| Hotline: 0983.970.780

Nghệ nhân như chuối chín cây

Thứ Tư 11/09/2013 , 09:59 (GMT+7)

Những nghệ nhân của làng xoan Kim Đức, người trẻ nhất cũng ngót bảy mươi, người già nhất đã ngoài tuổi trăm. Họ như những quả chuối chín trên cây, chỉ e những cơn gió thời gian cứ lạnh lùng thổi khiến cho dần rơi rụng…

Những nghệ nhân của làng xoan Kim Đức, người trẻ nhất cũng ngót bảy mươi, người già nhất đã ngoài tuổi trăm. Họ như những quả chuối chín trên cây, chỉ e những cơn gió thời gian cứ lạnh lùng thổi khiến cho dần rơi rụng…

Truyền thuyết Hùng Vương chép về sự tích hát xoan rằng: “Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sanh nở, đau bụng mãi mà không sanh được. Có một người hầu tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay nên đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sanh nở được… Quế Hoa vâng lời, miệng hát, tay múa, đi qua, đi lại trước giường. Giọng hát trong vắt, khi cao, khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng say mê. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa không thấy đau nữa, hạ sanh được ba người con trai khôi ngô đẹp đẽ. Vua Hùng vui mừng khôn xiết và hết lời khen ngợi Quế Hoa mới bảo nàng dạy múa hát cho các mỵ nương. Quế Hoa hát chầu vợ vua Hùng vào đầu mùa xuân nên các mỵ nương gọi lối hát ấy là hát xoan (xoan tức là đọc trại từ xuân)”.

Năm 2011, cả nước nức lòng khi hát xoan được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần phải bảo vệ khẩn cấp.

Xã Kim Đức (TP Việt Trì, Phú Thọ) là một trong những cái nôi hiếm hoi của hát xoan làng cổ. Cả xã có 25 nghệ nhân nhưng giờ chỉ còn 19 người, trẻ nhất cũng sinh năm 1945 còn già nhất như bà Lê Thị Đá sinh tận năm 1905. Riêng năm 2012, ba phường xoan ở Kim Đức thì hai phường đã mất cụ trùm.

Tôi đến nhà nghệ nhân già nhất, bà Đá. Sinh một mạch năm cô con gái, bà hiện đang ở với con gái thứ tư Nguyễn Thị Sửu, 63 tuổi, không chồng con gì. Đầu óc bà Đá giờ luễnh loãng, lúc nhớ lúc quên nên ai khơi ra đoạn đầu hoặc đưa quả cách (điệu hát) bà mới bắt. Cô Sửu đưa quả cách để cho mẹ mình hát: “Tay tiên rót chén rượu đào. Bỏ ra thời tiếc, uống vào thời say”.


Bà Lê Thị Đá

Bà Đá ngày ăn ba bữa, mỗi bữa một lượt xới, sức vẫn nấu cơm, quét nhà được. Năm trên 80 tuổi bà đi… lợp mái đình Trung, lúc trèo lên chẳng may ngã gãy tay, từ đấy bà không thể quỳnh rượu được nữa (xoay tay một vòng tròn để nâng chén rượu mời - PV). Bà bảo nhà chẳng có gì ngoài hai cái mồm. Cười móm mém một hồi rồi bà tiếp: “Nhà tôi toàn gái mà cây tôi trồng lại ra toàn đực. Trong vườn nào trám, nào nhãn, nào mít mà chẳng được thu quả bao giờ”.

Cô Sửu bị hen, đau ốm luôn luôn, cả nhà chỉ trông vào 1,5 sào ruộng cộng với 12 thước sắn trên đồi, được mùa một năm thì mất mùa ba năm bởi sâu bọ, ngập úng. Bữa ăn cơm bữa bà vẫn bổm bảm nhá sắn. Món mà người nghệ nhân này mê nhất là mì tôm. Bà cứ đút túi từng gói mì rồi thỉnh thoảng lại thò tay vào, lôi ra rỉ rách ăn sống những lúc thèm. Trong nhà ngoài bộ bàn ghế, cái ti vi cũ còn có cỗ áo quan như lệ quê thường thấy. Cặp áo quan là món quà của cô con gái út tặng, cách đây chừng chục năm chồng bà đã lấy đi phần của ông còn riêng phần mình bà vẫn còn để đấy. Cỗ áo quan bằng gỗ trám giờ đã mọt rỗng rễnh hết cả, gõ tay vào cứ vang lên những tiếng “b…ung b…ung”, chắc lúc bà cần lại phải mua cái mới. Cô Sửu bảo mấy năm trước vẫn có mấy giáo viên ở Việt Trì đến đón đi dạy hát nhưng giờ đầu óc bà bắt đầu lẫn, sức khỏe xuống nhiều chẳng còn thấy ai lui tới nữa.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, trùm phường xoan Thét, năm nay đã ngót nghét 80 tuổi bảo rằng cả phường giờ chỉ có ông và bà Nguyễn Thị Sủng là còn hát được: “Có nghệ nhân dăm bảy năm, thậm chí cả chục năm không hát, có lần tôi mời đến họ không nhớ mấy và không hát được nữa. Các bà ấy sống cũng khá khổ, như bà Điệp, bà Bảy, bà Thược, bà Nhân nhà nghèo lắm”.


Bà Thược sống trong ngôi nhà vách đất

Thời xưa, cả tháng Giêng phường xoan biểu diễn hết mạn Lập Thạch, Tam Nông rồi lại sang cả Bắc Ninh tham gia hội đình, hội chùa. Giờ nếu tính cả dịp Tết, hội đền Hùng và cả tiệc đình của làng xã, tổng cộng phường Thét chỉ được hát cỡ sáu bảy ngày. Phường có ba người kép, thỉnh thoảng ông trùm nói đi giao lưu họ cũng con cón theo nhưng khi về thì thú thực rằng: “Bận sau, ít nhất một buổi cát - sê cũng được 100.000đ, tức bằng nửa công thợ nề chúng cháu mới đi ông nhá!”.

Lớp trẻ Kim Đức giờ vẫn còn nhiều người say xoan lắm nhưng ngặt nỗi kế sinh nhai cứ cuốn họ đi. Năm 2010 trên cho mỗi phường xoan ở đây 15 triệu mở lớp học trong vòng một tháng. Ông Bảo, bà Sủng nhiệt tình chèo chống níu giữ cả phường xoan. Lắm buổi đi dạy gặp dông, họ phải xé bao đựng phân hóa học mà trùm lên người, đội cả trời mưa mà đi truyền nhiệt huyết.

Mười hai học viên ngày ấy của phường xoan Thét giờ người đi công nhân, đi học, kẻ lấy chồng, sinh con, tịnh không còn ai theo nghiệp hát xướng. Không còn mấy thế hệ kế cận là nỗi lo chung của cả phường bởi lớp trung nữ học từ năm 1985 nhiều người nay đã cháu nội, ngoại đuề huề, lớp trẻ hơn được học thì đã đi tứ xứ. Ban chấp hành phường mới bàn với cụ trùm mở một lớp cho các đối tượng ngoài 30 tuổi đã có chồng con, sinh sống ở ngay tại địa phương để khỏi thất truyền nhưng ngặt nỗi tổ chức lớp học, ít cũng phải có kinh phí để được bữa ăn cho học trò, để được 100.000đ mỗi buổi cho thầy. Kinh phí ít ỏi ấy cũng chưa thể tìm ra.

Bà Nguyễn Thị Sủng đi hát từ năm 15 tuổi, nay đã trên 90, răng rụng không còn một chiếc. Trên chiếc giường ọp ẹp vá víu bằng mấy thanh tre, ông Bảo ngồi vỗ trống, đệm hát để bà Sủng hát điệu đóng đám cho tôi nghe. Tiếng ông vẫn còn chắc khỏe nhưng giọng của bà đã phều phào, rệu rã lắm rồi. Một nghệ nhân hát xoan khác, bà Nguyễn Thị Thược năm nay cũng đã 90 tuổi. Trong ngôi nhà vách đất loang lổ những vệt lở lói cũ, mới bà sống bằng tiền trợ cấp tuổi già mỗi tháng 180.000 đồng và những bơ gạo con cháu chu cấp. Từ hồi mổ hai cái bướu ở cổ, bà mất tiếng mãi mới tập nói lại được. Cái cổ họng già nua của bà giờ chỉ còn phát ra những tiếng khào khào: “Rủ nhau lên núi hái chè. Hái dăm ba, hái dăm ba mớ xuống khe ta ngồi”.


Ông Bảo đệm trống cho bà Sủng hát

Bà hát, thẳm sâu trong đôi mắt mờ đục vẫn còn da diết nhớ mười bốn quả cách, nhớ thủa tươi xanh của những tháng ngày xưa cũ. Khi đó bà và các đào kép hát từ lúc gà vào chuồng, dân nổi trống chầu đến gà ra chuồng dân vẫn thì thùng đánh trống, mê đến nỗi không nỡ dong thuyền về.

Tôi đến nhà một nghệ nhân khác, bà Phan Thị Kiếm năm nay đã 99 tuổi. Bà hát đãi khách phương xa bằng điệu bồ bộ trong một buổi chiều nhạt nhòa mưa giăng. Tiếng hát lanh lảnh cất lên từ sự minh mẫn đáng ngạc nhiên của người nghệ nhân chỉ còn một năm nữa là tròn trăm tuổi. Sự anh minh như một ngọn nến cháy rực trước lúc tàn khiến tôi lạnh sống lưng, chỉ biết cầm chặt lấy tay bà mà chúc rằng: “Mọ ơi (mọ nghĩa là bà, từ cổ ở vùng Phú Thọ), cố giữ sức khỏe để lần sau cháu về, mọ lại hát cho nghe, mọ nhé!”.

Mỗi nghệ nhân hát xoan chỉ được hưởng một lần 5 triệu đồng cấp kèm bằng công nhận, ngoài ra chưa có một chế độ đãi ngộ gì khác.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.