| Hotline: 0983.970.780

Nghề làm dép cao su, dây chun

Thứ Ba 19/11/2013 , 10:21 (GMT+7)

Làm dây chun, dép lốp đã trở thành nghề nuôi sống người dân thôn Trạch Khang và Trạch Khê (xã Quảng Trạch, Quảng Xương, Thanh Hóa).

Dọc con đường dẫn vào thôn Trạch Khang và Trạch Khê (xã Quảng Trạch, Quảng Xương, Thanh Hóa), lốp ô tô chất thành từng đống hai bên đường. Đó là hàng phế thải được thu mua về tái chế thành dép cao su, dây chun. Làm dây chun, dép lốp đã trở thành nghề nuôi sống người dân nơi đây.

Đưa nghề về làng

Nghề tái chế lốp xe phế thải thành dép cao su, dây chun bắt đầu ở Quảng Trạch khoảng 10 năm trước, nhưng 3 - 4 năm trở lại đây mới phát triển rầm rộ. Trước đây, nhiều người trong làng đi đồng nát, học được cách tái chế lốp cao su phế thải thành dây chun, dép lốp đem về làm thử. Đến nay trên địa bàn hai thôn đã có 60 hộ gắn bó với nghề này.

Nguyên liệu để làm ra sản phẩm dây chun, dép cao su là những lốp ô tô phế thải được nhập từ Trung Quốc hoặc từ nguồn hàng thanh lí của các công ty. Vì là đồ phế liệu nên nguồn hàng không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thời điểm các công ty thanh lí lốp xe phế thải. Thường nguồn nguyên liệu dồi dào vào cuối năm nhưng lại khan hiếm dịp đầu năm.

Những lốp ô tô sau khi mua về phải trải qua các công đoạn bổ lốp, cắt thành sợi, mài nhẵn, ép chín, thâu dây (đối với dép), quấn thành cuộn (đối với dây) mới ra sản phẩm hoàn chỉnh. Trong đó chỉ có khâu cắt sợi và ép chín là sử dụng máy, còn lại đều làm thủ công nên không tốn nhiều tiền mua máy móc, trang thiết bị.


Anh Ngô Tiến Hoàng, một trong những người tiên phong đưa nghề về làng

Mỗi chiếc lốp ô tô chỉ tách lấy hai bên má để tái chế thành dép cao su và dây chun, phần thân lốp được tận dụng làm hàng phế liệu. Chị Nguyễn Thị Phấn, một hộ làm nghề cho biết: “Đặc điểm của nghề này là có thể tận dụng triệt để nguyên liệu. Hai bên má lốp được xẻ ra làm dép, dây chun. Phần thân lốp và những mẩu dây vụn không vứt đi mà nhập cho cơ sở thu mua phế liệu với giá 2.700 đ/kg.”

Thông thường, nguyên liệu mua vào khoảng 3.000 - 4.000 đ/kg. Sau khi chế biến, sản phẩm bán ra với giá 35.000 đ/kg dây chun, 50.000 đ/đôi dép cao su, thậm chí với những đôi dép gia công công phu hơn có thể bán với mức giá 150.000 - 200.000 đ/đôi.

Sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu của các địa phương trong tỉnh mà còn theo chân thợ buôn đi khắp các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến TT - Huế. Người dân địa phương cho hay, mặc dù không có một đầu ra nhất định nhưng nguồn hàng tiêu thụ rất nhanh, hiếm khi bị tồn đọng.

Thay da đổi thịt” nhờ lốp xe hỏng

Với đặc điểm vốn ít, không yêu cầu kĩ thuật cao, đầu ra thuận lợi, đem lại thu nhập ổn định nên nghề làm dép lốp, dây chun ngày càng thu hút nhiều hộ tham gia.

Anh Ngô Tiến Hoàng, một trong những người đi đầu đưa nghề về làng tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ba tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi. Anh Hoàng cho biết: “Trước đây tôi cũng đã làm qua nhiều nghề từ buôn chiếu, buôn dây, cá giống…nhưng thu nhập bấp bênh. Từ khi chuyển qua làm dép lốp, dây chun mới ăn nên làm ra như bây giờ.

Trừ chi phí mua máy móc, nguyên liệu và thuê nhân công, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 200 - 300 triệu đồng. Mặc dù làm ăn nhỏ lẻ nhưng từ khi làm nghề tới giờ chưa biết ế hàng là gì”.

Sự phát triển của nghề này đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động, và cung cấp nguồn hàng ổn định cho các hộ buôn dây chun, dép cao su tại địa phương. Anh Sơn, một công nhân chuyên làm công đoạn "bổ" lốp cho hay: “Một ngày tôi bổ được khoảng 12 - 15 chiếc lốp, tiền công thu được trung bình 300.000 - 400.000 đ. Với mức thu nhập này ở quê là sống ổn rồi”.

Nghề SX dép cao su và dây chun đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở nơi đây. Nhìn những ngôi nhà tầng khang trang nằm trên những con đường bê tông sạch sẽ có thể thấy diện mạo nông thôn đang thay đổi từng ngày.

Khuyến khích phát triển nghề

Đa số các hộ đều SX tại nhà nên ít nhiều gây ô nhiễm tại khu dân cư và gây cản trở giao thông đi lại. Để khắc phục tình trạng này, UBND xã Quảng Trạch đã quy hoạch 6 ha đất nông nghiệp, đổ mặt bằng, đường giao thông, kéo đường điện... thành khu làng nghề tập trung, tách rời khu dân cư và vận động người dân di chuyển cơ sở SX ra làng nghề.

Ông Ngô Tiến Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Trạch cho biết: “ Những hộ dân xây dựng cơ sở SX tại khu làng nghề tập trung sẽ được thuê mặt bằng trong vòng 29 năm, trong đó 3 năm đầu không thu thuế, những năm còn lại cho thuê với mức thuế đất nông nghiệp. Ngoài ra, mỗi hộ làm nghề được vay 20 triệu đồng với lãi suất 0,6%”.

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hơn chục hộ di chuyển cơ sở SX ra khu làng nghề tập trung. Theo ông Tuấn, sở dĩ các hộ dân chưa ra hết làng nghề vì nguồn vốn còn eo hẹp, chưa đủ điều kiện để xây dựng cơ sở và mua sắm máy móc.

“Muốn tập trung phát triển làng nghề không những cần sự nỗ lực từ phía người dân mà phải có sự quan tâm hơn nữa từ chính quyền địa phương. Với khoản vay 20 triệu thì các hộ SX không đủ để trang trải với nghề. Vì vậy, các cấp, ban ngành cần có sự hỗ trợ lớn hơn về vốn để nhân dân xây dựng lán trại, mua sắm máy móc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng”, ông Tuấn cho biết.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm