| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Dập nát đồng rau!

Thứ Hai 10/10/2011 , 10:49 (GMT+7)

Mưa lớn, ngập úng kéo dài đã khiến hàng trăm ha rau màu tại các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên... bị thiệt hại nặng nề.

Mướp đắng của xã Nam Xuân, Nam Đàn bị thối rễ sau mưa lũ

Mưa lớn, ngập úng kéo dài đã khiến hàng trăm ha rau màu tại các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên... là nơi cung cấp rau xanh cho TP Vinh và các vùng phụ cận bị thiệt hại nặng nề. Đây là lý do khiến mặt hàng rau xanh tại các chợ trên địa bàn thành phố trở nên khan hiếm và tăng giá đột biến.

Chúng tôi về vùng chuyên rau tại xóm 5, xã Xuân Hoà (huyện Nam Đàn) tận mắt chứng kiến cảnh những thửa đất trồng rau cải, cà chua chỉ còn trơ lại luống sau những trận mưa và ngập úng kéo dài. Ngày nào cũng có tiểu thương đổ về đây săn hàng rau, củ, quả nhưng đều phải về tay không.

Anh Nguyễn Cảnh Hướng, một người trồng rau ở xóm 10, xã Xuân Hoà cho biết: "Sau lũ lụt đi dọc cả mấy xóm này cũng chẳng bói ra được một bó rau cải hay xâu xà lách để ăn chứ nói chi đến chuyện bán chác". Anh Hướng đưa chúng tôi ra xem 2 sào đất trồng xà lách, rau cải và hành hoa vừa xuống giống được 7 ngày đã bị nước mưa gây ngập úng làm thối sạch trơn và cho biết thêm: Riêng sào xà lách tôi gieo 4 lạng hạt giống mất 520.000 đồng và bón 2 bao NPK mất thêm 370.000 đồng.

Đứng bên ruộng rau cải xanh và hành hoa đã bị trời "cướp" mất, ông Nguyễn Đức Hoà (xóm 8, Xuân Hoà) cũng than thở: "Năm nay giá phân bón tăng gấp đôi so với năm ngoái, nhưng chúng tôi vẫn đầu tư sớm thế mà cả cánh đồng Làng Trung giờ chỉ còn lại bãi đất trống. Làm nông khổ thế đấy chú ạ".

Được biết, vụ thu đông năm nay xã Xuân Hoà triển khai làm 160 ha cây màu các loại, trong đó có 70 ha rau chuyên canh và 35 ha rau xen ngô. Ngay sau khi gặt xong số diện tích lúa hè thu trên đất vàn cao, nông dân xã Xuân Hoà đã khẩn trương cày ải, làm đất và gieo vãi các loại rau ngắn ngày như rau cải, xà lách, hành hoa trên tổng diện tích gần 30 ha hy vọng sẽ thu hoạch được trước lụt, nhưng đã bị mất trắng.

Tại xã Nam Xuân, tuy không ngập úng uy hiếp như xã Nam Anh nhờ địa thế cao nhưng trời mưa dai dẳng kéo dài suốt cả tuần lễ cũng biến những cánh đồng rau đang xanh tốt bị dập nát, héo rũ và thối gốc. Theo thống kê của xã đã có 23 ha rau cải trồng xen ngô, 10 ha mướp đắng và 30 ha cây hoa lý bị chết vàng trên ruộng.

Chứng kiến cảnh những cánh đồng chuyên trồng cây hoa lý và mướp đắng đã bị vàng lá, thối rễ hàng loạt đang được bà dọn sạch để trồng lại tại xóm 2 mà không khỏi xót xa. Anh Nguyễn Xuân Long vừa dựng lại những cọc tre làm dàn hoa thiên lý xiêu vẹo vừa bòn mót những dây thiên lý còn xanh để mang về nhà giâm lại làm giống cho biết: "Nhờ thu nhập từ 2 sào hoa thiên lý mà kinh tế gia đình tôi tạm ổn được mấy năm nay. Nhưng những trận mưa kéo dài từ tháng 9 đến giờ đã làm dập nát hết toàn bộ diện tích. Mọi năm hoa thiên lý chính vụ kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 11 dương lịch. Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho thu hoạch 10 lứa/tháng, mỗi lứa khoảng 60kg hoa chính vụ/sào; những tháng cuối vụ cũng được 20kg hoa/sào. Với giá bán sỷ 18.000- 20.000 đồng/kg, từ tháng 9 đến tháng 11 chúng tôi đã bị thất thu gần 4 triệu đồng/sào".

Ông Nguyễn Xuân Quý, cán bộ xã Nam Xuân cho biết: Trong đề án của xã, năm nay Nam Xuân cơ cấu vụ đông 146 ha rau các loại chủ yếu trồng trên đất 2 lúa, nhưng do lúa hè thu gặt chậm hơn so với các năm trước khoảng 20 ngày nên diện tích rau màu bà con xuống giống chưa được bao lâu đã bị mưa lụt xoá sổ.

Chúng tôi về thăm "vành đai rau xanh" của thành phố Vinh tại xã Hưng Đông thấy chẳng khá gì hơn. Hầu hết các cánh đồng rau nước vẫn chưa rút hết, đất nhão nhoét, lầy lội. Ông Hồ Văn Quyết, trú tại xóm Hưng Long, một trong số những hộ chuyên trồng rau gia vị của xã ngán ngẩm cho biết: Gần 1 sào rau gia vị các loại của nhà tôi đều bị thối đến tận gốc.

Mưa lũ kéo dài khiến rau xanh khan hiếm và bị đẩy giá lên cao. Thiếu nguồn cung tại chỗ nên các loại rau, củ quả đưa từ ngoại tỉnh vào hoặc nhập khẩu về cũng tăng đến chóng mặt; mặt bằng giá tăng bình quân phổ biến từ 2.000-4.000 đồng/kg (các loại củ) và 1.000-3.000 đồng/bó (rau xanh). Các loại rau gia vị, rau cải... dù có xấu mã hoặc đã bị xơ úa vẫn được bán giá 20.000 đồng/kg; rau cải 5.000 đồng bó, rau khoai lang 4.000 đồng/bó, cà chua 20.000 đồng/kg, bí xanh 12.000 đồng/kg...

Để khôi phục lại diện tích rau màu đã mất, người dân trồng rau đang rất cần được Trung ương hỗ trợ các giống rau để khi thời tiết ổn định thì có thể bắt tay sản xuất trở lại.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm