| Hotline: 0983.970.780

Nghề “mua vườn, bán tráI”

Thứ Ba 18/01/2011 , 13:55 (GMT+7)

Đến chơi nhà mấy chủ vườn bưởi Diễn quen trong xã nơi tôi ngụ cư, gặp lúc cuộc mua bán vừa thành, theo chủ và người mua ra vườn đếm trái, tôi mới hiểu vì sao người mua chỉ mua nguyên vườn.

Khi những vườn cam, vườn bưởi…bắt đầu ưng ửng chín, tức là quãng cuối tháng một đầu tháng chạp âm lịch hàng năm, thì chủ của những vườn cây đó không ngày nào không có khách viếng thăm, có ngày năm sáu toán khách, ấm trà cứ hết vơi lại đầy. Khách đó là những người mua trái…

Mua trái, nhưng nếu chủ trả lời rằng đã hái hết trái xuống, để đầy góc nhà kia, thì họ bỏ đi ngay, không chịu nán để uống dù là một chén nước. Chỉ những vườn cây nào còn nguyên trái trong vườn thì họ mới thăm, mới mua. Những vườn cây thuộc loại trái nhỏ nhưng dày, không thể đếm được từng trái như táo, ổi trái vụ…thì họ ước lượng thành cân cho mỗi cây, tổng cộng cả vườn rồi bắt đầu thỏa thuận với chủ vườn giá mỗi cân bao nhiêu, thành tiền cả vườn là bao nhiêu. Những vườn cây trái to như bưởi, bòng, thanh yên hay phật thủ...thì đếm trái từng cây trong vườn. Mỗi cây lại phân ra bao nhiêu trái loại một, bao nhiêu trái loại hai, loại ba. Cứ thế đếm hết số cây, phân loại hết số trái từng cây trong vườn rồi thỏa thuận giá cả.

Đến chơi nhà mấy chủ vườn bưởi Diễn quen trong xã nơi tôi ngụ cư, gặp lúc cuộc mua bán vừa thành, theo chủ và người mua ra vườn đếm trái, tôi mới hiểu vì sao người mua chỉ mua nguyên vườn. Thì ra “nghệ thuật” của họ chính là ở chỗ đếm trái này. Người mua tay chỉ, miệng đếm, còn chủ vườn thì dõi theo tay họ. Người mua vừa đếm vừa chuyện trò rất “vui vẻ”, nhưng chủ vườn nào lơ mơ một tý là bị họ làm cho loạn trí lên ngay, chỉ còn nước gật gù theo cái miệng đếm, miệng nói dẻo như kẹo kéo của họ. Nhìn cách họ đếm trái trong vườn, tôi lại liên tưởng đến những anh bán cá giống cho các chủ ao. Đôi thúng sơn chứa đầy nước đựng cá giống, vừa gánh đi anh ta vừa rung tít cái đòn gánh khiến cho thúng cá giống nổi tăm, sủi bọt để tạo ra dưỡng khí cho cá thở, miệng rao. Gặp người mua, anh hạ gánh xuống bờ ao, mượn người mua cái bát con, dùng bát con xúc cá giống trong thúng ra, đếm và đổ xuống ao. Cái miệng đếm của anh ta đúng là “đếm ra tiền ra bạc”. Cứ luyến thắng vừa đếm vừa chuyện :

- Hai mươi hai mốt…Cá tôi tốt…Bốn mốt bốn hai…Năm ngoái bà mua của ai…Bẩy hai bẩy ba…

Cứ thế, một trăm cá nhưng thực tế số cá xuống ao chỉ sáu bẩy chục. Người mua có phát hiện ra, có phản đối, thì chỉ đến cãi nhau là cùng. Mà trong các cuộc cãi vã đó, phần thắng bao giờ cũng thuộc về người bán, vì cá đã đổ xuống ao, đã lặn mất tăm rồi, mò lên làm sao được nữa mà đối chứng. Những anh những chị mua trái trên cây đó, chỉ riêng khâu đếm trái này thôi, họ đã ăn không của chủ vườn cả trăm trái nếu là vườn nhỏ, và đến vài trăm trái nếu là vườn lớn, những trái bưởi “ăn không” đó, phần lớn là trái loại một…Với những vườn cây phải ước lượng trái thành cân, thì tuy có phải so đi kè lại, nhưng phần lợi, cuối cùng bao giờ cũng về người mua…

Về giá cả, một trái bưởi Diễn loại một chẳng hạn, mua tại vườn với giá hai mươi ngàn, loại hai loại ba thấp hơn, nhưng mang ra Hà Nội hay Hà Đông, Sơn Tây hay xa hơn nữa, thì trái loại một chắc chắn phải ba mươi đến ba mươi lăm ngàn. Loại hai loại ba, cũng phải chênh nhau từ tám đến chín ngàn mỗi trái. Như vậy, người bán thì thiệt đơn thiệt kép (nhiều chủ vườn biết rõ như vậy nhưng vì không có khả năng tự mang đi tiêu thụ nên đành chấp nhận bán tại vườn), còn với người mua thì lãi chồng lên lãi. Một vườn bưởi một ngàn trái chẳng hạn, nếu đếm “dôi ra” được hai trăm trái loại một, người mua đã bỏ túi bẩy triệu riêng khoản này rồi. Thêm mười triệu tiền lãi nữa, là gần hai chục triệu bạc, trong khi người bán chỉ được mươi hay mười ba mười bốn triệu. Nhiều anh mua vườn xong, mấy hôm sau lại thấy anh dắt một người khác đến bán lại. Mỗi thương vụ “mua vườn nước bọt” này, anh kiếm dăm sáu triệu tiền lãi, như anh Quân chẳng hạn. Mỗi tháng áp Tết, chỉ cần “buôn nước bọt” năm sáu vườn trái, anh bỏ túi ba bốn chục triệu, và ăn một cái Tết tưng bừng.

Nhiều vườn cam hai tuổi, cây mới chỉ cao thước rưỡi hai thước, mới bói quả cũng được người mua tìm đến, hỏi mua cả trái lẫn cây. Trừ tiền trái rồi, thân cây có giá mỗi cây từ hai trăm đến ba trăm ngàn đồng tùy theo xấu đẹp. Mua được rồi, người mua huy động thợ mang chậu đến, đánh cây vào chậu để đưa lên đại lộ Thăng Long hay ra Hà Nội, lên Sơn Tây…bán làm cam cảnh. Những cây cam trông rất bình thường trong vườn, qua tay người mua, bỗng trở nên những cây cam cảnh đẹp “long lanh” trong chậu, trông vô cùng hấp dẫn. Giá một cây cam mua cả trái lẫn cây trong vườn thường chỉ dăm trăm ngàn, nhưng khi biến được nó thành cam cảnh là có giá vài triệu ngay. Và nếu người mua “phù phép” cho những cây cam có số quả là 100 ( bằng cách mua lẻ một số quả ở vườn khác rồi ghép vào cây bằng một kỹ thuật cực tinh vi) hay số quả có tổng là số 9 như 27; 72; 54; 45; 90…thì giá còn cao hơn nhiều nữa.

“Buôn vườn, bán trái” quả là một nghề hấp dẫn, chả trách mỗi mùa áp Tết, nó thu hút hàng đoàn người đi lùng sục khắp làng quê.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm