| Hotline: 0983.970.780

Nghề vớt tiền trôi

Thứ Năm 25/10/2012 , 10:39 (GMT+7)

Mươi năm trở lại đây, kể từ khi thị trường Trung Quốc ăn mạnh sứa, thứ “bọt biển” này mới lên ngôi và lắm ngư dân đổi đời từ đấy.

Ở xã Thanh Lân (Cô Tô, Quảng Ninh) có hai anh em Mai Công Đàm và Mai Công Điệp là người giàu nhất đảo bởi có xưởng chế biến sứa, mỗi năm thu lãi vài ba tỉ. Ngay khi xã đảo còn là vệt xanh xa mờ, tôi đã thấy từ khơi hai cái biệt thự hoành tráng của họ in dấu.

>> Đi bẫy lộc biển
>> Công dân số một trên đảo
>> Thẳm xa đảo Trần

Gió sứa

Xã có 173 thuyền, mủng đi vớt sứa và chừng 30 xưởng chế biến. Chỉ tính riêng nghề này năm ngoái đã đem lại cho Thanh Lân doanh thu vài chục tỉ. Sứa sặc sỡ đủ màu, xanh, đỏ, trắng, nâu. Sứa lắm kích thước, con như cái lồng bàn, con như chiếc nón, chiếc mũ. Sứa được đem đi chế biến là loại sứa trắng và sứa đỏ.

Trước đây, mỗi vụ, mỗi con nước sứa nổi lềnh bềnh trên mặt biển, sứa trôi khắp các bãi ngắn, bãi dài, ngư dân thấy sứa bu đầy chỉ còn nước nổ máy, dong thuyền mà… chạy kẻo rách lưới. Mươi năm trở lại đây, kể từ khi thị trường Trung Quốc ăn mạnh sứa, thứ “bọt biển” này mới lên ngôi và lắm ngư dân đổi đời từ đấy.


Sứa trước đây là đồ bỏ đi, nay bỗng thành vàng

Tháng 2 đến tháng 4 âm là sứa mùa - vụ thu hoạch chính, những tháng cuối năm nếu có nổi gọi là vụ sứa chiêm. Sứa mùa năm nay thất thu, lúc tôi đến vụ sứa chiêm mới chỉ bắt đầu được mươi ngày mà đã có những dấu hiệu bội lộc. Gió bắc thổi hây hẩy. Thứ gió mà dân trên đảo vẫn quen mồm gọi là gió sứa. Cả đảo thức trắng trong những ngày này. Họ lấy đêm làm ngày. Trai tráng cứ bốn năm giờ chiều cơm nước xong xuôi là dong thuyền, dong mảng ra biển. Mỗi thuyền có hai đến ba người. Người cầm lái và người cầm vợt.

Vớt sứa là công việc cực nhọc chỉ hợp với cánh con trai. Một con sứa trọng lượng 30-50 kg là chuyện thường, dưới sức cản của nước, trọng lượng của nó càng tăng thêm gấp bội. Người vớt phải đứng choãi chân, trụ thật vững trên boong thuyền như xuống tấn rồi ra tay thật dứt khoát để nhấc bổng cả con sứa khổng lồ đổ ụp vào khoang.

Một chuyến vớt sứa thâu đêm suốt sáng, trung bình mỗi thuyền nhặt được 200-300 con, chưa kể có những buổi gặp may, quay lại vớt lượt hai bởi khoang thuyền về đã không còn chỗ mà đặt vừa bàn chân. Tính ra mỗi tối, một ngư phủ Thanh Lân bằng tay trần đã vớt từ biển cả lên dăm bảy đến cả chục tấn sứa.

Sứa về được đổ ngay cho các xưởng chế biến ở sát bờ để đưa vào bể muối. Sứa chiêm năm nay được bán theo hai hình thức, nếu đếm mỗi con giá 10.000đ, nếu tính lồ (một loại lồng nhựa dùng để đựng hải sản) thì 80.000đ/lồ.


Sứa - món ăn khoái khẩu

Lúc sứa vào xưởng, đám trai tráng lục tục về nhà nghỉ, còn lại là thế giới của phụ nữ. Họ làm công việc cắt sứa. Tiền công mỗi buổi chừng 300-400.000đ tùy theo năng suất cho những công việc khá nhàn hạ là cắt đầu, cắt chân sứa. Tất tật được cho vào máy quay để nhớt văng đi hết rồi đổ thêm muối, giấm cho con sứa sạch hơn, cứng hơn, trắng hơn, không còn mùi tanh rồi bọc trong túi nylon, đóng thùng gỗ.

Mỗi thùng 12 kg có giá khoảng 800-900.000 đồng đối với sứa trắng, nếu là sứa đỏ giá đụng vào sẽ có cảm giác bỏng tay như khi đi bơi vô tình đụng phải chúng vậy.

Lộc nước, lộc giời

Trời vừa rạng, công việc cắt sứa ở xưởng xong, cánh phụ nữ lại nhao ra bến để rạch sò. Sò Thanh Lân mỗi con to như bàn tay trẻ, được đánh bắt tự nhiên bằng nghề lặn chở kìn kìn về từng thuyền, từng mảng, khẳm đầy đến nỗi tưởng mỗi đợt sóng cũng liếm được lên khoang. Thứ sò ngoại cỡ này có giá rất rẻ chỉ 3-4.000 đồng/kg và không được dùng như cách dân trên đất liền vẫn thường sử dụng.

Từng lưỡi dao thoăn thoắt được đưa vào miệng sò, nạy, cạy ra mỗi cái cơ tròn tròn to bằng đầu ngón tay cái dùng để đóng mở miệng còn lại bỏ toàn bộ phần thân sò đem cho… lợn ăn hoặc đổ bỏ. Cái cơ sò này được đóng thành thùng, thành gói gọi là “dọc mai” đổ cho các nhà hàng đặc sản ở thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn) cũng như khắp tỉnh Quảng Ninh và các vùng phụ cận với giá 200.000đ/kg. Một buổi làm dọc mai nhẹ nhàng cũng được 2-300.000đ.

Mùa này ở Thanh Lân còn có loài nhuyễn thể khác rất sẵn là con kéo. Kéo rất giống con sò lông nhưng ruột đầy hơn và có “chân” cứng cứng để bám vào cồn bãi. Chúng tôi đi dạo trên bãi biển buổi sớm, ơi ới người gọi cho từng rá, từng thau kéo về luộc ăn chơi.

Khệ nệ bưng thau kéo từ chiếc mảng của vợ chồng anh Dũng - Na ở thôn 2 về nhắm rượu, đậm đà, sừn sựt, vị ngon khiến sò huyết cũng phải nể đôi phần. Làm sò xong, về nhà ăn uống, ngủ bù nếu còn sức chiều đến đám phụ nữ lại rủ nhau ra bãi đào sá sùng - thứ đặc sản trông giống hệt con giun khoang, to nần nẫn, khi khô có giá lên tới 3-4 triệu đồng/kg.


Chế biến sứa

Các hải sản khác như ghẹ mùa này ở Thanh Lân chỉ 40-50.000đ/kg dân trên đảo ăn phát ngán, tu hài chỉ 60-70.000đ/kg đến bữa nhìn đĩa tú hụ chẳng buồn động tay. Bà mẹ biển còn ưu đãi con người nơi đây lắm lắm!

Các mùa đánh bắt bội thu hút con người ta đến nỗi ở Thanh Lân ai cũng râm ran câu chuyện một phụ nữ ở giữa đảo Dê, theo thuyền vớt sứa liên tục 13 ngày quên cả tắm. Tôi được nghe kể về loài cá có tên là nhu mì, thuộc họ cá nhà táng. Nhu mì to như một cái thuyền lớn, đen thùi lũi điểm xuyết những chấm trắng xám trứng cuốc. Nhu mì có răng lược, dài cả chục mét, nặng vài tấn nhưng lại rất đỗi lành hiền đến mức thấy đèn cao áp của ngư dân đánh mực cũng nổi ngửa bụng lên vì say ánh sáng.

Tôi được nghe kể về phong tục đẹp của dân Thanh Lân, bất kỳ ai gặp xác chết trôi kéo vào bờ chôn sẽ gặp phúc. Năm 2010, một tàu cá Hải Phòng lúc đánh mực vớt được một xác phụ nữ chết trôi mang vào cảng xã nhà. Nào ngờ đâu cái xác chết đã trương phềnh, thối rữa ấy được bà con trên đảo nằng nặc… tranh nhau xin chôn. Anh Nguyễn Văn Quảng ở thôn 1 đã an táng người đàn bà xấu số nọ ở đảo Dê; mọi vàng bạc, tư trang đều được lưu lại cẩn thận chờ bàn giao về quê hương, bản quán.

Tối ấy, thuyền câu của anh Đinh Chính Huynh ở Thủy Nguyên, Hải Phòng đánh cá quanh đảo thấy nhu mì nổi lên vì say đèn liền tròng dây thừng quanh thân để kéo. Con cá khổng lồ lẽo đẽo bơi bên thuyền, ngoan như người ta dắt một con chó nhỏ. Dân Thanh Lân bảo với anh Huynh rằng cá ấy là cá cứu người, không được ăn, phải thả. Khi con cá lớn vừa khuất dạng thì trong lưới bỗng có tiếng quẫy ầm ầm. Chẳng hiểu lộc nước, lộc giời thế nào mấy buổi đánh cá, thuyền anh Huynh đều khẳm, thu lãi trên 100 triệu

Thanh Lân tự nhiên lắm cái lạ mà con người cũng nhiều sự kỳ. Tôi được nghe kể về chuyện tình có một không hai, chuyện tình vượt qua hai đảo. Chuyện tình cảm động đó gắn với anh bộ đội Hoàng Văn Các.

Anh Các quê lúa Thái Bình, đóng quân ở Cô Tô, còn cô gái anh yêu thì ở tận đảo Thanh Lân, cách xa biền biệt. Hồi ấy còn chưa có tuyến đò Thanh Lân - Cô Tô, phương tiện qua lại rất khó. Một buổi chiều đông, trời lạnh, mù sương, Các ngồi bên bờ biển mà lòng cồn cào nỗi nhớ. Nỗi nhớ dâng trào như sóng. Nỗi nhớ thúc giục tâm can. Lẳng lặng đội quần áo lên đầu, anh bơi cả buổi chiều vượt 6km sang gặp người mình mong nhớ. Kỷ lục ấy đến giờ ở Cô Tô vẫn chưa có người dám phá.

Nguyễn Thị Huế, tên cô gái ở Thanh Lân, vì cảm tấm lòng chân thật của chàng trai mà quyết định thành hôn. Xuất ngũ, Hoàng Văn Các không về quê mà ở lại trên đảo, dựng nhà, cấy lúa, cùng dựng xây một tổ ấm giữa đảo xa.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.