| Hotline: 0983.970.780

Nghề cõng tử thần

Thứ Hai 28/11/2011 , 10:02 (GMT+7)

Câu chuyện này không lạ, thậm chí là rất cũ nhưng mỗi lần chứng kiến đều khiến chúng ta phải ứa nước mắt. Đó là chuyện về những người làm nghề phun thuốc sâu thuê...

Câu chuyện này không lạ, thậm chí là rất cũ nhưng mỗi lần chứng kiến đều khiến chúng ta phải ứa nước mắt. Đó là chuyện về những người làm nghề phun thuốc sâu thuê ở vựa cói Nga Sơn (Thanh Hóa). Một nền nông nghiệp tiên tiến có lẽ còn xa lắm mới đến với người dân nơi đây.

Miếng cơm chan đầy nước mắt

Từ TP Thanh Hoá, chúng tôi vượt hơn 40km tìm về huyện Nga Sơn. Nhưng vừa đến ruộng cói ở đây chúng tôi muốn tháo chạy thật nhanh bởi mùi thuốc sâu nồng nặc.

Tôi gặp anh Nguyễn Văn Túc (xóm 2 xã Nga Thái) đang chuẩn bị đồ nghề bắt đầu một ngày phun thuốc sâu. Anh Túc dùng sợi dây cao su buộc vòi phun vào một chiếc sào dài chừng 4m. Thấy lạ, tôi hỏi thì được anh cho biết: “Mùa này cói sắp thu hoạch nhưng bị sâu đục thân tàn phá nhiều lắm. Khác với lúa, cây cói cao từ 1,5 đến 2,5m. Do vậy, phải chế vòi phun dài ra và nối thêm cần. Còn dùng vòi ngắn “tung hoành” giữa ruộng cói mà phun thì khó khăn lắm. Hôm qua, có người ở bên xã Nga Liên sang thuê tôi phun 3 sào cói nên sáng nay phải đi sớm cho xong”. 

Anh Nguyễn Văn Túc đang chế vòi phun dài ra để phun cho cói

Anh Túc lại kể về cái nghề khốn khổ của mình: "Ngày trước cói trồng lên chỉ biết thu hoạch, không phân bón, thuốc sâu, vậy mà vẫn xanh tốt. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, sâu bệnh từ lúa lây sang gây bệnh cho cói. Nào là bệnh rầy nâu, đục thân, vàng lá… tàn phá với tốc độ kinh hoàng. Và cũng từ đó, cái nghề phun thuốc sâu thuê hình thành, rồi trở thành một nghề "hot" đối với những nông dân nghèo như chúng tôi".

Bước chân đến ruộng, anh Túc mở trong túi bóng ra với đủ loại gói xanh, gói đỏ được chủ giao cho trước đó. Gói nào cũng vào loại cực độc như: Pandan 4G, Vicarp 4H, Diazan 10H... nhưng anh dùng tay trần bóc từng gói thuốc cho vào bình, thuốc sâu loại bột, loại nước dính khắp hai bàn tay. Tiếp đến, anh cầm một que đảo đi đảo lại để cho thuốc hoà tan với nước. Với tấm thân đen sạm, gầy guộc chỉ mặc bộ áo quần đơn sơ, không mặc áo mưa, đeo khẩu trang… vậy mà, bình thuốc sâu nặng hơn 20kg đeo lên lưng. Một tay bơm, một tay khuơ vòi xuống ruộng, khói toả ra màu trắng xoá.

Anh Túc bảo: "Cũng may hôm nay gió nhẹ, không tôi lại được “tắm” và “rửa mặt” bằng thuốc. Bởi lẽ chỉ cần một cơn gió bao nhiêu thuốc đều bay thẳng vào người. Cói bữa nay sắp thu hoạch nên phải phun kỹ không thì sâu không chết hết được, chủ lại không trả tiền". Vòi thuốc đến đâu cây cói ướt đẫm từ ngọn xuống gốc, không khác gì sau mưa. Mùi thuốc sâu bốc lên rờn rợn nhưng anh Túc vẫn miệt mài với nghề. Trong một giờ, 3 bình thuốc lần lượt được anh “cõng” đi trên thửa ruộng hơn một sào.

Anh Túc tay trần bóc những gói thuốc vào bình

Theo lời anh Túc, đến nay anh đã có 4 năm thâm niên phun thuốc sâu thuê, tiền công được tính theo bình. Trước đây, đi phun thì tiền công 10.000 đồng mỗi bình nhưng nay giá cả cái gì cũng đắt đỏ nên tiền công được tăng thêm 5.000 đồng. Gặp thời tiết thuận lợi, mỗi ngày phun được 15 đến 20 bình nhưng gặp trời nắng mưa thất thường thì phun được ít hẳn.

Từng ấy năm hành nghề, anh Túc trở thành “đầu mối” của người dân các xã lận cận. Do đó, vào mùa sâu bệnh anh hái ra tiền. “Những người làm nghề này chẳng thích thú gì nhưng cuộc sống nghèo khổ đành bám vào kiếm sống mà thôi. Có dễ dàng lấy được đồng tiền của thiên hạ đâu”, anh Túc nói.

Rời cánh đồng cói xã Nga Liên, chúng tôi về xã Nga Thành thì trên những cánh đồng lúa có đến hàng chục người phụ nữ mang bình phun thuốc sâu. Khi đến hỏi thì được biết họ là những người đi phun thuốc sâu thuê. Tưởng rằng cái nghề độc hại này chỉ có đàn ông mới gánh vác nhưng thực tế không ít “bóng hồng” dấn thân vào. 

Chị Trần Thị Lan mang bình phun ra đồng bắt đầu một ngày “cõng” thuốc độc mưu sinh

Đeo trên mình hơn 20 lít thuốc đã pha, chị Trần Thị Lan xóm 6 xã Nga Thành bộc bạch: "Trước đây, nghề phun thuốc sâu chỉ có đàn ông nhưng nay không ít phụ nữ nghèo đi phun thuốc thuê. Âu cũng là vì miếng cơm manh áo lo cho tổ ấm gia đình. Ai tránh được thì tránh nhưng chúng tôi phải xông vào”.

Thân hình gầy guộc, lội giữa đám ruộng chị Lan mang trên vai bình thuốc. Một tay bơm, tay cầm vòi xịt thuốc hết đám ruộng này sang đám ruộng khác. Chị giãi bày: "Nhà có bốn đứa con đang ăn học, bố nó thì vào miền Nam làm thuê. Cả gia đình bám lấy 3 sào ruộng, miếng ăn cũng khó nói gì tiền cho con học. Tôi biết rằng, làm việc này tuy độc, không ai dám làm nên mới thuê. Công được tính 10.000 đồng mỗi bình, nếu có sức khoẻ mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn rồi”.

"Không làm mới đến lượt con"

Ở vùng quê nghèo khó như huyện Nga Sơn mỗi ngày kiếm được trăm nghìn cũng là khá lắm rồi. Một tuần mang bình đi phun, chị Lan kiếm được hơn 1 triệu đồng. Số tiền này lo đủ khoản đóng nạp cho bốn đứa con ăn học. Tuy nhiên với nghề này hiểm hoạ ập đến lúc nào không hay và đã có không ít người đã "tử nghiệp".

Cách đây 2 năm, ông Nguyễn Văn N (xóm 1 xã Nga Liên) trong một lần đi phun thuốc sâu thuê bị ngộ độc dẫn đến tử vong. Theo lời kể của người dân nơi đây, hôm đó trời nắng nóng, ông N phun xong hai sào cói, vừa mới về nhà đặt lưng nằm nghỉ thì người lên cơn co giật, khó thở. Thấy vậy, người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng các bác sĩ cũng bất lực, bởi ông hít phải một lượng thuốc sâu quá lớn, cơ thể bị thuốc sâu “ngấm” vào kèm với sức khoẻ yếu nên dẫn đến tử vong. 

Những năm gần đây vựa cói lớn nhất cả nước sâu bệnh hoành hành do đó nghề phun thuốc sâu thành nghề “hot” ở Nga Sơn

Ông Phạm Văn Giáp, một hộ dân trồng cói, cho biết: Khi cói bị bệnh thì chúng tôi lấy thuốc trừ sâu cho lúa để chữa trị bởi bệnh của cói chưa có thuốc đặc trị. Trong những bệnh cói thì sâu đục thân là khó chữa nhất. Mới đây có một số người lên trên Tây Nguyên mang về một loại thuốc bột trị sâu đục thân cho cây cà phê dùng thử và diệt rất tốt nên bà con mua rất nhiều về để sử dụng.

Từng có thâm niên 6 năm “cõng” bình thuốc đi phun bỏ túi vài trăm nghìn mỗi ngày nhưng nay đau ốm triền miên chẳng làm được công việc gì. Nhắc đến thời “hoàng kim” đó, bà Nguyễn Thị Thái (xóm 9 xã Nga Liên) chưa hết rùng mình. Bà Thái kể: “Vào vụ đông xuân năm 2007, trong một lần đi phun thuốc sâu thuê cho người trong xã, tôi đang mang cả bình thuốc trên vai, không may bị trượt chân ngã xuống ruộng, cả bình thuốc đổ vào người. Sau đó về nhà tắm rửa thật kỹ, tắm đi tắm lại mấy lần thế mà một thời gian ngắn sau cũng phát bệnh. Khắp cơ thể thường xuyên xuất hiện mẩn ngứa, uống đủ loại thuốc cũng không bớt”.

Bệnh tật hành hạ, bà Thái vay mượn được ít tiền lên Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn khám thì các bác sĩ cho biết, nếu không thay máu, bệnh chẳng lành mà còn nặng thêm. Nghe vậy, bà đành trốn bệnh viện ra về, bởi hoàn cảnh nghèo khó, bữa ăn chưa no lấy đâu ra số tiền hàng trăm triệu để thay máu.

Gặp bà Phạm Thị Hồng ở xã Nga Thái có người con trai là anh Trần Văn Hùng phun thuốc sâu thuê mấy năm nay, bà than thở: “Nhiều hôm con đi phun thuốc sâu về nằm lăn ra bỏ cơm do cả ngày hít phải thuốc sâu. Thương con, tôi khuyên nó nghỉ kiếm nghề khác làm nhưng nó nói: Nghề này độc hại họ không làm nên mới đến lượt con".

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất