| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Bức xúc giống tôm thẻ!

Thứ Sáu 22/04/2011 , 11:19 (GMT+7)

Trong khi bà con ở Quỳnh Lưu đang thiếu giống trầm trọng thì Công ty CP Giống chăn nuôi C.P lại bán giống sang các tỉnh khác như Thanh Hoá, Hải Phòng...

Ông Lê Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An nói với chúng tôi: Năm ngoái, vụ tôm thẻ chân trắng (tôm thẻ) ở Quỳnh Lưu thắng đậm, nên bước vào vụ tôm năm nay, hầu hết diện tích nuôi tôm sú trước đây ở huyện đều được bà con chuyển sang nuôi tôm thẻ. Bởi thế diện tích tôm thẻ trong toàn huyện tăng từ 1.015 ha (năm 2010) lên 1.250 ha năm 2011.

Do diện tích chuyển đổi một lúc quá nhiều, năng lực SX tôm giống của các đơn vị trên địa bàn huyện còn hạn chế nên đến thời điểm hiện nay (21/4/2011) hầu hết ao đầm nuôi tôm thẻ mặc dù đã được vệ sinh, xử lý kỹ càng vẫn chưa được xuống giống vì thiếu giống tôm thẻ một cách trầm trọng. Đây là điều đáng lo ngại. Việc xuống giống tôm thẻ vụ 1 chậm sẽ làm lỡ thời vụ nuôi tôm vụ 2 của toàn huyện, khiến năng suất và sản lượng tôm năm tới của huyện sẽ giảm là khó tránh khỏi…

Ông Đậu Viết Hiên, Chủ tịch UBND xã Mai Hùng, Quỳnh Lưu cho biết: Năm ngoái toàn xã Mai Hùng chỉ nuôi thả gần 46 ha tôm thẻ, còn lại là tôm sú mà toàn xã đã thu được 274 tấn tôm thương phẩm. Tôm thẻ thắng đậm nên năm nay đã có 72 hộ đầu tư nuôi với tổng diện tích hơn 70 ha/tổng số 80,6 ha tôm các loại. Với mật độ 1 triệu con/ha thì toàn xã Mai Hùng ít ra phải có lượng tôm giống trên 70 triệu con (mật độ 80 - 100 con/m2) thế mà hiện mới chỉ có 5 hộ thả được trên 3 triệu con tôm giống. Do đó việc thiếu tôm giống tôm thẻ kéo dài đang làm cho bà con hết sức bức xúc. Giống tôm thẻ của Công ty CP Giống chăn nuôi C.P Việt Nam ương tại xã Quỳnh Liên lâu nay được đánh giá chất lượng tốt, năng suất cao nên mọi người đều đặt hàng tại đây nhưng hiện phải dài cổ chờ chưa biết khi nào mới được nhận giống…

Ông Văn Đức Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hùng cho biết thêm: Do giống tôm thẻ năm nay khan hiếm nên Công ty CP Giống chăn nuôi C.P đã buộc các hộ nuôi tôm thẻ phải chuyển tiền trước vào tài khoản của họ, sau đó phải chờ cho đến khi nhận được thông báo của Công ty là đã có giống thì mới đến lấy mang về thả… Giá tôm giống năm nay cũng tăng một cách đáng sợ: Năm ngoái giá giống tôm thẻ (post 10) đầu vụ chỉ 35 đồng/con, cuối vụ tăng lên 50 đồng/con; năm nay giống tôm thẻ đầu vụ (post 10) đã tăng lên 71 đồng/con sau đó tăng lên 78 đồng/con và hiện nay đã nằm ở mức giá 80 đồng/con. Bà con xã Mai Hùng đã nộp tiền đầy đủ mà vẫn chưa có giống để thả cho kịp thời vụ…

Bức xúc vì thiếu giống tôm thẻ, một số hộ ở xã Mai Hùng đã phải mua giống tôm thẻ của một số đơn vị khác tại 2 tỉnh Bình Thuận và Bình Định về thả cho kịp thời vụ. Để đảm bảo tỷ lệ tôm sống cao hơn các năm trước, đã có một vài đơn vị liên kết với một số cá nhân tại Quỳnh Bảng đưa tôm post 3 - post 4 về ương lên thành post 10 rồi đem bán cho người nuôi tôm; hoặc trực tiếp đưa tôm post 5, post 8 và những thùng nhựa lớn từ miền Trung ra lấy nước tại ao đầm của dân để sục khí khoảng 3 - 5 ngày cho tôm thật khoẻ rồi mới triển khai xuống giống cho dân. Theo ghi nhận của người nuôi tôm thẻ tại xã Mai Hùng thì trước mắt tôm giống của các đơn vị này bán cho các hộ dân đang phát triển tốt…

Ông Hồ Đức Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên, Quỳnh Lưu cũng cho biết: Toàn xã Quỳnh Liên năm nay có tổng diện tích nuôi tôm là 53,7 ha, trong đó có gần 48 ha nuôi tôm thẻ, còn lại 5,8 ha nuôi tôm sú. Năm nay, diện tích ao đầm nuôi tôm thẻ đã được bà con chuẩn bị sẵn sàng, tiền nhà nào cũng đã chuyển đủ vào tài khoản của Công ty CP Giống chăn nuôi C.P mà hiện vẫn chưa có giống để thả. Điều khiến bà con lo ngại là toàn bộ ao đầm đã được đánh thuốc diệt khuẩn mà không có tôm giống để thả ngay thì sẽ lãng phí mất bình quân 20 triệu đồng/ha. Bởi theo quy định nếu sau khi đánh thuốc xong khoảng 1 tháng mà vẫn không có tôm giống thì đến khi thả lại phải đánh lại.

Ông Lê Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho rằng: Hiện người nuôi tôm Thẻ ở Quỳnh Lưu đang quá kỳ vọng vào Công ty CP Giống chăn nuôi C.P khiến họ trở nên độc quyền, bán với giá cao và làm chậm thời vụ xuống giống. Theo tôi, những đơn vị SX giống nào được cơ quan chuyên môn kiểm định chất lượng, dám đứng ra bảo lãnh về năng suất và bệnh tật thì bà con cứ mua để thả cho kịp thời vụ. Năm ngoái, có đơn vị đưa giống tôm thẻ của mình ra bán không hết phải tự tổ chức nuôi vẫn cho năng suất cao.

Ông Lê Duy Đông, trú tại xóm 10, xã Mai Hùng nuôi tôm thẻ trên diện tích 8.000 m2, cho biết: Giá giống, vật tư phục vụ cho việc nuôi tôm mới đầu vụ mà thứ nào cũng tăng một cách chóng mặt. Thuốc Hi-Chlon loại thùng 50 kg năm ngoái chỉ 1,8 triệu đồng/thùng, năm nay tăng lên 2,5 triệu đồng/thùng; bột gây màu Mineralene (loại 15 kg) năm ngoái chỉ 300.000 đồng sau đó tăng lên 340.000 đồng/thùng, năm nay ngay từ đầu vụ đã tăng lên 490.000 đồng/thùng và chưa có dấu hiệu dừng lại; dầu chạy máy năm ngoái chỉ 15.000 đồng/lít, năm nay lên 21.400 đồng/lít; giá thức ăn cho tôm năm ngoái 20.000 đồng/kg, năm nay đã tăng lên 28.000 đồng/kg...; các loại thuốc thú y chăn nuôi khác hiện chưa biết sẽ tăng giảm ra sao...

Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Nếu thả tôm thẻ với mật độ từ 60 - 80 con/m2, với giá tôm giống 71 đồng/con thì hộ nuôi tôm thẻ đã phải chi tới 70 triệu đồng tiền tôm giống/ha. Nếu tính cả tiền đánh thuốc và các chi phí khác thì ít nhất người nuôi tôm thẻ cũng phải đầu tư trên 100 triệu đồng/ha. Do giá cả thứ gì cũng tăng nên từ chỗ nuôi tôm thẻ với mật độ cao (từ 180-200 con/m2) năm nay bà con chỉ thả với mật độ thưa tối đa 80 con/m2 để tránh thua thiệt.

Cũng theo ông Dinh, năm nay, Công ty CP Giống chăn nuôi C.P đưa ra kế hoạch sẽ SX 1 tỷ con giống tôm thẻ. Và theo cam kết của đơn vị này thì lượng tôm giống nói trên sẽ được ưu tiên bán cho tỉnh Nghệ An, mà trước hết là huyện Quỳnh Lưu. Thế nhưng trong khi bà con ở Quỳnh Lưu đang thiếu giống trầm trọng thì Công ty này lại bán giống sang các tỉnh khác như Thanh Hoá, Hải Phòng, Nam Định… khiến bà con thêm bức xúc.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.