| Hotline: 0983.970.780

Nghề của người nghèo

Thứ Hai 09/04/2012 , 10:08 (GMT+7)

Người ta không còn nhớ ai đã mang nghề này đến đây, chỉ khi thuỷ điện Thác Bà tích nước thì nghề đan rọ tôm cũng đến với họ.

Nghề đan rọ tôm của bà con các dân tộc ở phía đông hồ Thác Bà (Yên Bái) đã có từ mấy chục năm nay. Người ta không còn nhớ ai đã mang nghề này đến đây, chỉ khi thuỷ điện Thác Bà tích nước thì nghề đan rọ tôm cũng đến với họ.

Mới đầu chỉ một vài hộ ở xã Phúc An sau truyền cho một số hộ ở các xã Yên Thành, Xuân Lai, Mỹ Gia… Đến nay hồ Thác Bà đã trở thành nơi chuyên SX rọ tôm nổi tiếng.

Ông Hoàng Tương Lai, người 22 năm đảm nhiệm chức bí thư xã Xuân Lai vừa mới nghỉ hưu năm ngoái, ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu: Chịu! Không nhớ ai đã mang về Xuân Lai cái nghề đan rọ tôm. Cũng ngót hai chục năm rồi, nhờ cái nghề đan rọ tôm mà người dân mới có thêm đồng ra đồng vào. Xã có 635 hộ, nhưng có đến 553 hộ đan rọ. Tiền học của các cháu, tiền điện, tiền muối mắm…trăm thứ đều trông vào những cái rọ tôm đó. 

Gia đình bà Tô với nghề đan rọ tôm

Xuân Lai cũng giống như các xã quanh hồ Thác Bà, trước đây nằm ven bờ sông Chảy được vén lên trên "cốt" 62, những cánh đồng bát ngát vĩnh viễn chìm xuống lòng hồ. Nằm giữa lưng chừng núi, ruộng mở ra nhưng không đủ nước, bao nhiêu năm người dân các xã quanh hồ thiếu đói triền miên, đồi núi bị phát trọc để gieo lúa, trồng ngô…

Mặc dù nằm sát bên hồ Thác Bà, nhưng cũng chỉ ít người ra đánh bắt cá tôm, phần vì người dân miền núi chưa quen sông nước, phần vì không có đủ tiền mua dụng cụ đánh bắt, cuộc sống của đa số người dân ở đây vẫn bám vào đồng ruộng. Hai chục năm nay nhờ cấy lúa lai năng suất cao nên người dân tạm đủ ăn, họ thôi làm nương chuyển sang trồng cây nguyên liệu giấy, cuộc sống khá hơn một chút nhưng còn chật vật lắm.

Ở một xã thuần nông lại chẳng có nhiều ruộng, nghề đan rọ tôm đã giúp cho nhiều hộ bớt khó khăn hơn. Mới đầu bà con học nghề đan rọ tôm từ người dân xã Phúc An, họ đan để đánh bắt tôm trên hồ, sau thì bán. Đan rọ tôm không khó, người nào cũng có thể làm được. Đàn ông thì chẻ nan, phụ nữ thì đan, người khéo tay thì đan hom, người mới tập thì đan thân…Chẳng phải là công việc nặng nhọc, nên trẻ em bảy tám tuổi cũng đan được rọ tôm. Đi làm đồng về trong lúc chờ cơm, người ta cũng tranh thủ đan, buổi tối mọi người ngồi trước màn hình ti vi vừa đan vừa xem phim.  

Trẻ em cũng đan rọ tôm khi đi học về

Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng dân tộc Nùng ở thôn Yên Phú có 4 người thì tất cả nhà đều biết đan rọ tôm. Anh Hùng cho biết, mỗi tuần gia đình anh đan được 70- 80 rọ, anh chuyên vót nan đan hom còn vợ con anh đan thân. Giá mỗi rọ mấy năm trước chỉ 1.200- 1.500 đ/rọ, mùa mưa giá cao hơn nhưng cũng chỉ được 2.000 đ/rọ, bây giờ giá nhỉnh hơn 3.500- 4.000 đ/rọ. Nhờ nghề đan rọ tôm nên vợ chồng anh mua sắm đủ sách vở, quần áo cho mấy đứa trẻ đi học. Anh bảo: Làm nghề này không giàu được đâu, nhưng có việc và thu nhập thường xuyên, đủ mua rau muối thôi anh ạ…

Tháng tư ấm áp, những cơn mưa đầu mùa đã đến cũng là mùa đánh bắt tôm nên rọ tôm bán khá chạy. Gia đình chị Triệu Thị Oanh, thôn Cây Tre có 6 người, mỗi tuần đan chừng 80- 100 rọ, đến phiên thì gánh ra chợ bán, nhiều khi khách đến tận nhà mua. Gia đình bà Hoàng Thị Tô nhà đông người nên mỗi tuần đan được 200- 250 rọ. Bà Tô đã già, việc đồng không làm được, chỉ ở nhà trông mấy đứa cháu nhỏ và đan rọ. Chất lượng rọ tôm nhà bà Tô tốt nên chẳng mấy khi bà phải gánh ra chợ, thợ đánh tôm hoặc dân buôn bán rọ tôm đến tận nhà đặt hàng, khi nào đan được 4.000- 5.000 rọ thì điện cho họ về lấy. Bà nghe nói rọ tôm ở đây người ta mang lên tận hồ Na Hang của Tuyên Quang hay chở về tận hồ Hoà Bình rồi cả lên Sơn La nữa…

Chợ Xuân Lai với cả núi rọ tôm

Nghề đan rọ tôm của bà con các dân tộc vùng ven hồ Thác Bà tuy chưa thể làm giàu, nhưng đã giúp họ có cuộc sổng ổn định hơn. Người ta gọi cái nghề đan rọ tôm là nghề của người nghèo.

Chợ Xuân Lai trở thành chợ trung tâm mua bán rọ tôm duy nhất phía đông hồ Thác Bà. Mỗi tuần hai phiên họp vào thứ tư và thứ bảy, chưa ai thống kê nhưng mỗi phiên bà con mang ra bán chừng 40.000- 60.000 chiếc rọ tôm. Người đan rọ tôm ở các xã giáp ranh: Cảm Nhân, Mỹ Gia, Yên Thành đều mang về chợ Xuân Lai bán. Rọ tôm bày bán dọc đường vào chợ, với đủ sắc màu quần áo dân tộc: Tày, Nùng, Dao…nhiều thương lái gom mấy trăm ngàn chiếc chất cao như núi để mang bán khắp nơi.

Bắt đầu mùa mưa, xe các nơi đổ dồn về chợ Xuân Lai mua rọ tôm. Anh Nguyễn Xuân Lâm, người chuyên mua bán rọ tôm xã Yên Thành chẳng giấu giếm: Mỗi tuần tôi mua khoảng 2- 3 vạn rọ, bán cho các thương lái chở về bán cho các thợ đánh tôm trên Hoà Bình hay bên Tuyên Quang họ cũng sang đây lấy hàng...

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.