp, cũng là lời nhắc nhở những người ở lại phải có trách nhiệm lớn hơn nữa đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, sống trong sáng giản dị, sống hết lòng vì Dân.

Có Dân là sẽ có tất cả. Đó là một thông điệp cuối cùng mà Đại tướng muốn gửi lại cho chúng ta chăng? Cần soi vào Tướng Giáp mà sửa lại mình, hoàn thiện mình, nếu không làm được điều gì lớn thì cũng phải là một con người tử tế…

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất