| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Dịch cúm uy hiếp đàn gia cầm

Thứ Sáu 12/08/2011 , 10:43 (GMT+7)

Ông Nguyễn Thế Độ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An cho biết: Có 3 nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát dịch...

* Do thiếu vacxin

Bùng phát nhanh

Ông Trần Quốc Cường, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Nghi Lộc cho biết: Dịch cúm gia cầm H5N1 xảy ra đầu tiên tại 6 hộ dân thuộc khối Kim Liên, thị trấn Quán Hành từ ngày 17/7/2011, nhưng người dân không báo cáo. Đến ngày 21/7/2011, thông tin vịt bị chết mới đến Trạm Thú ý huyện. Khi trạm xuống kiểm tra, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm thì đúng là dịch cúm H5N1.

Ngay trong ngày hôm đó trạm đã tổ chức tiêu huỷ 329 con vịt của 6 gia đình nói trên. Điều tai hại là chỉ sau đó 2 hôm dịch đã xuất hiện tiếp tại nhà ông Nguyễn Văn Hoà, trú tại xóm 8, xã Nghi Diên khiến 191 con vịt của gia đình này phải tiêu huỷ. Đến ngày 26 và 27/7/2011, thêm 2 xã Nghi Hoa, Nghi Thuận lại phát dịch, ngày 1/8 lại thêm ổ dịch mới tại xã Nghi Phương…

Ông Cường cho biết thêm, đáng lo ngại là tại Nghi Hoa, khi trạm vừa tiêu huỷ xong đàn vịt của gia đình này, thì các ngày tiếp theo từ 3/8 đến 88/8 đã có thêm 3 đàn thuỷ cầm nữa bị tiêu huỷ. Tính đến ngày 10/8, đàn gia cầm của huyện Nghi Lộc dính dịch cúm H5N1 bị đem đi tiêu huỷ đã lên tới 2.691 con, trong đó có 2.622 con vịt và 69 con gà.

Điều đáng nói là trong khi dịch bùng phát tại 5 xã, thị trấn của huyện Nghi Lộc, Trạm Thú y và UBND huyện Nghi Lộc đang ráo riết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp thì trong 2 ngày 3-4/8/2011 dịch cúm gia cầm H5N1 lại xuất hiện thêm 4 ổ dịch mới tại 3 xã (Diễn Thắng, Diễn Nguyên và Diễn Lợi) thuộc huyện Diễn Châu.

Đến chiều 8/8, huyện Diễn Châu đã tiêu hủy tổng cộng 2.390 con vịt. Như vậy, trong vòng 22 ngày (từ 17/7 đến 9/8/2011), dịch cúm gia cầm H5N1 tại Nghệ An đã xuất hiện tại 8 xã, nâng tổng đàn gia cầm bị tiêu huỷ tại các ổ dịch lên con số 5.081 con, trong đó có 5.012 con vịt và 69 con gà.

Thiếu vacxin trầm trọng

Ông Nguyễn Thế Độ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An cho biết: Có 3 nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát dịch tại Nghi Lộc và Diễn Châu trong thời gian qua: Thứ nhất là qua nhiều đợt dịch cúm H5N1 xẩy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong những năm vừa qua, virut cúm gia cầm H5N1 vẫn đang tồn tại trong môi trường và trên đàn gia cầm khoẻ mạnh. Nay thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường, độ ẩm không khí cao tác động đến sức khỏe và sức đề kháng của vật nuôi đã tạo điều kiện cho virut phát triển gây ra các ổ dịch.

Thứ 2 là do điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng nên công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau từng đợt nuôi tại các hộ chăn nuôi không được quan tâm dẫn đến an toàn sinh học trong các chuồng trại không đảm bảo. Thứ 3 là thiếu vacxin tiêm phòng cho đàn gia cầm. Cuối tháng 5/2011, Cục Thú y có công văn chỉ đạo tạm dừng tiêm phòng vacxin cúm gia cầm đợt 1/2011 do phát hiện tình trạng chủng virut cúm gia cầm H5N1 ở một số địa phương đã có sự biến đổi gen nên nếu tiếp tục tiêm vacxin đã nhập khẩu vào nước ta sẽ không có hiệu quả phòng bệnh. Các địa phương bắt buộc phải chờ loại vacxin mới. Như vậy, đợt tiêm phòng cúm gia cầm đợt 2 kết thúc từ tháng 10 năm ngoái nên đến thời điểm hiện nay hiệu lực đề kháng trên đàn gia cầm đã hết nên dịch bệnh mới có điều kiện bùng phát trở lại.

Theo báo cáo của Cơ quan Thú y vùng III, tính đến ngày 9/8/2011, trên địa bàn vùng Bắc Trung bộ đã có 11 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Trong đó tại tỉnh Nghệ An có 8 xã với tổng số gia cầm bị tiêu huỷ 5.081 con và tỉnh Quảng Trị có 3 xã với tổng số trên 4.000 con.

Tuy nhiên, qua làm việc với các hộ chăn nuôi thì các đàn vịt bị dính cúm H5N1 tại huyện Nghi Lộc phần lớn đều được mua về từ địa phương khác và không rõ nguồn gốc, cũng không được kiểm dịch. Tại Diễn Châu, đàn vịt 1.000 con của ông Nguyễn Văn Hạnh ở xóm 3, xã Diễn Nguyên cũng có nguồn gốc mua từ Thường Tín (Hà Nội) mang về và cũng không được kiểm dịch. Điều đó chứng tỏ, bên cạnh những nguyên nhân khách quan kể trên còn có sự chủ quan của phía những người chăn nuôi và cả sự lỏng lẻo trong hoạt động giám sát của hệ thống thú y cơ sở.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Độ, cho đến nay, bên cạnh công tác tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch, Chi cục thú y Nghệ An đang chỉ đạo các địa phương có dịch tổ chức lập các điểm chốt chặn không cho các loại gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào vùng dịch; tỉnh Nghệ An đã được Bộ NN-PTNT cung cấp khẩn cấp 1 triệu liều vacxin cúm gia cầm H5N1 (cũ) từ nguồn dự trữ quốc gia để chống dịch.

Thế nhưng, do lượng vacxin quá ít nên chưa biết sẽ phải phân chia ra sao cho hợp lý. Trước mắt, Chi cục Thú y Nghệ An sẽ ưu tiên vacxin cho những xã có ổ dịch và các vùng có nguy cơ lây lan cao để các địa phương có dịch thực hiện tốt công tác dập dịch.

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất