| Hotline: 0983.970.780

Nghề mới mùa cưới hỏi

Thứ Hai 11/01/2010 , 12:27 (GMT+7)

“Phú quý sinh lễ nghĩa”, đời sống của người dân Thủ đô càng ngày càng được nâng cao, thì hình thức, nhất là hình thức trong cưới hỏi, ngày càng được coi trọng.

Ảnh minh họa

“Phú quý sinh lễ nghĩa”, đời sống của người dân Thủ đô càng ngày càng được nâng cao, thì hình thức, nhất là hình thức trong cưới hỏi, ngày càng được coi trọng.

Chỉ mấy năm trước thôi, để tổ chức một lễ ăn hỏi, nhà trai có thể thuê một chiếc ô tô chở cả người lẫn lễ. Lễ cho luôn vào ô tô. Đến nhà gái mới bê xuống, bất cứ ai bưng vào cũng được. Có đám chỉ thuê một chiếc xích lô chở lễ còn đoàn ăn hỏi nhất loạt xe máy. Thì bây giờ, đoàn đi ăn hỏi của nhà trai có thể ngồi ô tô nhưng nhất thiết phải có một đoàn xích lô lọng, một chiếc chở chú rể và những chiếc còn lại mỗi chiếc chở một lễ nghễu nghện giữa phố. Đoàn xích lô lọng, ngoài chiếc chở chú rể, có thể là năm chiếc, bẩy chiếc hay chín chiếc tuỳ theo nhà gái đòi hỏi năm lễ (năm cái “quả” đựng lễ), bẩy lễ hay chín lễ.

Và mỗi lễ do một chàng trai chưa vợ ngồi trên bưng. Những chàng trai ấy, ngoài tiêu chuẩn là trai tân, còn có những tiêu chuẩn khác rất khắt khe. Thứ nhất là mặt mũi phải tươi tắn, dễ coi, càng đẹp trai càng tốt. Thứ hai là chiều cao phải tương đối đều nhau, chênh nhau chỉ một vài cen - ti - mét, không có cảnh “bó đũa cột cờ”. Và thứ ba là trong năm ấy không vướng đại tang (bố hay mẹ, ông nội hay bà nội mất). Những chàng trai đó phải ăn mặc giống nhau, hoặc com - lê cà - vạt, hoặc quần đen áo sơ mi trắng. Đó là về phía nhà trai. Nhà gái, để đối lại, cũng phải có năm, bẩy hay chín cô gái chưa chồng để đón lễ. Những cô gái cũng phải đạt những tiêu chuẩn như những tiêu chuẩn đối với những chàng trai mang lễ, còn ăn mặc thì nhất loạt áo dài.

Với những gia đình nhiều đời ở Hà Nội, con cháu đông đúc, thì việc lựa chọn năm, bẩy hay chín chàng trai bưng lễ diễu phố trong một đám ăn hỏi hoặc năm, bẩy, chín cô gái đón lễ không khó. Nhưng còn những cư dân mới, thì việc đó nan giải vô cùng. Và, như bất cứ một dịch vụ nào khác, có cầu là có cung, trên địa bàn Thủ đô lập tức xuất hiện những nhóm thanh niên chuyên đi “xin đám” trong những lễ ăn hỏi.

Phần lớn những nhóm đó là sinh viên các trường đại học, cao đẳng hay trung cấp nghề đóng trên địa bàn Hà Nội, do một sinh viên tháo vát, quảng giao tổ chức nên, người tổ chức được gọi là nhóm trưởng. Với mỗi nhóm trưởng, việc lựa chọn trong một lớp hay một trường mấy chàng trai hay mấy cô gái hội đủ các tiêu chuẩn như trên chẳng khó khăn gì. Có nhóm trưởng là nam chuyên đi “xin đám” nhà trai. Có những nhóm trưởng là nữ chuyên đi “xin đám” nhà gái, nhưng thường thì họ kết hợp với nhau. Nhóm trưởng nhóm nam xin được đám, nếu biết nhà gái có khó khăn trong việc chọn người đón lễ, họ sẽ huy động luôn nhóm nữ quen đến và ngược lại…

Sau khi xin được đám rồi, nhóm trưởng sẽ thoả thuận với nhà có đám về thời gian, địa điểm và tiền công. Chừng nửa tiếng trước giờ xuất phát, nhóm nam sẽ có mặt tại nhà trai để chuẩn bị. Phía nữ thường tỷ mỷ hơn, ngoài thời gian, địa điểm, họ còn phải hỏi xem cô dâu hôm đó mặc áo dài màu gì. Bởi năm, bẩy hay chín cô gái đón lễ sẽ phải mặc áo dài cùng màu nhưng nhất thiết không được trùng với màu áo dài của cô dâu, mục đích là để cô dâu nổi bật trong đám ăn hỏi, và phía nhà trai có những người (như họ hàng ở quê lên chẳng hạn) chưa biết mặt cô dâu, sẽ dễ dàng nhận ra. Tiền công cũng được thoả thuận kỹ lưỡng hơn: Các cô gái đón lễ tự thuê áo dài thì công bao nhiêu. Nhà gái thuê áo dài cho họ thì công bao nhiêu. Và họ thường đến nhà gái sớm hơn, chừng một tiếng trước khi nhà trai đến, để còn trang điểm, son phấn…

Nhà trai xuất phát, bao giờ đoàn xích lô chở chú rể cùng những chàng trai mang lễ cũng được bố trí đi trước. Đoàn ăn hỏi ngồi ô tô hay xe máy rì rì bám theo. Đến ngõ nhà gái, cả đoàn dừng lại để “sắp xếp lực lượng”. Phía bên trong, đoàn con gái đón lễ cũng chuẩn bị sẵn sàng. Bắt đầu tiến bước vào nhà gái, một vị đại diện nhà trai đi trước tiên, tiếp đến chú rể, rồi đến đoàn trai tân mang lễ, đoàn nhà trai đi sau cùng. Mỗi chàng thanh niên mang lễ bước vào là có một thanh nữ ra đỡ lễ từ tay chàng trai, rồi một bên trai, một bên gái, họ mang vào để thành hàng trước bàn thờ nhà gái…

Và trong khi cô dâu chú rể thắp hương trước bàn thờ tổ tiên nhà gái để trình lễ ăn hỏi, đại diện hai họ “kính thưa” với nhau và làm những thủ tục khác trong một lễ ăn hỏi, thì họ tản ra ngồi nhấm nháp kẹo hay cắn hạt dưa, hạt bí. Công việc của họ thế là xong. Về tiền công, mỗi chàng trai dẫn lễ thường được phía nhà trai trả một trăm ngàn đồng, ngoài ra còn được nhà gái phát quà cho, là một cái phong bì, nhà giầu thì năm chục ngàn, nhà nghèo vài ba chục ngàn. Đây là phần thu nhập thêm. Phía nhà gái, nếu áo dài do gia đình thuê thì mỗi cô gái đón lễ cũng được trả công thế, và nhà trai cũng có phong bì thêm cho họ. Nếu áo dài do họ tự thuê thì tiền công phải cao hơn. áo dài thuê theo giờ. Xong đám này, nếu áo dài của họ trùng màu với áo dài của cô dâu trong đám khác thì họ lại phải đến hiệu đổi áo khác.

Những đám hỏi ở Thủ đô thường được người ta tổ chức vào thứ Bảy hay Chủ nhật, nên với những chàng trai, cô gái là sinh viên, việc tham gia dẫn lễ hay đón lễ lại càng thuận lợi, vì chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện học hành. Nguyễn Văn Thành, sinh viên trường Đại học Xây dựng, trưởng một nhóm chuyên đi xin đám nhà trai, kể với tôi:

- Nhóm chúng cháu toàn là trai quê. Từ tháng 9 âm lịch đến giờ, chúng cháu làm không hết việc. Có ngày Chủ nhật phải “chạy xô” ba đám liền. Tính ra mỗi tháng, mỗi thành viên trong nhóm kiếm được hơn triệu. Từ giờ đến giáp Tết, công việc còn nhiều nữa. Tết về quê, chắc chắn cháu không phải ngửa tay xin bố mẹ rồi. Có bạn còn quyết tâm tiết kiệm để mua máy tính xách tay…

Hơn triệu bạc, đối với một chàng sinh viên từ quê lên Hà Nội học, quả là một món tiền có ý nghĩa. Và sự có mặt của họ khiến cho những đám ăn hỏi ở Thủ đô thêm phần thanh lịch.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.