| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Rừng hay cao su?

Thứ Hai 12/07/2010 , 15:30 (GMT+7)

Trong chiến lược trồng cao su, Nghệ An "nhắm" các huyện miền núi Anh Sơn, Thanh Chương để phát triển loại cây này. Tuy nhiên việc tỉnh lấy rừng và đất rừng đã giao khoán ổn định lâu dài cho người dân trồng rừng nguyên liệu để trồng cao su đang gây những luồng ý kiến trái chiều.

Trong chiến lược trồng cao su, Nghệ An "nhắm" các huyện miền núi Anh Sơn, Thanh Chương để phát triển loại cây này. Tuy nhiên việc tỉnh lấy rừng và đất rừng đã giao khoán ổn định lâu dài cho người dân trồng rừng nguyên liệu để trồng cao su đang gây những luồng ý kiến trái chiều.

I. Nước mắt người trồng rừng

Chúng tôi nhận được đơn khiếu nại tập thể của công nhân và hộ dân trồng rừng về việc “thu hồi đất của Cty Lâm nghiệp Anh Sơn để giao cho Cty CP Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An” mà thấy phân vân. Vì được biết phát triển trồng mới cây cao su là một chủ trương lớn của tỉnh Nghệ An, đang được triển khai rộng rãi. Theo đó diện tích đất rừng thu hồi sẽ rất lớn, riêng việc thu toàn bộ đất thuộc diện quản lý của Cty Lâm nghiệp Anh Sơn đã là trên 6.000ha. Trong triển khai các dự án liên quan đến việc thu hồi đất của dân, khiếu nại xảy ra cũng là bình thường, nhưng với dự án này, điều băn khoăn ở chỗ liên quan đến rất nhiều hộ trồng rừng, đất đai của họ phần lớn đều đã được giao sử dụng lâu dài (50 năm) theo Nghị định 135/CP của Thủ tướng Chính phủ, diện tích đất lớn, người dân cơ bản đã trồng rừng nguyên liệu hoặc khoanh nuôi bảo vệ tốt. 

Anh Nguyễn Hữu Tràng, đội 1, Cty LN Anh Sơn bên rừng mới trồng sau khi được giao đất lâu dà

Từ huyện lỵ Anh Sơn, chúng tôi đi theo con đường quốc phòng thẳng hướng tây nam đâm vào rừng. Những người công nhân đưa đường nói, chỉ đi mất 1 giờ đồng hồ theo đường này là đến biên giới Việt Lào, chừng 40km. Đây là vùng phên dậu, chỉ có rừng và núi non trùng điệp. Từ khi dân được giao đất lâu dài, nắm tư liệu sản xuất quý nhất trong tay, ai cũng hăm hở. Hộ nhiều nhận vài chục ha, ít cũng dăm bảy ha. Đất ở đây rất hợp cây keo lai, bồ đề giống mới, trồng vài năm đã cao 3-4 m. Người ta tính được chu kỳ cây nguyên liệu giống mới hiện nay chỉ 6 năm là khai thác, năng suất trung bình 150 m3/ha, giá bán (bán xô tại rừng) hiện tại 600 ngàn/m3, dễ dàng thu 90 triệu/ha, trừ chi phí lãi ít nhất 60-70 triệu/ha. Khi đó nhà thu ít cũng nửa tỷ, còn nhà đầu tư trồng lớn, có thể thu nhập hàng tỷ đồng từ rừng, là có thể mua được ô tô, nuôi con cái ăn học đàng hoàng.

Thế mà khi chúng tôi gặp họ, những người ôm giấc mộng kim tiền, lại bắt gặp những ánh mắt thất vọng chán chường. Anh Nguyễn Hữu Tràng, đội 1, Cty Lâm nghiệp Anh Sơn, là chủ hộ đã được Cty ký kết giao toàn quyền sử dụng đất lâu dài theo Nghị định 135/CP với diện tích 15,9ha kể từ 30/1/2008, nói:

- Khi biết thông báo đất của chúng tôi sẽ bị thu hồi hết để trồng cao su nghe mà như sét đánh ngang tai. Mới có đất trong tay, cả nhà quần quật quanh năm ngày tháng trồng mới đã được 4ha keo và bồ đề rồi. Rừng lên đẹp vô cùng không phụ công sức tiền của chúng tôi bỏ ra ngần ấy năm. Bây giờ trên lại yêu cầu thu hồi đất. Là người gắn bó công việc trồng rừng suốt mấy chục năm nay tôi không tin vùng núi cao đất vừa chua vừa dốc vừa hạn đến khô cháy này lại trồng được cao su. Bao đời nay chưa thấy ai thử nghiệm trồng được cao su ở đây. Biết hay dở thế nào đã vội thu hết đất của dân để trồng loại cây khó tính này thì quả thật không hiểu nổi mấy ông trên tỉnh quy hoạch thế nào nữa.

Phăm phăm dẫn chúng tôi leo núi xem rừng keo lai mới trồng, anh Tràng kể: Mấy hôm trước có ông Huy, PGĐ Cty CP Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An cùng đoàn cán bộ vào nhà tôi đo đạc kiểm đếm rừng. Tôi dẫn lên núi, nói với ông Huy: “Đấy, rừng chúng tôi đấy, các anh phá hết đi mà trồng cao su. Đất dốc trên 45 độ này xem các anh trồng nổi cao su không?”. Mình nóng lên thì nói vậy, được cái ông PGĐ cũng mềm mỏng, thừa nhận: “Rừng đẹp quá, phá đi thì không nỡ”, tôi nghe mà mát lòng mát dạ.

Khi con người ta hy vọng bao nhiêu điều ngược lại sẽ rơi vào tuyệt vọng bấy nhiêu. Ông Tân nói: Khoảng một tháng nay trên có lệnh không cho chúng tôi tác động vào rừng bất kỳ hình thức nào. Trước ngày nào tôi cũng ở trên rừng. Nay mình chỉ dám đáo qua, thấy như rừng hoang, không ai làm cỏ, tỉa thưa, rừng của mình đấy mà giờ mỗi lần nhìn đều không cầm lòng được.

Đội 1 mà chúng tôi đến là nơi nhiều rừng và có phong trào trồng rừng nhất của Cty Lâm nghiệp Anh Sơn. Từ khi công nhân, hộ nông dân được giao đất lâu dài (từ 2008) theo chủ trương của Chính phủ, mới có vài năm người dân đội này đã đầu tư trồng mới gần ngàn héc ta. Dường như những nơi nào đất rừng tốt và bằng phẳng thì họ đã cắm cây rừng lên rồi, bằng chứng chuyến thực địa này chúng tôi hiếm khi thấy đất bị bỏ hoang, thay vào đó là màu xanh rờ rỡ của rừng trồng; rừng nghèo chỉ còn trên núi cao, nơi mà dân không thể trồng được cây rừng đã chắc gì trồng nổi cao su? Khi đất hoang không còn, một cây cao su cắm xuống, trước hết một cây rừng phải nhổ lên. Cuộc đánh đổi chưa biết kết quả ra sao quả là mạo hiểm.

Một trong những người hy vọng nhất trong việc nhận đất trồng rừng là ông Trần Đức Tân, công nhân lâm trường (nay là Cty Lâm nghiệp Anh Sơn) nghỉ hưu. Nhận trồng đến 25 ha rừng, ông nói: Mình nghỉ hưu nhưng sức vẫn còn. Cố trồng thêm thêm rừng còn nuôi con theo đại học. Nhà ông hiện có 2 con học ở Học viện Tài chính ngoài Hà Nội và Đại học Công nghiệp trong TPHCM, mỗi tháng phải chu cấp mỗi đứa mấy triệu bạc, tất cả chỉ dựa vào rừng. Ý chí nuôi con ăn học có nghề nghiệp khỏi làm công nhân vất vả như bố, ông thế chấp mọi thứ có thể, vay vốn ngân hàng được gần 200 triệu đầu tư trồng rừng, đắp đập nuôi cá, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, xây nhà coi rừng, làm chuồng, tậu trâu về thả, và chỉ sau hơn 2 năm nhận đất nhà ông đã trồng mới được 15 ha keo và bồ đề, một sức khai phá đáng nể.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất