| Hotline: 0983.970.780

Ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12: Giành giật sự sống cho em

Thứ Tư 01/12/2010 , 09:55 (GMT+7)

Nằm cách trung tâm TP.HCM hơn 30 km về phía Tây, Trung tâm Mai Hòa (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) là nơi nuôi dưỡng 21 trẻ nhiễm HIV bị bố mẹ bỏ rơi...

PV NNVN bên các bé tại Trung tâm Mai Hòa
Nằm cách trung tâm TP.HCM hơn 30 km về phía Tây, Trung tâm Mai Hòa (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) là nơi nuôi dưỡng 21 trẻ nhiễm HIV bị bố mẹ bỏ rơi. Trong ngôi nhà nhỏ ấy, ngày ngày vẫn vang tiếng ê, a đọc bài của những mảnh đời mang “H”.

Dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi nhà của các bé, cô Nguyễn Thị Bảo – Giám đốc Trung tâm cho biết, các em ở đây đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như An Giang, Hà Nội, Bến Tre… Mỗi em có một hoàn cảnh riêng nhưng đều trong tình trạng ốm yếu, lở loét, sức đề kháng hầu như đã tê liệt. Các cô phải ngày đêm chăm sóc, theo dõi, giành giật sự sống mong manh của các bé từ bàn tay tử thần. 5 năm gắn bó với trung tâm, cô Bảo hiểu hơn ai hết nỗi đau mà các em phải gánh chịu.

Trong căn phòng nhỏ chứa đầy đồ chơi do các nhà hảo tâm gửi tặng, bé M.L.V (SN 2005) hào hứng khoe bộ lắp ráp đường sắt mà em vừa hoàn thành. “Lớn lên con sẽ trở thành một người lái xe lửa, đưa mọi người đi khắp nơi”. Nói rồi bé vừa chạy vòng quanh chúng tôi vừa mô phỏng tiếng máy động cơ xình xịch, xình xịch…Nhìn khuôn mặt trắng trẻo, dễ thương của bé V, ít ai biết được bé đã từng trải qua những cơn nguy kịch, tưởng chừng như không thể qua nổi.

Thấy chúng tôi bế bé V, các em cũng chạy đến vây quanh đòi bế. Tiếng nói, tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ tràn ngập căn phòng nhỏ khiến chúng tôi có những cảm xúc khó tả. “Chú ở lại đây chơi với con, đừng về nữa”, bé T.V.T (SN 2006) níu áo năn nỉ. Cô Bảo cho hay, bé T vẫn còn bố và một người chị hơn bé 1 tuổi hiện đang sống ở Đồng Nai. Vừa rồi, bố em lên thăm, bé cứ nằng nặc đòi về, phải dỗ mãi T mới chịu ở lại với các cô.

Khi biết chúng tôi gọi điện thoại cho bé nói chuyện với bố, T chạy vội vào góc giường lấy số điện thoại của bố. Nghe tiếng bố, T bật khóc: “Bố ơi, con muốn về với bố. Con nhớ bố, nhớ chị lắm”, giọng nói của bé bị ngắt quãng bởi những tiếng nấc. Ở trung tâm, T là bé duy nhất còn có gia đình, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên phải gửi cháu đến trung tâm.

Nghe tiếng T nói chuyện với bố, những bé còn lại cũng xúm xít đòi điện thoại. Bé N.T.H níu áo tôi hỏi: “Thế bố con đâu hở chú? Con cũng muốn có bố như bạn T”. Câu hỏi ngây ngô của đứa trẻ lên 5 khiến lòng tôi thắt lại. Cô Bảo ôm hai đứa trẻ vào lòng dỗ dành, nước mắt rưng rưng. Cô Bảo cho biết, bé H chuẩn bị chuyển sang điều trị với thuốc ARV theo phác đồ 2, và đây cũng là phác đồ cuối cùng trong điều trị bệnh nhân bị nhiễm HIV. Hàng đêm, bé phải gánh chịu những cơn đau giày xé...

Đến trung tâm, chúng tôi được nghe một câu chuyện buồn về một mùa tựu trường đầy nước mắt của các bé. Vào đợt khai giảng năm học mới 2009, các bé nhiễm HIV ở Trung tâm Mai Hòa cũng chuẩn bị sách vở, bút mực để nhập học. Nhưng các em chưa kịp trọn niềm vui thì 229 phụ huynh đã rút hồ sơ, không chấp nhận con em của họ học chung trường với các bé, vì sợ bị lây nhiễm. “Tội lắm chú à! Đêm trước ngày khai giảng, bé nào cũng phấn khởi, vui mừng không ngủ được, chỉ mong trời nhanh sáng để tới lớp. Lúc biết không được đi học nữa, các em mang cặp sách ra về và ôm nhau khóc” - Bảo bùi ngùi kể lại.

Vào sáng thứ hai, các em ở lớp học Mai Hòa được đến Trường Tiểu học An Nhơn Đông tham dự buổi lễ chào cờ đầu tuần. Đấy là ngày duy nhất trong tuần, những đứa trẻ ở đây được chạm chân đến với thế giới bên ngoài.
Sau sự kiện đau lòng ấy, UBND huyện Củ Chi và Phòng GD – ĐT huyện đã cho mở một lớp học ngay bên trong Trung tâm Mai Hòa và đây được xem là một phân hiệu của Trường Tiểu học An Nhơn Đông. Thế nhưng, trong ánh mắt của những đứa trẻ đang ngồi trên lớp “đặc biệt” kia, chúng tôi cảm nhận được một nỗi buồn đang xâm chiếm tâm hồn trẻ thơ.

Chỉ cách nhau một bức tường bê tông của trung tâm, nhưng bên ngoài, với các em là cả một thế giới nhiều sắc màu cổ tích. Ở đấy, trẻ em được vui đùa, được chơi những trò chơi “kỳ lạ”, có ba, có mẹ ở bên. Các em hiểu rõ những gì đang diễn ra xung quanh mình, nhưng vẫn nuôi một ước vọng rằng, một ngày nào đó mình sẽ vượt qua được bức tường ấy để vui chơi như bao đứa trẻ bình thường khác, được đi học, được ngồi chung với đám trẻ làng.

Tiễn chúng tôi ra cửa, bé V không quên nhắc: “Ngày mai chú lại lên đây chơi với con nhé!”. Chia tay những khuôn mặt thơ trẻ, hồn nhiên, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Cuộc sống của các em chỉ còn đếm từng ngày, hãy để các em được sống, được vui chơi như bao đứa trẻ khác. Cuộc chiến với “H” và sự kỳ thị vẫn tiếp diễn và chiến thắng sẽ thuộc về các em.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.