| Hotline: 0983.970.780

Nghề chế biến dầu khí “hút” học viên

Thứ Ba 11/02/2014 , 10:04 (GMT+7)

Chỉ sau một thời gian ngắn chiêu sinh, Trung tâm Dạy nghề An Nhơn (Bình Định) đã tuyển được 26 học viên tham gia lớp “Vận hành thiết bị chế biến dầu khí” trình độ cao đẳng.

Chỉ sau một thời gian ngắn chiêu sinh, Trung tâm Dạy nghề An Nhơn (Bình Định) đã tuyển được 26 học viên tham gia lớp “Vận hành thiết bị chế biến dầu khí” trình độ cao đẳng. Lớp này không chỉ thu hút học viên trong tỉnh tham gia, nhiều học viên ở tỉnh Gia Lai cũng lặn lội xuống học.

Trên địa bàn miền Trung có nhiều nhà máy lọc dầu đã được khởi công xây dựng, theo đó nhu cầu về lực lượng kỹ thuật trong nghề vận hành thiết bị chế biến dầu khí tăng cao. Trước thực tế này, Trung tâm Dạy nghề An Nhơn phối hợp với Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Dung Quất (Bộ LĐ-TB&XH mở lớp dạy nghề thuộc ngành lọc hóa dầu để kịp thời đáp ứng nguồn nhân lực.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Dung Quất, hiện nay, ngoài Trường Cao đẳng Dầu khí Vũng Tàu (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), trên địa bàn cả nước chỉ có Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Dung Quất đào tạo công nhân kỹ thuật phục vụ ngành dầu khí. Trong những năm qua, nhà trường đã đào tạo 12 khóa học các nghề trong ngành lọc hóa dầu, tất cả học viên sau khi ra trường đều có việc làm. Có nhiều học viên đang làm việc với mức lương rất cao.


Trung tâm Dạy nghề An Nhơn khai giảng lớp vận hành thiết bị chế biến dầu khí

Cũng theo ông Nam, nghề vận hành thiết bị chế biến dầu khí cần người học phải nắm bắt cơ bản nhiều kỹ năng nên sẽ được đào tạo 3 năm. Ngoài chuyên môn, học viên còn được nhà trường rèn luyện đạo đức, tác phong công nghiệp của người công nhân vận hành những thiết bị hiện đại.

Trong 3 năm học tập, sau khi được giáo viên của Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Dung Quất truyền thụ những kiến thức về lý thuyết tại Trung tâm Dạy nghề An Nhơn, học viên sẽ được nhà trường tạo cơ hội tiếp cận với thiết bị hiện đại bằng cách đưa đi thực hành chuyên sâu tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi). Nhất là đối với học viên học lớp vận hành thì càng cần thực hành nhiều hơn. Trong quãng thời gian đi thực tập, học viên sẽ được nhà trường hỗ trợ kinh phí ăn ở.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề An Nhơn cho biết: Để chiêu sinh lớp vận hành thiết bị chế biến dầu khí, trung tâm đã tuyên truyền nhiều đợt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, cán bộ, giáo viên của trung tâm còn đích thân đi về tận cơ sở để làm việc tuyển sinh với chính quyền các địa phương. Trong 26 học viên theo học lớp này có nhiều em là cư dân vùng sâu vùng xa trong tỉnh Bình Định, đặc biệt còn có nhiều học viên đến học từ miền cao nguyên.

“Để tạo điều kiện cho con em các gia đình ở nông thôn không có tiềm lực về kinh tế an tâm theo học kiếm lấy một nghề ổn định cuộc sống và giúp đỡ gia đình, học viên lớp vận hành thiết bị chế biến dầu khí sẽ có mức đóng học phí rất thấp, ngoài ra còn được hỗ trợ nhiều khoản chi phí khác trong sinh hoạt hàng ngày”.

Học viên Đoàn Võ Thành Nhân (SN 1995) ở xã Hà Ra, huyện Mang Giang (Gia Lai) cho biết: “Cháu tốt nghiệp cấp 3 niên khóa vừa rồi, thi vào Trường Đại học Nông lâm TPHCM nhưng bị trượt. Nhiều bạn rủ cháu ôn thi để sang năm tiếp tục dự thi đại học. Thế nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình không cho phép, vả lại, trong bối cảnh xã hội đang thừa thầy thiếu thợ nên cháu quyết định chọn học 1 nghề để ổn định cuộc sống. Theo dõi qua báo chí, cháu thấy nghề lọc hóa dầu sẽ có tương lai rộng mở nên khi Trung tâm Dạy nghề An Nhơn tổ chức tuyển sinh là cháu ghi danh theo học ngay”.

Cháu Phan Trung Nghĩa (SN 1995) ở thị trấn Kon Tầng, huyện Mang Giang (Gia Lai) tâm sự: “Sau khi cháu thi trượt đại học năm vừa rồi, ba cháu theo dõi báo chí biết Trung tâm Dạy nghề An Nhơn sẽ mở lớp dạy những nghề thuộc ngành dầu khí đã động viên cháu theo học lớp này.

Mấy ông anh trong dòng họ cũng tư vấn cháu theo học nghề này bởi sau khi ra trường sẽ không lo thất nghiệp, vì nhu cầu về lực lượng công nhân kỹ thuật tại các nhà máy lọc hóa dầu trong khu vực sẽ rất cao. Ba mẹ cháu làm ruộng, kinh tế gia đình khó khăn, nhưng mức đóng học phí chỉ 1.250.000 đ/học kỳ (5 tháng) nên cháu yên tâm theo học”.

Lớp vận hành thiết bị chế biến dầu khí này còn thu hút cả học viên nữ. Cháu Phạm Võ Thanh Thản (SN 1995) ở xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn, Bình Định), nói: “Lúc đầu, bạn bè cháu bàn vô tán ra bảo nghề này độc hại, không phù hợp cho nữ giới. Thế nhưng cháu nghĩ mình chỉ vận hành trên thiết bị thì có gì đâu mà độc hại, nên cháu mạnh dạn đăng ký theo học. Được nhà trường cam kết là sau khi ra trường, mọi học viên sẽ được giới thiệu việc làm nên cháu càng yên tâm”.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất