| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Dồn sức dập dịch cứu lúa

Thứ Hai 16/08/2010 , 08:45 (GMT+7)

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các huyện phải tập trung cao độ cho công tác dập dịch để cứu lúa.

Trạm trưởng BVTV Quỳ Hợp đang phân tích cho nông dân hiểu rõ tác hại của sâu bệnh đối với cây lúa

Theo số liệu của Sở NN-PTNT Nghệ An, tính đến thời điểm này dịch sâu cuốn lá nhỏ, rầy và bệnh lùn sọc đen đã tấn công trên 50.000 ha lúa hè thu và mùa ở hầu hết trên mọi cánh đồng trong toàn tỉnh.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các huyện phải tập trung cao độ cho công tác dập dịch để cứu lúa. Sở NN-PTNT sau khi thành lập Ban chỉ đạo còn điều động 133 cán bộ kỹ thuật thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư đến 20 đơn vị huyện, thành, thị để cùng với cơ sở giúp dân phòng chống dịch.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các cơ sở, hiện tất cả đội ngũ cán bộ của Phòng nông nghiệp, Trạm BVTV và các Trạm khuyến nông ở các huyện đã phải đóng cửa văn phòng làm việc để xuống đồng cùng với bà con nông dân. Ngày 13/8 khi chúng tôi đến huyện Quỳ Hợp và liên hệ mãi mới gặp được ông Trịnh Hữu Hiển là Trạm trưởng Trạm BVTV. Ông Hiển cho hay: Do nắng nóng kéo dài nên vụ hè thu Quỳ Hợp đã cấy được 383 ha lúa. Thế nhưng hiện đã bị sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 tấn công vào hết cả số diện tích ấy. Đối với lúa vụ mùa, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 cũng đã bùng phát trên 1.400ha/1.500 ha lúa đã gieo cấy. Đối với công tác phòng chống dịch, Trạm đã nỗ lực hết mình. Ngay từ đầu vụ, các cán bộ kỹ thuật xuống tận từng thôn bản để tuyên truyền tác hại của sâu bệnh đối với cây trồng, qua đó Trạm đã đề ra cho nông dân các biện pháp phòng trừ là phải mua đúng thuốc, pha thuốc đúng liều lượng, phun đúng lúc và phải đúng kỹ thuật.

Ông Hiển bảo: Mặc dù Trạm đã phân tích rất kỹ như vậy, nhưng ở một số xã bà con nông dân còn có tư tưởng chủ quan, mãi tới khi thấy ruộng lúa đặc dày sâu rồi mới chịu đi mua thuốc về phun. Có những nơi nông dân còn tùy tiện đi mua thuốc ở ngoài không đúng chủng loại, lại phun cẩu thả. Do vậy công tác dập dịch sâu cuốn lá nhỏ hại lúa ở Quỳ Hợp tính hiệu quả chưa cao, bởi vậy năng suất chất lượng lúa vụ này chắc chắn sẽ giảm. Nói thêm về công tác kiểm tra giám sát chất lượng thuốc BVTV, ông Hiển bảo: Trên địa bàn Quỳ Hợp hiện có tới 12 đại lý kinh doanh thuốc BVTV, tuy họ có đầy đủ giấy tờ hợp pháp để kinh doanh, nhưng vì lợi nhuận nên đã có những hộ khi thấy nông dân đến mua là bán, chứ không xem xét nhãn mác để hướng dẫn cho nông dân sử dụng. Cụ thể mới rồi qua công tác kiểm tra, Trạm đã thu hồi một số thuốc BVTV gồm 9 kg của đại lý Loan - Tùng ở xã Nghĩa Xuân do đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn còn trưng hàng ra bán. Hiện Trạm đã thu hồi số hàng này và đã xử phạt hành chính.

Đến huyện Nghĩa Đàn, ông Nguyễn Viết Trung, Trạm trưởng BVTV cho biết: Sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân đầy thắng lợi thì thời tiết bắt đầu chuyển sang nắng nóng kéo dài, do vậy gây nên nhiều khó khăn cho công tác triển khai vụ cấy lúa hè thu. Tuy vậy đến nay toàn huyện Nghĩa Đàn đã gieo cấy được 3.400 ha thuộc nhiều trà lúa, đạt 100% kế hoạch. Về sâu bệnh và công tác dập dịch sâu cuốn lá nhỏ, ông Trung bảo đây là năm mà huyện Nghĩa Đàn đã gặp phải sâu bệnh nhiều nhất, sâu cuốn lá nhỏ bùng phát hầu hết trên các trà lúa đã gieo cấy trên toàn huyện với mật độ 100-150 con/m2, có nơi 200-300 con/m2. Đặc biệt có những vùng mật độ sâu cuốn lá nhỏ đã phát triển lên tới 500 con/m2. Đứng trước tình hình ấy, ngày 4/8/2010 UBND huyện đã ra công điện yêu cầu các cơ quan chức năng cùng khẩn trương triển khai ngay công tác phòng trừ dịch.

Trạm BVTV phối hợp với Phòng nông nghiệp và Trạm khuyến nông, kịp thời cử toàn bộ cán bộ kỹ thuật xuống đồng để tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nông dân thực thi các biện pháp phòng trừ dịch hại. Kết quả, tính đến ngày 14/8 toàn huyện Nghĩa Đàn đã phun thuốc trừ dịch hại lúa được 3.200 ha. Tuy nhiên qua công tác kiểm tra, Trạm phát hiện thấy một số nơi, bà con nông dân còn có tư tưởng chủ quan với dịch bệnh, khi phun thuốc thì pha chế chưa đúng với yêu cầu kỹ thuật, vì vậy sâu bệnh đã diệt không hết. Số diện tích này lên tới 500 ha, hiện Trạm BVTV đã yêu cầu các xã chỉ đạo nông dân phun lại lần thứ 2. Trạm BVTV Nghĩa Đàn cũng đã phát văn bản tới tất cả các xã yêu cầu trong công tác dập dịch phải tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc: Mua thuốc đặc trị do Trạm cung ứng và thực hiện quy cách pha chế, liều lượng phun, kỹ thuật phun phải đúng như tài liệu mà Trạm đã hướng dẫn. Có như vậy thì công tác dập dịch hại lúa mới đạt được kết quả.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.