| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An quản lý bệnh chồi cỏ hại mía

Thứ Sáu 23/11/2012 , 11:57 (GMT+7)

Sở NN-PTNT Nghệ An vừa tổ chức hội thảo đầu bờ “Ứng dụng các giải pháp đồng bộ quản lý bệnh chồi cỏ hại mía’’ tại huyện Nghĩa Đàn.

Sở NN-PTNT Nghệ An vừa tổ chức hội thảo đầu bờ “Ứng dụng các giải pháp đồng bộ quản lý bệnh chồi cỏ hại mía’’ tại huyện Nghĩa Đàn. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV đã khen ngợi mô hình, đem lại hiệu quả cho nông dân và các nhà máy đường.

Dịch bệnh giảm

Cách đây một năm, ngày 12/12/2011, sau khi tham dự hội thảo "Tìm biện pháp ngăn chặn và đẩy lùi bệnh chồi cỏ hại mía" do Sở NN-PTNT Nghệ An chủ trì, Báo NNVN đăng bài "Nghệ An: Nguy cơ xóa sổ vùng nguyên liệu mía". Bài báo nêu diện tích vùng nguyên liệu của 3 Cty Mía đường tại Nghệ An đều bị sụt giảm rất lớn, có 8.258/18.631 ha mía nhiễm bệnh chồi cỏ...

Đứng trước nguy cơ này, bước vào vụ mía 2012, Sở NN-PTNT Nghệ An đã tiến hành xây dựng 3 mô hình "Ứng dụng các giải pháp đồng bộ quản lý bệnh chồi cỏ hại mía". Tại vùng nguyên liệu của Cty Mía đường Nghệ An Tate&Lyle có 2 mô hình (xã Nghĩa Liên (Nghĩa Đàn) 20 ha, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) 20 ha) và vùng nguyên liệu của Cty Mía đường Sông Con có 1 mô hình (xã Giai Xuân (Tân Kỳ) 20 ha). Các mô hình đều được triển khai vào tháng 3/2012 ở ruộng mía bị nhiễm bệnh chồi cỏ dưới 20%.

Để thực hiện mô hình tại xã Nghĩa Liên, Trạm BVTV và Trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Đàn đã mở các lớp tập huấn cho bà con nông hiểu rõ tác hại rất lớn của bệnh chồi cỏ hại mía, đồng thời tuân thủ các biện pháp kỹ thuật.


Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng (thứ hai từ phải sang)  tham quan mô hình xử lý bệnh chồi cỏ hại mía ở Nghĩa Đàn

Ngoài tập huấn trên lý thuyết, Chi cục BVTV và Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn cử đội ngũ cán bộ đến mô hình để trực tiếp hướng dẫn cho nông dân cách làm. Cụ thể, ruộng mía của mô hình sẽ được thu hoạch sớm, sau đó dùng cuốc hoặc dao sắc bạt sâu, chỉ trừ 2 - 5 đai mầm, cày xả 2 bên luống để làm đứt rễ già và cày cách gốc mía từ 20 - 25 cm, tiếp tục phơi ải đất đến khi đủ độ ẩm thì tiến hành bón phân, vun gốc.

Về vệ sinh đồng ruộng và xử lý chồi cỏ: Sau thu hoạch, chờ mía mọc mầm từ 2 - 4 lá là thời điểm thể hiện rất rõ chồi cỏ mọc chen lên. Để triệt tiêu chồi cỏ, biện pháp kỹ thuật là dùng cuốc, xẻng đào lật gốc những khóm mía bị bệnh rồi gom lại phơi khô và mang ra khỏi ruộng để đốt. Hoặc chôn sâu lấp lại, không cho chúng mọc tái sinh.

Đối với những vùng có điều kiện thì có thể sử dụng thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosat để phun vào đám chồi cỏ, nhưng khi phun không được làm thuốc té ướt sang những khóm mía khoẻ, và sau phun 6 - 8 giờ nếu gặp mưa thì phải phun lại mới có hiệu quả.

Lưu ý cần ghi nhớ là không phun thuốc khi gặp thời tiết nắng nóng hoặc khi mía đã có chiều cao trên 40 cm. Khi đã tiến hành xử lý xong chồi cỏ thì chờ đất đủ đổ ẩm rồi trồng dặm thêm mía để tăng năng suất.

Đối với phân bón đã thực hiện tại mô hình và khu ruộng đối chứng đều có cùng chế độ (tính cho 1 ha): Phân hữu cơ 18 tấn, NPK (8-10-3) 400 kg, lân 250 kg, urê 150 kg, kali 160 kg. Cách bón: Phân chuồng, lân, kali, NPK bón hết 100% sau khi cày xả luống. Còn lại urê, kali bón 100% khi mía có 9 - 12 lá, kết hợp làm cỏ, vun gốc. Quá trình làm cỏ nên dọn sạch hết lá già, tỉa huỷ những cây mía vô hiệu đẻ sau, lưu giữ mật độ mía vừa phải, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại kiểm tra chăm sóc, phòng trừ sâu hại.

Kết quả: Đến tháng 7 ruộng của mô hình vẫn có 3% diện tích bị nhiễm chồi cỏ, trong đó khu ruộng đối chứng nhiễm 5%. Từ tháng 9 - 10 chồi cỏ đã tăng lên ở ruộng mô hình là 7%, nhưng khu ruộng đối chứng tuy có xử lý nhưng đã tăng từ 18 - 20%.

Lý do ruộng mía của mô hình giảm tới 13% bệnh chồi cỏ so với ruộng đối chứng là do công tác xử lý chuẩn mực hơn, việc chăm sóc cũng tốt hơn. Chính vì vậy mà tỷ lệ bệnh rệp xơ trắng ở ruộng mía mô hình trong tháng 10 chỉ 7%, trong khi đó khu ruộng đối chứng là 15%.

Năng suất tăng

Những yếu tố trên đã cấu thành năng suất chất lượng mía của mô hình cao hơn hẳn so với ruộng đối chứng. Theo thống kê đo đếm của Chi cục BVTV Nghệ An cùng thực hiện với nông dân tham gia mô hình thì mật độ cây của mô hình đạt 7,5 cây/m2 (đối chứng 7 cây/m2). Trọng lượng của mía mô hình đạt 1,25 kg/cây (đối chứng 0,95 kg/cây).

Năng suất đã thống kê tại ruộng mô hình đạt 93,75 tấn/ha, còn ở ruộng đối chứng chỉ đạt 65,6 tấn/ha. Theo tính toán khiêm tốn của Sở NN-PTNT thì lợi nhuận của ruộng mía mô hình năm nay sẽ cao hơn so với ruộng đối chứng là 17 triệu đồng/ha.

Qua xem xét thực tế tại mô hình, tất cả các đại biểu đến từ các huyện đã có chung nhận xét cùng với 49 hộ tham gia mô hình tại xã Nghĩa Liên: Nếu ở đâu cũng làm được như thế này thì nguy cơ chồi cỏ chắc là sẽ khống chế được. Mặt khác lâu nay chồi cỏ bùng phát tràn lan là do các địa phương không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng trừ. Lại có nhiều vùng cứ để cho mía lưu gốc quá lâu dẫn tới đất cằn rồi sinh ra chồi cỏ.

Bàn về vấn đề nguồn giống sạch bệnh, ông Ngô Văn Tú, Phó TGĐ Cty Mía đường Nghệ An Tate&Lyle khẳng định: Hiện chưa có cơ sở khoa học nào xác định được nguồn giống nào là sạch bệnh, mà lâu nay đơn vị chúng tôi vẫn thường hướng dẫn cho nông dân lấy nguồn giống, hoặc cung cấp cho nông dân những lô giống được lấy từ vùng chưa có bệnh chồi cỏ phát sinh.

"Cục BVTV đề nghị tỉnh Nghệ An cần nhanh chóng nhân rộng mô hình này ra trên diện rộng. Đối với các biện pháp BVTV khác, Cục đề nghị các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn cho nông dân áp dụng kịp thời, đúng cách, đúng thời gian và phải làm kiên quyết, đồng bộ...", Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn đề nghị các cơ quan khoa học nên nghiên cứu tại sao ở Thanh Hóa và những vùng đất của Nghĩa Đàn giáp ranh với Thanh Hóa xưa nay vẫn trồng mía, nhưng vì sao lại không có chồi cỏ? Ông Sơn cũng khuyến cáo những vùng nông dân đã để mía lưu gốc quá lâu và phát sinh chồi cỏ mạnh thì nên hủy đi để chuyển đổi cây trồng khác một vài năm rồi mới lại trồng mía.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, GĐ Trung tâm BVTV khu 4 không có thời gian phát biểu ở diễn đàn, nhưng đã có ý kiến rất hay với tôi rằng: Ở Thanh Hóa người ta làm giống chỉ lấy 2/3 cây mía kể từ ngọn trở xuống. Còn 1/3 phía dưới bao giờ họ cũng để lại làm mía thịt, phần này chưa nói là có vấn đề về sâu bệnh tiềm ẩn hay không, nhưng nếu đem làm giống như ở Nghệ An thì chắc chắn là sức nẩy mầm không khoẻ.

Kết thúc hội thảo, Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng cho hay: Bệnh chồi cỏ hại mía là rất nguy hại, tuy nhiên trên cả nước bệnh này mới chỉ xuất hiện ở tỉnh Nghệ An, Cục nghiên cứu cách đây đã 7 năm rồi, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra được thuốc đặc trị. Bởi vậy mô hình ứng dụng các giải pháp đồng bộ quản lý bệnh chồi cỏ như các huyện ở Nghệ An đang làm là rất tốt.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm