| Hotline: 0983.970.780

Nghề nuôi "tử thần"

Thứ Sáu 07/10/2011 , 09:18 (GMT+7)

Hôm qua, vợ ông Luyện cho rắn ăn bị đớp một phát vào chân. Sáng nay, anh Hoàng bắt rắn bán bị cắn đưa vào bệnh viện tháo một lóng tay. Đó là những chuyện thường gặp ở xã Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ), nơi có nghề nuôi rắn hơn 15 năm nay.

Hôm qua, vợ ông Luyện cho rắn ăn bị đớp một phát vào chân. Sáng nay, anh Hoàng bắt rắn bán bị cắn đưa vào bệnh viện tháo một lóng tay. Đó là những chuyện thường gặp ở xã Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ), nơi có nghề nuôi rắn hơn 15 năm nay.

Đổi đời nhờ rắn

Đi hơn 20km từ TP Việt Trì thì tới Tứ Xã. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, người dân ngồi chơi cả ngày. Người dân bảo: “Nhờ nuôi rắn mà có như thế đấy. Bởi nghề nuôi rắn hết ít thời gian nhưng cho thu nhập cao”. Lời giải thích của người dân Tứ Xã đúng thật, bởi một con rắn mỗi tuần cho ăn hai bữa. Ăn xong quấn trong hang ổ, sau 3 năm "trả ơn" cho chủ vài triệu đồng. Có được làng rắn như hôm nay, người dân Tứ Xã không quên ơn ông Sử ở khu 12, bởi ông là người đưa nghề này về làng.

Theo chỉ dẫn, tôi tìm về nhà ông khi mặt trời vừa lên. Ông Sử đang cho “bầy tử thần” ăn, còn vợ dọn dẹp chuồng trại. Với khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ, vợ chồng ông đã hoàn thành công việc. Gặp tôi, ông Sử liền bảo: "Anh xem, nghề này tương đối nhàn, không như các nghề khác mở mắt ra đã vật lộn với công việc".

Ông Sử đang cho “bầy tử thần” ăn

Vào năm 1994, ông Sử đưa về một số rắn giống hổ mang, xây chuồng cho rắn ở. Khi nghe tin, mọi người truyền tai nhau: “Ông Sử mang rắn độc về nhà nuôi không khác nào nuôi chó dại”. Trước đây, ông Sử làm đủ nghề, từ buôn cá giống chuyển qua buôn trâu, bò rồi đá qua chăn nuôi vịt, ba ba… Tiền đâu chẳng thấy suốt ngày chủ nợ đến tìm, bốn đứa con đi học đòi tiền đóng học phí phải vay mượn khắp nơi.

Một ngày năm 1994, ông tình cờ về thăm người bạn buôn cá giống ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Trước đây, gia đình bạn của ông Sử cũng nghèo rớt mồng tơi nhưng nhờ có nghề nuôi rắn mà đã phất lên và được xếp vào tốp giàu có nhất nhì trong xã. Tất cả là nhờ rắn hổ mà có. Nghe vậy, ông Sử về bàn với vợ xây dựng mô hình nuôi rắn, rồi xuống Vĩnh Sơn theo hầu bạn để học nghề. Kỹ thuật, kinh nghiệm được bạn truyền lại, khóa học “tốc hành” hoàn thành.

Vì rắn mà không ít người dân Tứ Xã người mất mạng, kẻ mất ngón tay chân

Ông Sử mang theo ít rắn giống lên đường về Tứ Xã bắt tay xây dựng 20 chuồng nuôi. Kết quả, sau một năm ông thu 50 triệu đồng. Thấy hiệu quả, ông vay ngân hàng đầu tư xây 500 chuồng rắn. Ông Sử kể: “Ngày đó, tôi mang rắn về nuôi mọi người trong làng bảo là điên khùng. Nuôi gì không nuôi mà đi nuôi rắn độc. Mặc cho thiên hạ nói nhưng mỗi đợt tôi bán rắn tiền thu về hàng trăm triệu, mọi người mới trố mắt nhìn. Rồi họ kéo đến học hỏi, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Với mô hình này mà vùng chiêm trũng nghèo khó Tứ Xã ngày nào, bây giờ thuộc vào dạng giàu có huyện Lâm Thao”.

Anh Chữ Văn Quang “biểu diễn” với con rắn hổ mang phì nặng 3kg

Sinh nghề tử nghiệp

Trong những ngày ở xã Tứ Xã, tôi nghe không ít câu chuyện người dân làm giàu từ rắn hổ. Trong đó, ấn tượng nhất là cao thủ “mãng xà” Bùi Xuân Lập, ở khu 12. Gần 15 năm nuôi rắn, ông được xếp vào tốp giàu nhất xã. Nghe vậy, tôi tìm gặp ông mong được thỉnh giáo. Đến nhà, thấy vắng hoe, tôi gõ cửa. Trong căn nhà 3 tầng lộng lẫy, một người đàn ông với cánh tay phải sưng phù, thịt thâm đen. Ông Lập nói: “Cao thủ gì đâu chú, vừa bị một con rắn hổ đớp vào cổ tay, may cứu chữa kịp thời không thì mất mạng rồi”.

Từng ấy năm gắn bó với rắn hổ, ông Lập không nhớ đã bị bao nhiêu lần rắn cắn. Ông đưa cánh tay với nhưng vết sẹo dày đặc. “Chú xem đó thì biết, cứ mỗi lần rắn đớp là một vết sẹo để lại. Kiếm tiền từ nuôi rắn thì dễ nhưng đối diện với cái chết lúc nào không hay”. Tôi hỏi: “Nguy hiểm vậy sao không chuyển qua nghề khác mà làm?”. Ông đáp: “Sinh nghề thì tử nghiệp thôi. Ở xã này có người chết vì rắn, người mất một phần cơ thể vì rắn nhưng muốn thoát nghèo, có của ăn, của để thì phải chấp nhận thôi”.

Hiện người dân Tứ Xã sản xuất được rắn giống nên lãi suất nuôi rắn đem lại rất cao

Gắn bó với “tử thần”, ông Sử đã bị 6 lần hổ mang cắn phải nhưng may mắn thoát chết. Tuy nhiên, bàn tay 5 ngón của ông nay không được đầy đủ, mỗi bàn tay mất đi một ngón. “Nuôi rắn hổ tức là đối diện với “tử thần”, nó cướp mạng mình không biết lúc nào không hay nhưng vì miếng cơm, bát gạo buộc phải dấn thân vào. Mỗi lần rắn cắn đau lắm, nọc độc vào đến đâu cơ thể đau nhức, người co giật, đứng ngồi không yên”, ông Sử tâm sự.

Đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng người dân Tứ Xã chưa hết bình tâm khi anh Nguyễn Văn T bị một con rắn hổ cướp đi mạng sống. Hôm đó, anh T đi lên Tuyên Quang lùng mua rắn giống về nuôi nhưng khi bắt không may bị cắn vào tay. Ở rừng núi xa xôi đưa ra được bệnh viện huyện, anh T đã tử vong. “Cái chết như anh T không hiếm ở Tứ Xã, bởi có nhiều người bị rắn cắn nay sống mà cũng khác nào chết. Chân tay tê liệt suốt ngày ngồi một chỗ”, một người dân cho hay. 

Theo nghiệp cha, hiện 4 người con trai của ông Sử nuôi hàng trăm con rắn hổ nhưng không có một người nào chưa bị rắn cắn. Người con thứ 3 của ông Sử tên là Hoàng đã bị 5 lần rắn cắn và mất đi một ngón tay. “Đến với nghề nuôi rắn thì xác định là sẽ bị cắn, chết hay sống là do số mạng từng người. Một khi bị cắn thì an ủi mình là do xui xẻo thôi”, Hoàng nói về nghề.

Ông Nguyễn Quang Trúc, Hội trưởng Hội Nuôi rắn Tứ Xã cho biết: "Hiện rắn giống trong làng đã tự sản xuất, cả xã gần 500 hộ nuôi. Nhà nhiều nhất khoảng 1.000 con. Tứ Xã được tỉnh công nhận làng nghề và Chi cục Kiểm lâm cấp phép. Tất cả các hộ dân nuôi rắn phải đăng ký mới được cấp phép. Nghề rắn tốn ít thời gian nhưng cho thu nhập cao. Tuy nhiên, rủi ro cũng không ít, ở đây đã có nhiều hộ sạt nghiệp với con rắn hổ".

Hằng ngày đối diện “tử thần”, người dân Tứ Xã kiếm những cây thuốc, bài thuốc chữa chữa rắn cắn, do đó họ yên tâm để gắn bó với nghề. “Bây giờ người Tứ Xã rắn có cắn cũng không chết nữa, bởi mọi người đã có cây thuốc trồng tại nhà. Một khi bị rắn cắn hái lá cây giã lấy nước uống thì kéo dài mạng sống, do đó có thời gian đưa đi bệnh viện hoặc thầy lang cứu chữa”.

Tuy nhiên, ông Sử cũng lo lắng, nọc độc của rắn khi đã vào xương thịt thì hoại tử rất nhanh. Cứu được mạng sống nhưng cơ thể dễ mất đi một phần hoặc tê liệt suốt đời. “Cơ hội thoát lưỡi hái tử thần khi bị cắn thì dùng dao xẻ thịt nơi bị cắn và nặn cho máu ra hết, rồi dùng miệng hút máu nhổ ra. Lúc nào máu không còn vị đắng nữa thì nọc độc đã giảm”, ông Sử chia sẻ.

Tôi hỏi: “Thế ở đây có nhiều người mất ngón không?”. Ông liền nói: “Ở Tứ Xã mất một vài ngón tay là chuyện thường. Riêng ở khu 12 này cũng đã có đến hơn 10 người rồi”. Trước đây, Tứ Xã nuôi rắn tự phát nên bán ra rất khó khăn nhưng từ năm 2007, người dân lập ra hội nuôi rắn hổ nên buôn bán thuận lợi. Số rắn Tứ Xã chủ yếu bán sang Trung Quốc, với giá hiện từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng/kg.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Bình luận mới nhất