| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Cần xem lại quy hoạch đất nông lâm nghiệp

Thứ Ba 31/08/2010 , 10:35 (GMT+7)

Tôi rất tâm đắc với anh Doãn Trí Tuệ, bài đăng trên báo NNVN số 156 ngày 6/8/2010: “Tréo ngoe quy hoạch vùng đất đỏ Phủ Quỳ”.

Trong thực tế, Nghệ An đã có quy hoạch phân phối đất đai, sử dụng đất nông lâm nghiệp hàng mấy thập kỷ trước đây, đã hình thành các hệ thống nông lâm trường, giao đất giao rừng cho tổ chức và hộ gia đình ổn định lâu dài theo tinh thần Nghị định 163/CP và 135/CP của Chính phủ. Trong đó vùng đất đỏ bazan của Phủ Quỳ bao giờ cũng được ghi nhận là vùng đất tốt, đặc biệt quý hiếm của Nghệ An nói riêng và miền Bắc nói chung không nơi nào có, giành cho việc trồng cây công nghiệp: cao su, cà phê là chủ yếu.

Đối với cây cao su, thì Nghệ An là tỉnh “đi trước về sau”. Ngay từ những thập kỷ 60 – 70 của thế kỷ trước, cao su đã đứng chân tại Nghệ An nhưng, rồi để mai một. Gần đây, khi các tỉnh khác kinh doanh cao su thành công thì Nghệ An mới lại vội vã hoạch định trở lại gây nhiều tranh cãi.

Sở dĩ, có tình trạng như anh Doãn Trí Tuệ nêu trong bài báo nói trên và nhà báo Trần Cao cũng đã phản ánh trong bài: Nghệ An “Rừng hay cao su” đăng trên hai số NNVN (137 – 138 ngày 12 – 13/7/2010) là hoàn toàn đúng thực tế. Là vì, những người có trách nhiệm thực hiện quy hoạch, chỉ nghe một chiều các nhà đầu tư, bỏ qua ý kiến các nhà khoa học kinh nghiệm và ý nguyện của nông dân đã từng sống chết, lao động trên mảnh đất của họ mà Đảng và Nhà nước đã giao cho họ “Thực hiện người cày có ruộng”.

Để được sử dụng những vùng đất tốt như đất bazan chẳng hạn và những nguồn lợi khác, trong cơ chế thị trường này thì, các nhà đầu tư bằng mọi “thủ đoạn” để giành lấy dù chỉ để trồng mía hay cỏ và thực tế họ cũng đã và sẽ có những thành công nhất định nhưng, đối với tỉnh nhà thì lãng phí này không thể bù đắp được.

Ngay việc thu hồi đất của các công ty lâm nghiệp, tổng đội TNXP (gọi là là đơn vị lâm nghiệp) để thành lập nông trường trồng cao su cũng cần được xem xét lại. Bởi, đất rừng được quy hoạch cho các đơn vị lâm nghiệp phần lớn có độ dốc lớn, tuy cũng có diện tích bằng trồng được cao su nhưng rất ít và phân tán. Nếu như để các đơn vị lâm nghiệp được tham gia trồng cao cao su như ở Hà Tĩnh và các nơi khác đã làm, thì họ sẽ lựa chọn “đất nào cây ấy”, việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được thực hiện. Nhưng nếu dùng biện pháp hành chính khoanh cả một vùng lớn đất lâm nghiệp bao gồm cả rừng trồng, rừng tự nhiên còn giàu trữ lượng kể cả khu rừng được Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã đầu tư làm giống gốc (Trần Cao – Báo NNVN số 138) của công ty lâm nghiệp Anh Sơn giao cho công ty cao su thành lập nông trường thì hậu quả sẽ ra sao? Mặt khác các đơn vị lâm nghiệp khi bị thu hồi đất tốt, rừng tốt cho công ty cao su, còn lại đất rừng “xương xẩu” thì họ làm ăn thế nào? Gặp nhiều khó khăn hơn gấp bội.

Tôi hoàn toàn nhất trí với anh Doãn Trí Tuệ, đất rừng ở những đơn vị lâm nghiệp Thanh Chương, Anh Sơn nằm trên sườn đông của dãy Trường Sơn, độ dốc lớn, tầng đất mỏng rất ít diện tích trồng cao su hiệu quả. Trong dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc đối tượng rừng SX thành rừng kinh tế giá trị cao (thông tư số 99/2006 TTBNN) của ngành lâm nghiệp Nghệ An được thông qua hội đồng khoa học của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt tại Quyết định số 5917 QĐ/UB ngày 30/12/2008 chỉ bố trí trồng cao su ở khu vực Sông Hiếu và Tân Kỳ, các nơi khác chỉ được trồng keo phục vụ nguyên liệu giấy. Thu hồi đất của các đơn vị ở Anh Sơn, Thanh Chương và Yên Thành để thành lập nông trường trồng cao su không những phá vỡ quy hoạch và dự án về lâm nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt mà còn trái với điểm 2 điều 40 của Luật Đất đai (2003) của Nhà nước. Nên nhớ rằng, về mặt sinh học cây cao su và cây keo khác nhau nhiều mặt. Cây keo thuộc họ đậu (Fabaceae) ngoài giá trị kinh tế còn có chức năng cải tạo đất sống tốt trên đất nghèo, sớm khép tán thành rừng, khả năng phòng hộ tốt, còn cây cao su đòi hỏi đất tốt, tán mỏng, tàn che yếu cũng có thể coi là hoàn cảnh rừng nhưng, chức năng phòng hộ rất thấp.

Theo chúng tôi Nghệ An nên xem xét điều chỉnh lại việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông lâm nghiệp, không nên để quá muộn.

Việc phát triển mạnh cây cao su trên đất Nghệ An là một chủ trương đúng của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An kể cả trồng cao su trên đất lâm nghiệp, vấn đề là đòi hỏi các cơ quan tham mưu về quản lý Nhà nước của tỉnh cần nghiên cứu để có biện pháp và chính sách phù hợp. Nên chăng, như các tỉnh đã làm Cty cổ phần cao su đầu tư vốn, bổ sung thêm kỹ thuật bao tiêu sản phẩm XK, các đơn vị lâm nghiệp và hộ gia đình góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất và lao động (được biết ở một số tỉnh miền Bắc mỗi ha được định giá cổ phần hiện hành là 10 triệu đồng và một lao động được trả lương để trồng, bảo vệ chăm sóc khai thác theo chế độ đầu tư của Cty cao su). Lợi nhuận được chia theo luật cổ phần hóa.

Gần đây, trong một số bài nói về xây dựng nông thôn mới (NTM) Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, Phó trưởng ban Xây dựng NTM, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su cũng rất đề cao vai trò “bà đỡ” của các nhà đầu tư với các đơn vị SXKD và hộ gia đình theo hướng như đã nói trên.

Là thành viên của Hội KHKT lâm nghiệp chúng tôi muốn đóng góp ý kiến của mình để các cơ quan có trách nhiệm tham khảo vì sự nghiệp chung của tỉnh nhà.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.