| Hotline: 0983.970.780

Nghèo rớt mùng tơi vẫn bị gạt ra khỏi danh sách, chuyện không mới

Thứ Năm 25/05/2017 , 14:30 (GMT+7)

Không sổ tiết kiệm, vẫn ở trong căn nhà ngói cũ kỹ, vẫn còn nợ nần 20 triệu đồng vì mua xe máy nhưng thôn đã vội xếp gia đình anh chị vào hộ trung bình.

Đã mấy chục năm rồi tôi mới được gặp lại một bữa cơm tối trải chiếu ngay giữa sân ở nhà ông Triệu Ngọc Tuyên ở thôn Ngói, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, Hưng Yên. Cái sân ngập bóng mát, gió tự nhiên phe phẩy thổi, mọi người nhẩn nha vừa nói chuyện vừa gắp cho nhau thức ăn. Trên đầu trăng thượng huyền tròn vành vạnh tỏa sáng, nhuốm màu vàng ngà ngọc trên những nếp nhà ngói nghèo nàn giăng khắp xóm. Bát cơm chan đầy ánh trăng và tình người khiến cuộc vui kéo dài đến tận mấy tiếng.
 

Ngủ ít là thiểu số

Nếu Ân Thi là một huyện nghèo nhất nhì của Hưng Yên thì Đặng Lễ lại là một trong những xã khó khăn nhất… Tôi cùng chị Trần Thị Thắm - phó thôn Cổ Lễ vung vẩy chiếc dùi cui cao su dạo một vòng tuần tra quanh xóm. Mới hơn 9h mà nhà nhà đã tắt đèn, đường làng, ngõ xóm chìm sâu vào trong bóng tối. Đêm êm mượt như nhung, đen bóng như than, thỉnh thoảng lập lòe vài con đom đóm.

Người dân ở đây tuy nghèo nhưng sống rất nghĩa tình. Nhà nào có nồi khoai lang mới luộc, mẻ ngô nếp mới bẻ đều í ới mời nhau. Việc trọng của một gia đình cũng là việc chung của cả xóm. Họ tự động phân công nhau người làm cỗ, người mời nước, người tiếp khách, răm rắp đều như duyệt binh.

Thôn có trên 300 nóc nhà, 90% dân số làm nông nghiệp đồng nghĩa với khoảng 280 nóc là ngủ đủ mỗi tối 7 - 8 tiếng (Ảnh minh họa)

Cũng hiếm ở đâu như đây, nơi người nông dân còn có thể ngủ đủ mỗi tối 7 - 8 tiếng, ngủ trưa 1 - 2 tiếng. Chị Thắm thống kê, thôn có trên 300 nóc nhà, 90% dân số làm nông nghiệp đồng nghĩa với khoảng 280 nóc là ngủ đủ mỗi tối 7 - 8 tiếng. Chỉ chừng 10% dân số đi làm cửu vạn, đi làm công nhân, đi chạy chợ là ngủ mỗi tối chỉ 5 - 6 tiếng.

Bởi chiếm thiểu số trong làng nên tôi quyết định tìm vào những nhà thiếu ngủ trước. Gia đình đầu tiên là cặp vợ chồng Vương Văn Lượng - Nguyễn Thị Hơn, cả hai có nghề bốc vác ở chợ Long Biên, Hà Nội. Giờ giấc của họ như sau: 5h chiều đã ăn cơm tối để đón 1 trong 4 chuyến xe ô tô chở cửu vạn từ hai xã Cẩm Ninh - Đặng Lễ lên Hà Nội.

Lắm bữa vì bấn việc, chưa kịp ăn xong đã nghe tiếng còi xe thúc giục từ đầu ngõ liền lùa vội. Miếng cơm chưa trôi khỏi cổ, nghẹn ứ bên trong vì mải mốt vừa nuốt vừa chạy theo xe. Quá 7 giờ thì xe đến chợ, họ vội đến một căn nhà trọ giá rẻ gần đó để thay quần áo rồi nằm chờ đợi 9 - 10 h mới đến ca làm. Anh Lượng bảo: “Giấc ngủ trên phố cứ bập bà bập bõm, ọp à ọp ẹp vì ồn ào, náo động quá, không như ở quê. Chúng tôi nằm chủ yếu cho đỡ đau lưng thôi”.

Quen chủ hàng nào thì họ bốc hàng cho chủ hàng đó theo một thỏa thuận miệng chung thân luôn cả năm. Chồng kéo, vợ đẩy xe, từ thâu đêm đến tận 3 - 4h sáng mới chịu ngơi nghỉ. Hàng hóa chủ yếu là hoa quả. Loại của Việt Nam còn đỡ, lắm loại của Tầu như quýt, cam, lê, táo nhiều lúc vẫn còn hăng nồng mùi thuốc bảo quản, đứng gần chỉ muốn hắt hơi vẫn cứ phải cố mà bê.

Cả hàng ngàn người kìn kìn đùn đẩy gây ra tắc đường. Xe nọ đọ vào xe kia, sắt thép va chạm vào da thịt người, chảy máu, dập ngón chân, ngón tay cũng là chuyện thường ngày ở chợ. Tai nạn không sợ bằng sơ ý làm đổ xe khiến hoa quả dập nát hay hớ hênh để nghiện ngập ăn trộm mất một vài thùng là coi như hôm đó đi làm không công, là lỗ từ mồ hôi, nước mắt đến cả giấc ngủ.

Họ về làng khi 5h30 sáng. Trong lúc anh tắm rửa thì chị nhảo vào bếp, nấu vội nấu vàng bữa cơm sáng cho con kịp giờ đi học. Họ chỉ được ngủ bù vào cuối buổi sáng và đầu buổi chiều. Mỗi tối mất ngủ như thế, trừ tiền xe cộ, nhà trọ, anh chị có thể kiếm được 150.000 - 250.000 đồng.

19-18-15_dsc_8039
Bữa ăn ở quê giờ cũng phải gấp rút

Cùng đồng cảnh bốc vác trong làng là cặp vợ chồng Nguyễn Văn Thìn - Nguyễn Thị Hoa. Họ kể lại cái thời nông nhàn không xa xăm mấy: Trước đây, chúng tôi tối 9h đi ngủ, sáng 5h dậy, trưa nào cũng ngủ 1 - 2h, ăn mỗi bữa kéo dài nửa tiếng nhưng giờ cả ngày chỉ ngủ được 5 - 6 tiếng, mỗi bữa ăn phải vo gọn trong 15 phút cho kịp giờ làm. Ăn ít khi còn thấy ngon, ngủ ít khi còn được sâu. Chẳng có thời gian đi chơi đã đành mà việc dạy cho con học cũng không có nốt.

Làng có 13 người đi cửu vạn như vậy cùng với 5 người lấy hàng ngoài về ngồi chợ Chảy bán như phó thôn Thắm là thiếu ngủ, còn lại toàn ngủ đủ, ngủ sâu, ngủ kỹ. Số ngủ đủ này phần đa kinh tế kém hơn.
 

Điệp khúc ra khỏi hộ nghèo

Cặp vợ chồng Nguyễn Thị Hòa - Vương Văn Cơ tuy mới ngoài 40 mà đã nhuốm phong thái của những người lên lão. Họ có hai người con gái đều đã gả chồng nên giờ chị Hòa chỉ ở nhà để trông cháu: 10h tối đi ngủ, 5h chị dậy cơm nước cho chồng đi xây. Trưa ăn xong bà cháu ôm nhau ngủ đúng 2h mới chịu dậy.

1 mẫu ruộng cấy chỉ đủ ăn nên kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào công thợ xây của chồng. Với trung bình mỗi tháng có việc 20 ngày, anh kiếm được 3 - 4 triệu đồng. Không sổ tiết kiệm, vẫn ở trong căn nhà ngói cũ kỹ, vẫn còn nợ nần 20 triệu đồng vì mua xe máy nhưng thôn đã vội xếp gia đình anh chị vào hộ trung bình.

Cũng cùng cảnh đi xây với anh Cơ là Vương Văn Trọng. Công thợ thuyền chỉ vừa đủ “vắt mũi bỏ mồm” cho cái gia đình có tới 3 người con này nên vừa rồi sửa lại nhà anh phải vay mất 100 triệu. Và thật khó hiểu khi nhà cửa tạm bợ, vay nợ dầm dề, nghề ngỗng bấp bênh nhưng anh vẫn được xếp vào hộ có kinh tế trung bình.

Càng kỳ lạ hơn là bố mẹ anh, ông Vương Văn Bần và bà Nguyễn Thị Xiêm. Ông nghèo đúng như cái tên, chỉ có mỗi cái xác nhà cũ kỹ, đã thế 3 năm gần đây 2 lần phải lên bàn mổ, lúc thì ruột thừa, lúc lại thoát vị. Dù có bảo hiểm y tế nhờ vào tiêu chuẩn cựu chiến binh nhưng ông vẫn phải mất 12 triệu đồng tiền bồi dưỡng lẫn thuốc thang.

Đó là số tiền to đối với những người nhà quê. 70 tuổi đầu ông vẫn phải đi làm, thôi thì ai thuê gì làm nấy, từ phá dỡ nhà đến phu hồ xách vữa. Nhưng thời buổi thanh niên sức dài vai rộng còn đang thất nghiệp dề dề, ai cần mượn đến một ông già tật bệnh?

Bởi thế mà họa hoằn đội nào bất chợt thiếu người mới vời ông vào trám chỗ. Tháng đi làm được 5 - 7 lần nên thu nhập chỉ trên dưới 1 triệu. Mới đây ông bà vay mượn đâu được 30 triệu để mua 2 con bê về nuôi với mục đích dưỡng già, phòng bệnh. Ai ngờ mua xong, giá rơi thảm hại, hơn nửa năm nuôi tốn bao công sức giờ bán đi không thu nổi vốn ban đầu. Trong giấc ngủ đứt đoạn của cặp vợ chồng đã gần đất xa trời luôn ám ảnh bởi số tiền vay mua cặp bê và băn khoăn tại sao mình nghèo rớt mùng tơi mà vẫn bị gạt ra khỏi danh sách?

19-18-15_dsc_8086
Gia cảnh nghèo khó của bà Xiêm mà vẫn không trong danh sách hộ nghèo

Đem chuyện đó hỏi phó thôn Thắm, chị bảo: Trong thôn còn nhiều hộ nghèo như nhà ông Bần nhưng không thể đưa vào danh sách được vì năm nào trên cũng giao chỉ tiêu phải phấn đấu xóa nghèo. Mỗi lần bỏ phiếu là mỗi lần thôn xóm ồn ào như mổ bò vì nhiều nhà khó khăn quá. Chỉ gia đình nào có người ung thư, quả phụ, tai nạn hay tàn tật may ra mới được xem xét.

Sau mỗi đợt bình bầu hộ nghèo, cả tháng sau trưởng, phó thôn còn “ăn chửi no”. Sau mỗi đợt bình bầu hộ nghèo, lãnh đạo xã nhiều lúc không dám về nhà sớm vì sợ dân kéo đến kiến nghị. Đó thực sự là những đêm nhức đầu, mất ngủ.

Rời khỏi Đặng Lễ, tôi chợt ngước lên những tấm pano treo dọc đường: “Người nghèo hãy tích cực, chủ động học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập để vươn lên thoát nghèo”, “Người nghèo cần cảm thấy tự hào khi mình đã vượt qua đói nghèo”.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất