| Hotline: 0983.970.780

Ngày vui ngắn chẳng tày gang

Thứ Năm 10/10/2013 , 09:42 (GMT+7)

Sau đám cưới, Thái - Giáp thỏa thuận với nhau thư thư mới có con để dành thời gian tham gia học tập và hoạt động cách mạng. Giáp vừa học luật, vừa tham gia viết báo, còn Thái tham gia công tác vận động phụ nữ. Cả hai người đều rất ham học và đọc rất nhiều sách báo.

Mùa thu năm 1935, bà ngoại của Nguyễn Thị Quang Thái bỗng đổ bệnh nặng. Gia đình chạy chữa khắp nơi mà bệnh tình của cụ bà vẫn không thuyên giảm. Ông bà Hàn Bình phải mời nhạc phụ của Đặng Thai Mai là lương y Hồ Phi Thống qua bên Đức Thọ (Hà Tĩnh) để chữa bệnh cho cụ bà.

>> Vị tướng huyền thoại và mối tình đầu qua những cánh thư

Cụ cử Hồ ở lại một thời gian bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc và theo dõi bệnh nhân. Sau có việc ở quê, phải về, cụ cử Hồ cẩn thận để lại người học trò kiêm phụ việc tên là Chắt Văn để chăm sóc cụ bà. Tuy vậy, bệnh của cụ khó qua khỏi nên ông bà Hàn Bình bàn với nhau rồi đi đến quyết định sớm tổ chức đám cưới cho Thái - Giáp.

Là một thiếu nữ tân tiến, Quang Thái trong lòng không hề muốn một đám cưới chạy tang, nhưng dưới sức ép của bố mẹ, đành phải xuôi theo. Ngày 23/9/1935, Quang Thái viết bức thư cuối cùng trong thời kỳ vị hôn nhân, cấp tốc gửi ra Hà Nội, giục Đặng Thai Mai và Võ Nguyên Giáp về Vinh (Nghệ An) ngay để kịp thời tổ chức hôn lễ vì bố mẹ Quang Thái đã ấn định ngày cưới là 28/9/1935.

Trong thư, Quang Thái cho hay mẹ vừa về Đức Thọ thăm bà, thấy Chắt Văn bảo bà khó qua khỏi nên mẹ chạy gấp ra ga bắt tàu hỏa về Vinh để bàn hôn sự. Vì gấp gáp nên ông bà Hàn Bình cũng chẳng muốn làm cỗ to, cũng không ra Tòa Sứ làm thủ tục đăng ký kết hôn, chỉ khai báo qua với nhà đương cục. Vì nhà trai không có nhà riêng ở Vinh, nên phải thuê một cái nhà nhỏ để đón dâu cũng gần nhà Quang Thái vừa tiện bề đi lại mà không tốn tiền thuê ô tô rước dâu.

Bàn bạc xong xuôi, ông bà Hàn Bình cho người về An Xá báo cho cha mẹ, họ hàng nhà trai lịch trình. Ở Hà Nội, sau khi nhận được thư của Quang Thái, Võ Nguyên Giáp và Đặng Thai Mai vì bận quá nhiều công việc, nên đến trước ngày cưới một hôm, Mai - Giáp mới ra ga đi tàu về Vinh đem theo món quà cưới duy nhất là hoa tươi.


Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1963)

Lễ cưới diễn ra đúng như dự định của ông bà Hàn Bình, tổ chức vào ngày 28/9/1935. Mở đầu tuần trăng mật, Võ Nguyên Giáp thuê một xe ô tô Rê-nô để chở cha mẹ, em trai Võ Thuần Nho cùng vợ chưa cưới về quê làng An Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình. Ngày trước An Xá còn có tên là làng Thá, nằm kề bên bờ sông Kiến Giang phía Tây - Nam thị xã Đồng Hới. Xe tới Đèo Ngang thì dừng cho mọi người thưởng ngoạn cảnh quan hùng vĩ. Quang Thái khẽ ngâm mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa...”

Sau khi làm lễ cúng gia tiên, Giáp đưa Thái đi thăm và ra mắt khắp lượt họ hàng, được đúng 5 ngày sau lễ cưới thì ngoài Đức Thọ báo tin bà ngoại Quang Thái đã mất. Về quê chịu tang bà ngoại xong, Quang Thái còn có dịp trở lại thăm quê chồng. Bố chồng - cụ Võ Quang Nghiêm bảo Thái lấy giấy bút ra viết thư cho Giáp, nội dung “Bữa mồng ba, có tiếp được dây thép nói con đậu (vào trường cao đẳng Luật - PV), thày thím mừng. Còn Thái về trong mình vài bữa rồi thày thím cho ra Vinh hầu hai cụ rồi sẽ ra Hà Nội”.

Ngày 10/11/1935, hơn một tháng sau đám cưới, Quang Thái lên đường ra Hà Nội, chính thức bước vào cuộc sống vợ chồng với chàng sinh viên luật. Theo hồi ức của Trung tướng Phạm Hồng Cư, thời kỳ đầu ra Hà Nội, Thái - Giáp thuê nhà ở số 106 Hàng Bông – Thợ Nhuộm, sau chuyển về 26 Nam Ngư. Cả hai nơi trên đều chật và bất tiện nên cuối cùng đôi vợ chồng trẻ chuyển về thuê ở 149 Phùng Hưng - một căn nhà gác 2 tầng, ngay cạnh nhà hộ sinh Con Rồng của bà đỡ Thụy Phương - một học trò của Đặng Thai Mai và là bạn của Thái - Giáp.

Hai vợ chồng thuê tầng gác có hai phòng; phía trước có bao lơn trông ra phố, phía đối diện là đường xe lửa, bên trong đường xe lửa là thành cổ Hà Nội có lính Pháp đóng. Sáng nào cũng nghe thấy trại lính thổi kèn “la vầy” (kèn báo thức). Cùng sống với Thái - Giáp còn có Du - em trai vợ và Nho - em trai chồng đang theo học, và một chú nhỏ giúp việc tên là Ngãi quê ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Sau đám cưới, Thái - Giáp thỏa thuận với nhau thư thư mới có con để dành thời gian tham gia học tập và hoạt động cách mạng. Giáp vừa học luật, vừa tham gia viết báo, còn Thái tham gia công tác vận động phụ nữ. Cả hai người đều rất ham học và đọc rất nhiều sách báo. Thái vừa lo việc nhà, vừa hoạt động, vừa học ngoại ngữ, nhất là tiếng Trung Quốc và tiếng Thái Lan, những mong một ngày nào đó sẽ được Đảng cử đi hoạt động ở nước ngoài sẽ có dịp đi tìm chị ruột là Minh Khai đã biệt tăm từ lâu.

Đây cũng là thời kỳ mà Võ Nguyên Giáp làm việc không biết mệt mỏi: Ngoài việc theo học trường luật, giảng dạy tại Trường Thăng Long, người chồng trẻ còn tham gia viết bài cho rất nhiều tờ báo và được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Có một lần các cây viết chủ lực như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nam… đều bận việc đột xuất, không đủ bài, một mình Võ Nguyên Giáp ngồi từ 6h chiều đến 6h sáng hôm sau “cày” đủ 48 trang cho cả một số báo để kịp đưa nhà in. Sau khi ăn sáng xong, lại tới Trường Thăng Long dạy học.

Năm 1938, khi Võ Nguyên Giáp đã nhận được tấm bằng cử nhân Luật, đôi vợ chồng trẻ mới bàn tính đến việc sinh con. Và năm sau, 1939, một bé gái ra đời tại “ngôi nhà hạnh phúc” số 149 Phùng Hưng. Hai vợ chồng đặt tên cho bé gái là Võ Hồng Anh. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng tiếc thay, niềm vui vừa chớm nở, đã lụi tàn. Bé Hồng Anh vừa sinh ra thì chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Bóng ma chiến tranh bao trùm khắp trái đất.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái đầu Võ Hồng Anh

Tại Việt Nam lúc này thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, lính tráng, mật thám giăng lưới khắp nơi, hàng loạt các chiến sĩ cách mạng bị truy lùng gắt gao, bị bắt, tù đày, bị đánh đập, tra tấn dã man. Trước tình hình đó, tất cả những tổ chức hợp pháp, bán hợp pháp của Đảng đều phải rút vào hoạt động bí mật. Võ Nguyên Giáp cũng nhận được chỉ thị của Đảng chuyển sang hoạt động bí mật; đồng thời chuẩn bị cùng Phạm Văn Đồng vượt biên giới sang Côn Minh, Trung Quốc để gặp đồng chí Vương tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Vào một buổi chiều thứ 6, tháng 5/1940, trên đường Cổ Ngư bên Hồ Tây nơi gần chùa Trấn Vũ, đôi vợ chồng trẻ Thái - Giáp bịn rịn chia tay. Cả hai đều không ngờ rằng đó là lần cuối cùng họ được ở bên nhau! (còn nữa)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.