| Hotline: 0983.970.780

Nghề mây giang xiên

Thứ Hai 21/07/2014 , 10:10 (GMT+7)

Mặc dù mới du nhập nhưng nghề mây giang xiên đã phát triển rầm rộ ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân…

Nghề phụ thu nhập chính

Có mặt tại HTX Minh Thọ đúng lúc các mẹ, các chị đang phơi vật liệu chuẩn bị đan cơi trầu xuất khẩu. Chị Nguyễn Thị Hằng, Chủ nhiệm HTX cho biết, nghề mây giang xiên có thể làm bán thời gian, không kể thời tiết nắng mưa, hơn nữa đầu vào, đầu ra ổn định nên rất phù hợp với chị em phụ nữ. “Hàng chục hộ khoán ruộng hoặc thuê người làm ruộng để ở nhà đan cơi trầu”, chị Hằng nhấn mạnh.

HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động. Số lao động mới tốt nghiệp xong, bình quân mỗi ngày đan được 1 bộ cơi trầu, bán với giá 44.000 đ/bộ, sau khi trừ chi phí vật liệu còn lãi 27.000 đ/bộ x 30 ngày = 810.000 đ/tháng. Còn những người đã đan thành thạo, ít nhất mỗi ngày đan được 3 bộ, bình quân thu nhập đạt từ 2,4 - 2,6 triệu đ/tháng.

“Toàn bộ nguyên vật liệu và sản phẩm làm ra được Cty Ngọc Sơn (Hà Nội) cam kết cung ứng, bao tiêu nên có thể khẳng định đan cơi trầu xuất khẩu đang là nghề phụ “hot” ở Minh Thọ”, chị Hằng khẳng định.

Còn chị Nguyễn Thị Lai ở thôn 3, xã Minh Thọ cho biết, chị và rất nhiều phụ nữ khác trong thôn đang tập trung học nghề đan cơi trầu để tận dụng thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập.

“Từ trước đến nay ngoài thời gian SX 8 sào ruộng tôi không có công việc gì để làm thêm, nhưng nay có nghề đan cơi trầu mỗi tháng cũng kiếm được 700.00 - 800.000 đ. Cái hay của nghề mây giang xiên nói chung, đan cơi trầu nói riêng là không phải đầu tư nhiều, ít rủi ro và tận dụng được hết thời gian nông nhàn.

09-23-27_1
HTX Minh Thọ phơi vật liệu

Khi xem ti vi hay ngồi uống nước cũng có thể đan; ngày đan, đêm đan... thậm chí già trẻ, gái trai cũng đều đan được. Thu nhập tuy không cao lắm nhưng nếu so với làm ruộng cũng cao hơn, khỏe hơn được phần nào", chị Lai chia sẻ.

Tiếp tục nhân rộng

Toàn huyện Nông Cống có hơn 3.000 lao động tham gia SX các nghề mới du nhập như mây giang xiên; đan đèn lồng; đan chậu hoa; cói mỹ nghệ; may xuất khẩu… 6 tháng đầu năm 2014 các ngành nghề trên duy trì, phát triển ổn định với tổng thu nhập đạt 56,6 tỷ đồng.

Báo cáo UBND huyện Nông Cống cho biết, hiện có gần 800 lao động đang duy trì nghề mây giang xiên như một nghề chính. HTX Minh Thọ sẽ tiếp tục khai giảng thêm 2 lớp (80 người) nhằm mở rộng đối tượng tham gia nghề này.

Ông Lê Ngọc Thắng, Phó trưởng Phòng Công thương huyện nhấn mạnh: “Có thể khẳng định nghề mây giang xiên là nghề mới, thu hút được nhiều lao động tham gia nhất. Trên cơ sở thành công bước đầu này, huyện đã ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX và người dân nhân rộng nghề, phấn đấu mỗi xã có ít nhất một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cho người lao động”.

Một trong số những chính sách mang “luồng sinh khí mới” cho làng nghề phải kể đến là Quyết định 495/2014/QĐ-UBND của UBND huyện Nông Cống. Theo đó, các tổ chức, cá nhân hoạt động SX, kinh doanh trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp (TTCN) mà đào tạo, truyền nghề cho 30 lao động trở lên, sau khi đào tạo hoặc truyền nghề đảm bảo lao động có việc làm ổn định từ 6 tháng trở lên, có mức thu nhập bình quân 600.000 đ/tháng được hỗ trợ một lần 100.000 đ/lao động;

09-23-27_3
Sản phẩm cơi trầu xuất khẩu

Người tham gia học nghề mới du nhập đạt theo yêu cầu, duy trì SX ổn định từ 6 tháng trở lên, thu nhập tối thiểu trong 6 tháng đầu là 600.000 đ/tháng thì được hỗ trợ một lần 400.000 đ/người;

Đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp đăng ký thương hiệu sản phẩm nghề TTCN do người dân trực tiếp SX được hỗ trợ tối đa 100 triệu đ/sản phẩm...

Ngoài ra, các xã, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội có công cùng doanh nghiệp, cá nhân truyền nghề, duy trì lao động làm nghề tối thiểu 200 người có việc làm ổn định sẽ được thưởng 10 triệu đ/đơn vị.

“Việc ban hành chính sách trên khẳng định sự quan tâm của huyện đối với các ngành nghề TTCN mới, tiến bộ, phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sắp tới chúng tôi sẽ căn cứ nhu cầu học nghề của từng địa phương để làm cầu nối cho doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động, đảm bảo người dân học xong phải giữ nghề và có thu nhập ổn định từ nghề được học”, ông Lê Ngọc Thắng nói thêm.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.