| Hotline: 0983.970.780

Nghèo thì khổ và nhục, đúng không cô?

Thứ Tư 21/09/2016 , 06:53 (GMT+7)

Khi khởi động chuyện nhờ y học can thiệp, ba má chồng nói lần này cho tiền chúng cháu. Nhưng lần đó không thành. Năm sau nữa chúng cháu đi làm và tự túc. Cũng không thành cô ơi. Người đau đớn là cháu...

Cô kính mến!

Cháu lấy chồng đã 8 năm. Ban đầu muộn con, cháu nghĩ tại chồng, bởi nhà anh có di truyền hiếm muộn. Ông nội của anh chỉ có mình ba anh và một cô nữa thôi, thời đó vậy là quá ít con, đúng không cô? Đến ba của anh thì cũng chỉ có anh là một chị gái trên anh, hết.

Nhưng khi đi khám ở Sài Gòn thì người ta nói tại cháu, trứng của cháu không già nên không thể thụ thai dù cháu kinh nguyệt bình thường. Khi đó mẹ chồng cháu suy sụp hẳn. Cháu thương bà vì bà gửi gắm ở cháu nhiều quá, cháu sẽ sanh cho bà ba đứa cháu chứ không là hai đâu.

Công việc của chồng cháu thu nhập không cao, cháu cũng là công chức quèn lương chỉ đủ đổ xăng, ăn sáng, mua sắm gì đó cho mình. Mẹ chồng cháu có nhà cho thuê, cùng với lương hưu của cả ba chồng cháu nữa, cũng phong lưu chút chút thôi cô. Ba má cháu là nông dân mà thời nay, cô biết rồi đó, làm nhiều lỗ nhiều, nuôi con gì cũng bấp bênh, ruộng thì đủ gạo ăn thôi, dưới cháu còn hai em trai nữa.

Khi khởi động chuyện nhờ y học can thiệp, ba má chồng nói lần này cho tiền chúng cháu. Nhưng lần đó không thành. Năm sau nữa chúng cháu đi làm và tự túc. Cũng không thành cô ơi. Người đau đớn là cháu, đau cả thể chất lẫn tinh thần nhưng khắc khoải nhất là chồng cháu.

Năm nay chúng cháu lại lên kế hoạch cho năm sau. Nhưng mẹ chồng tuyên bố bà không mong nữa. Nghĩa là các cháu tự xoay xở đi. Ba má cháu thấy tội nghiệp quá, nói sẽ cho chúng cháu tiền làm. Chồng cháu đâu có để như vậy được cô, tội chết. Nếu thành công thì cháu phải bỏ việc, nằm một chỗ ít nhất cũng 7 tháng rồi nuôi con một đống tiền nữa. Nghèo thì khổ và nhục, đúng không cô?

------------------------

Cháu thương mến!

Việc hiếm muộn bây giờ lại có vẻ phổ biến, có lẽ do môi trường. Hoặc là thời buổi kết nối dễ dàng, nhiều người chia sẻ nhau thì ta thấy chuyện nó nhiều lên chăng?

Việc chữa chạy này tốn kém vô kể. Cũng tùy vào quan niệm của từng đôi, trên họ là gia tộc của họ. Có đôi thấy không hề gì, chúng ta sẽ tìm niềm vui ở lý tưởng từ thiện, hoặc là nuôi dạy em cháu của mình. Vả lại họ còn nghĩ, sinh ra một con người là để họ học hành, mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc, biết bao nhiêu việc phải phấn đấu cho cả cuộc đời để tồn tại.

Nhưng có những gia đình không có con nối dài là không xong. Nhiều gia tộc còn mặc nhiên cho con trai họ đi “cải thiện” ngoài luồng và khi đã có con, nhất là con trai nữa thì người vợ lép vế ngậm đắng nuốt cay hết đời. Cô biết một người trong họ nhà chồng, cậu này rất tử tế, có học, có địa vị, mót có con quá mà đành có con với một phụ nữ nông thôn, đưa ra ở cách nhà vợ chừng vài cây số. Ban ngày cậu ấy đi làm, ban đêm về nhà nghiêm chỉnh. Họ đẻ đến đứa con thứ hai thì vợ chính thức mới lờ mờ cảm thấy. Chuyện đã rồi, cậu ta có con trai nối dõi và con gái nữa. Cô vợ đành cam chịu, mãi chuyện mới yên, mẹ cả coi hai đứa như con và cô kia, vợ trong bóng tối.

Nếu chồng cháu quá khắc khoải thì các cháu nên cố gắng lần 3. Quá tam ba bận, đừng để hỏng nữa. Tiền bạc cũng là một phương án cần chú ý sao cho tâm lý cháu thoải mái. Thoải mái là cơ sở của thành công, nếu không vội thì thư thả để các cháu tích cóp đã. Việc gì phải để ba má mình cầm cố đất đai, chồng cháu nghĩ đúng, nhận tiền đó sao được? Đúng là mẹ lo cho con vô điều kiện nhưng nông dân cố đất thì quá cùng đường rồi.

Dĩ nhiên đứa con sẽ được sinh ra trong vô vàn cố gắng của mẹ cha. Cô nghe nói người phụ nữ phải nằm cố định rất lâu, sau đó, không được di chuyển, phải gần cơ sở y tế đến ít nhất 7 tháng và y tế sẽ can thiệp ngay nếu cổ tử cung bị mở… Cháu phải lường trước mọi thứ: tiền ban đầu, mẹ nghỉ việc, chỗ để nằm dài lâu và sinh con, nuôi con trong phập phồng lúc nào cũng sợ con mình sa sẩy.

Thôi, hạnh phúc là một hành trình, người cần tiền sẽ phấn đấu cho tiền, người cần bằng cấp sẽ xả thân cho học vấn, người cần con sẽ làm mọi việc để có đứa con cho mình. Nhưng phải bình tĩnh, lên kế hoạch, tiết kiệm và chính xác, nha.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất