| Hotline: 0983.970.780

Nghề cơ khí vẫn có 'đất dụng võ'

Thứ Ba 16/01/2018 , 14:50 (GMT+7)

Đi bộ đội từ cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước, nhưng Đỗ Văn Huệ lại được học nghề cơ khí và làm việc tại trường Trung cấp Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng. Sau 3 năm, Đỗ Văn Huệ được điều động về nhà máy Z183 và làm việc tại đây gần 10 năm.

21-58-30_img_0003
Vận hành máy tại HTX Dịch vụ - Thương mại - Cơ khí nông nghiệp Tình Cương

Ra quân, trở về quê nhà tại khu xóm Chùa, xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), anh bộ đội lại nhớ nghề, liền mở cơ sở cơ khí tại nhà. Đó là HTX Dịch vụ - Thương mại - Cơ khí nông nghiệp Tình Cương. Cái tên dài vậy, nhưng thực ra giống như một phân xưởng SX với những máy tiện, phay, hàn, ép thủy lực…

Về địa phương đúng lúc phong trào xây dựng phát triển rầm rộ khắp các miền quê. Đây chính là “đất dụng võ” cho nghề cơ khí. Có sẵn tay nghề, Đỗ Văn Huệ bắt đầu đi các nơi, tìm kiếm máy móc cơ khí. Không đủ tiền và cũng không cần thiết mua sắm máy mới, ông đi “sưu tầm” các thứ máy “đồ cổ” của các nhà máy cơ khí tiếng tăm thời bao cấp, nay đã lụi tàn. Những cỗ máy hạng nặng này rất đắc dụng cho công việc cơ khí của ông, giá rẻ, nhưng lại bền.

Thế là xưởng cơ khí hình thành. Tính ra cũng phải đầu tư tiền tỷ mới có cơ ngơi này. Lấy ngay đất vườn nhà làm đại bản doanh, được chính quyền địa phương khuyến khích, tạo điều kiện, ông Huệ bèn cho ra đời HTX nói trên, tuyển dụng hàng chục công nhân, trở thành một đơn vị có uy tín tại địa phương và thậm chí có thương hiệu, được nhiều nơi trong, ngoài tỉnh tìm đến, đặt hàng.

Do nhu cầu thị trường đang cần gạch xây dựng, nên Đỗ Văn Huệ tập trung vào SX các loại máy ép gạch, cho các doanh nghiệp lớn. Theo yêu cầu của khách hàng, ông SX máy ép gạch loại 7 viên, 9 viên. Loại này, thường phải SX cả một dây chuyền liên hoàn, gồm các máy đùn ép, nhào nặn, cán đất, cấp liệu các loại đất, cát, than…Công suất cho máy ép ra gạch viên từ 20 - 30 vạn viên gạch/ngày. Mỗi năm, HTX của ông SX ra từ 1 - 2 giàn máy, mỗi giàn máy trị giá gần 5 tỷ đồng.

Ngoài công việc chủ lực này, cơ sở của ông còn nhận làm nhiều việc khác, như gia công cơ khí, sửa chữa máy xúc, máy ủi, các loại máy nông nghiệp của tư nhân và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.

Ông Đỗ Văn Huệ cho biết, nghề cơ khí vất vả, nặng nhọc và chủ yếu lấy công làm lãi. Nhưng được cái công việc đều đều, thậm chí có lúc làm không hết việc. Mỗi công trình, lãi tổng thể khoảng 30%. Nhưng trừ các khoản cho rạch ròi, thì thực lãi chỉ còn khoảng 10%. Tuy nhiên những công trình lớn với số tiền nhiều tỷ đồng, thì khoản thu nhập này không nhỏ.

Hiện ông vẫn duy trì trên dưới 10 công nhân với tay nghề được đào tạo bài bản. Lương trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng. Với một huyện nghèo, xã nghèo, thì đây là mức thu nhập lý tưởng, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được, nói chi một HTX cơ khí nhỏ ở địa phương…

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.