| Hotline: 0983.970.780

Ngày Tết, thăm bếp ăn của Bác

Thứ Năm 11/02/2010 , 08:23 (GMT+7)

Bước vào nhà bếp, tôi vô cùng xúc động. Đây là nhà bếp ăn của một Chủ tịch nước và một Thủ tướng Chính phủ ư? Trên thế giới này, không biết còn có nguyên thủ quốc gia nào có nếp sống giản dị, bình dân đến thế.

Chị Cù Thị Minh, cán bộ Ban quản lý khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn tôi đi thăm Phủ Chủ tịch nước và nhiệt tình giới thiệu:

- Dãy nhà một tầng này, trước đây là khu giặt là và chứa đồ của dinh toàn quyền Đông Dương của Pháp đặt tại Hà Nội. Năm 1954, Chính phủ kháng chiến của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về tiếp quản Hà Nội. Dinh Toàn quyền được chọn làm Phủ Chủ tịch nước, nhưng Bác không ở trong dinh, mà ở trong gian nhà của một người thợ điện. Văn phòng đã lấy hai gian đầu hồi của dãy nhà giặt là, chứa đồ làm bếp ăn phục vụ cho sinh hoạt của Bác và đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ.

Bước vào nhà bếp, tôi vô cùng xúc động. Đây là nhà bếp ăn của một Chủ tịch nước và một Thủ tướng Chính phủ ư? Trên thế giới này, không biết còn có nguyên thủ quốc gia nào có nếp sống giản dị, bình dân đến thế.

Ngoài phục vụ bữa ăn hàng ngày cho Bác và Thủ tướng, tổ nấu ăn còn phải làm thêm rất nhiều việc, như làm những bữa ăn nhẹ phục vụ các đồng chí trong Bộ Chính trị mỗi lần họ sang họp cùng Bác và làm cơm những lần bác tiếp khách. Khách của Bác rất đa dạng, từ Chủ tịch, Tổng thống, Thủ tướng của nhiều quốc gia trên thế giới đến các nhân sỹ, trí thức và các đoàn cán bộ, chiến sỹ từ miền Nam ra. 

Bác làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch, 1957

Lúc đầu nhà bếp chỉ có hai gian, mỗi gian chừng hơn chục mét vuông. Gian 1 chỉ có hai cái tủ lạnh Liên Xô và một cái chạn. Hai tủ lạnh ấy, một dùng đựng thức ăn chín và một đựng thức ăn sống. Cái chạn dùng để đựng đồ dùng dự trữ và thức ăn khô. Gian 2, quan trọng nhất là 2 cái chạn và một tủ chụp. Tất cả đều rất đơn sơ. Cái chạn đựng đồ ăn của Bác, không khác gì một cái “gác- măng- dê” của bất cứ một gia đình nông dân Việt Nam nào thời bấy giờ, cũng làm bằng gỗ thường, cửa chạn đóng bằng loại lưới nhỏ tránh ruồi muỗi. Vậy thôi.

“Gác- măng- dê” của Bác được chia làm ba ngăn. Ngăn trên cùng là mâm cơm của Bác, vẫn được giữ nguyên từ khi Bác mất. Một cái mâm nhôm nhỏ, trong mâm có một bát loa đựng canh, một bát ăn cơm, một đôi đũa, ba cái đĩa, một đĩa đựng rau, một đĩa đựng thức ăn mặn và một đĩa đựng đồ tráng miệng, ngoài ra còn một bát nhỏ đựng nước mắm, một đĩa nhỏ đựng mấy lát ớt, một đĩa đựng mấy trái cà hoặc dưa, một ly uống rượu, một thìa dùng ăn canh và một cùi dìa dùng ăn đồ tráng miệng. Ngăn giữa có một ấm pha cà phê, hai cái cốc, một cốc dùng uống trà và một cốc dùng uống sữa, một cái ca nhỏ để thỉnh thoảng Bác uống sâm và một lọ muối tiêu, một cái thớt nhỏ và một con dao nhỏ chuyên dùng để thái ớt. Ngăn cuối cùng đựng mấy cái phích. Từ bát đĩa đến ấm, phích… đều là đồ thường.

Bếp đun bằng than quả bàng

Bếp đun trong nhà ăn là loại bếp than có từ thời Pháp, đun bằng than quả bàng, trên bếp có một nồi cơm, một nồi canh và một nồi dùng ninh xương, cạnh đó còn một thùng đựng nước để tận dụng sức nóng của bếp, lấy nước nóng dùng tráng gạo, tráng xương.

Hai vật khiến tôi đặc biệt chú ý là một cái cối giã bằng đá, một cối xay cũng bằng đá đặt trên cái kệ gỗ ở góc bếp. Nhà bếp của Chủ tịch và Thủ tướng dùng những thứ này làm gì? Hỏi ra mới biết, hai vật đó được mua từ năm 1954. Cối ngoài để giã những thứ nấu canh còn được dùng để giã giò nữa. Cái cối xay dùng xay ngô. Hồi ấy còn chiến tranh, đời sống vô cùng khó khăn, CBCNV toàn miền Bắc chỉ được cung cấp một phần gạo, còn lại là ngô. Tuy được ưu tiên cung cấp 100% gạo, nhưng Bác không nghe, yêu cầu để cho Bác được ăn ngô như mọi người. Trung ương đành phải chấp hành ý kiến của Bác.

Với ngô khô, tổ đầu bếp phải xay nhỏ, sàng sẩy thật kỹ để khi hoà lẫn ngô với gạo nấu cơm cho Bác, cơm vẫn mềm như khi nấu toàn bằng gạo. Nhiều lần các anh lấy ngô non về, thái rồi xay lấy nước nấu thành súp cho Bác dùng. Thỉnh thoảng, cái cối xay đá còn được dùng xay gạo làm bún, bánh, phở cho Bác và Thủ tướng đổi bữa. Nhìn cái cối xay ngô, sực nhớ đến hai câu thơ trong “Nhật ký trong tù” của Bác: “Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết, lò than đã rực hồng”. Mà cái chữ “rực” ấy đã được nhà thơ Hoàng Trung Thông gọi là “con mắt” của thơ.

Nhìn căn nhà bếp, thấy từ mỗi đồ dùng đều toát ra một phong cách sống giản dị của Bác. Sự giản dị ấy chính là một phần của đạo đức Hồ Chí Minh. 

Năm 1962, văn phòng quyết định lấy thêm 2 phòng nữa để mở rộng bếp ăn của Bác và Thủ tướng. Hai gian này được gọi là gian 3 và gian 4, tổng cộng cũng chỉ độ 20 mét vuông. Gian 3 có 2 bếp điện, loại bếp Canađa, được mua lại của chuyên gia Canađa khi họ về nước, một bàn làm bánh với các dụng cụ cán bột. Gian 4 rất hẹp, trong chỉ có một bàn ép bột làm bún, làm bánh hỏi, hai cái bếp lò đun than một to một nhỏ. Bếp to dùng khi có nhiều khách, bếp nhỏ mang theo mỗi lần Bác về các địa phương, góc phòng có một thùng phuy đựng nước…

Hai người chủ chốt trong tổ nấu ăn ở nhà bếp của Bác và Thủ tướng là Đinh Văn Cẩn và Đặng Văn Lơ. Ông Cẩn tên thực là Đinh Văn Hộ, quê ở Kiến An (Hải Phòng), tên Cẩn là do Bác Hồ đặt cho, vì tính ông rất cẩn thận. Kỹ thuật nấu ăn của ông thuộc hàng siêu đẳng, đạt bậc 8/8. Thời đó, người có tay nghề như ông không nhiều. Lúc đầu, ông Cẩn chuyên nấu ăn cho Bác, còn ông Lơ quê gốc ở xã Đông Yên, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chuyên nấu ăn cho Thủ tướng. Sau khi hai tổ nhập một, ông Cẩn trở thành bếp trưởng, trực tiếp nấu ăn, còn ông Lơ chuyên mua, chuẩn bị thực phẩm và cũng tham gia nấu ăn dưới sự chỉ đạo của ông Cẩn.

Ông Đặng Văn Lơ - người nấu ăn phục vụ Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Ông Lơ hiện sống với con trai trong một căn hộ tập thể ở phố Vạn Bảo. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Sáng nào cũng vậy, hơn 7 giờ ông ra khỏi nhà, đi bộ cho đến đúng 11 giờ mới về. Được nấu ăn phục vụ Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong suốt 15 năm (1954- 1969), với ông là một hạnh phúc vô cùng to lớn. Nấu ăn cho Bác và Thủ tướng, hai vấn đề là vệ sinh an toàn thực phẩm và sạch sẽ phải đặt lên hàng đầu, và phải tuân thủ những nội quy hết sức nghiêm ngặt. Hàng ngày, 4 giờ bắt đầu nổi lửa, 19 giờ mới nghỉ, tất nhiên là không phải làm liên tục mà thay phiên nhau. Mỗi ngày 3 lần cán bộ của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đến lấy mẫu thực phẩm về làm hoá nghiệm và quan sát việc làm bếp. Đồ nào phải dùng vào việc nấy, không được dùng lẫn lộn. Mọi thứ phải sạch tinh.

Nhiệm vụ mà cấp trên giao cho tổ nấu ăn là phải tiết kiệm nhưng phải đầy đủ chất dinh dưỡng để bảo đảm sức khoẻ cho Bác và Thủ tướng, và phải làm thế nào để hàng bữa, hai nhà lãnh đạo dùng hết tiêu chuẩn của mình. Bác ăn uống rất đơn giản. Thật vậy, khi quân ta tiến vào Dinh độc lập của Chính quyền Sài Gòn sáng ngày 30/4/1975, vẫn còn thấy trong bếp ghi thực đơn của bữa ăn cuối cùng của tổng thống nguỵ cuối cùng Dương Văn Minh, trên bảng thực đơn ghi toàn những món cao cấp như gan bò hầm sâm, cua bể nấu miến… trong khi trên tấm bảng đen có chữ của ông Lơ ghi thực đơn một bữa ăn của Bác vẫn treo trong bếp, tôi thấy chỉ có mấy món rất dân dã: Cơm tám, xúp gà đậu hột, cá bống kho lá gừng, đậu đũa om nước dùng, tráng miệng bằng táo nướng. Tôi hỏi chị Minh:

- Có phải hôm ấy Bác mời cơm hai người, một người là cụ Hiền và một người là ông Lành tức là nhà thơ Tố Hữu, vì trên bảng thực đơn có ghi tên hai người ấy.

- Không phải. Cụ Hiền chính là Bác, còn ông Lành là Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất