| Hotline: 0983.970.780

Nghèo trên cánh đồng vàng

Thứ Tư 04/12/2013 , 09:42 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ là vựa lúa lớn nhất Việt Nam mà còn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, ban cho sự phong phú sản vật như trái cây, thủy sản… Ấy vậy mà, những chủ nhân vùng đất này vẫn mãi loay hoay với cái nghèo. Nguyên nhân ư? Nhiều lắm…

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ là vựa lúa lớn nhất Việt Nam mà còn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, ban cho sự phong phú sản vật như trái cây, thủy sản… Ấy vậy mà, những chủ nhân vùng đất này vẫn mãi loay hoay với cái nghèo. Nguyên nhân ư? Nhiều lắm…

Không có ruộng

Một thực trạng buồn là giữa những cánh đồng lúa bạt ngàn, cò bay thẳng cánh của ĐBSCL như vậy, nhưng rất nhiều nông dân không có mảnh ruộng để canh tác, cả đời lang bạt nay đây mai đó làm thuê. Con cái nối gót theo cha mẹ, học hành chẳng tới đâu…

LÀM THUÊ GIA TRUYỀN

Chúng tôi về vùng biên giới thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An khi những cánh đồng ven QL62 vẫn còn mênh mông nước. Vùng này chưa có đê ngăn lũ nên vẫn chỉ làm 2 vụ. Con kênh bên đường đầy tràn nước, lâu lâu lại có một chiếc ghe vun đầy lúa trong khoang ì ạch ngược dòng về hướng TP Tân An.

Bên cánh đồng rộng mênh mông của xã Tuyên Bình, thị xã Kiến Tường (Mộc Hóa), tôi thấy hàng chục nông dân đang lúi húi làm đất, lên luống trồng dưa hấu. Tôi dừng xe, lội xuống bờ ruộng, bắt chuyện với 3 người nông dân nón lá, nón vải lụp xụp trong cái nắng trưa gay gắt. Họ ngồi bệt trên bờ ruộng, đôi tay lấm lem bùn đất bưng chiếc cà mên (cặp lồng) đầy cơm, thức ăn là một miếng cá kho và một ít rau xanh nằm lẫn trong cơm.



Những nông dân đang làm thuê giữa đồng và nghỉ ăn trưa bên bờ ruộng

Trò chuyện với họ, tôi mới biết, tất cả những người đang cắm cúi trên mặt ruộng kia đều là người làm thuê chứ không phải chủ nhân của cánh đồng tít tắp này.

Vợ chồng anh Lắm, chị Trang, 42 tuổi, ở xã Tân Thành, Tân Thạnh, Long An, có 3 con, trong đó con gái 19 tuổi đã có gia đình, và đều đi làm thuê như cha mẹ. Hai đứa sau cũng chỉ còn 1 đang được đi học cấp 1. “Cả 2 vợ chồng đều đi làm, 2 đứa nhỏ ai trông?”, nghe tôi hỏi, chị Trang chợt trầm giọng, lo lắng: “Đứa con gái lớn 10 tuổi trông em chứ có ai đâu. Nhiều khi cũng lo lắm, quanh nhà toàn kênh rạch lại vắng vẻ…”.

“Lên luống làm dưa hấu được trả công thế nào?”, tôi hỏi. “Họ tính theo mét, cứ 3.300 đồng/m. Làm giỏi thì một ngày được khoảng 50 m. Mỗi đợt như vậy làm chừng 5 - 10 ngày, được 1 - 2 triệu đồng mang về và việc đầu tiên là phải mua gạo để sẵn”, anh Lắm đáp.

Anh Lắm cho biết, năm nào nhiều việc, làm giỏi thì 2 vợ chồng kiếm được chừng 3 chục triệu đồng. “Cũng hên xui anh ơi. Nhiều khi làm xong một chỗ, nhận tiền công xong về nhà ăn ở không cả tháng vì chẳng có chỗ nào thuê”, anh Lắm đáp. “Vậy lỡ hết tiền thì sao?”. “Thì mình cũng ráng nhịn để dành chút đỉnh, kẹt quá thì vay mượn đỡ bà con lối xóm chứ biết sao”. Tôi hỏi tiếp: “Sao mình không ráng dành dụm mua vài công đất làm cho đỡ cực?”.



Không có ruộng, nhiều người phải mưu sinh bằng tấm lưới, nhưng giờ, cá tôm cũng đang dần cạn kiệt

Chị Trang cười buồn: “Dễ gì mua nổi anh ơi. Một công đất ruộng cả 5 - 6 chục triệu, sao mua nổi? Bây giờ chỉ cần có vài công đất thôi, dù hổng giàu nổi, nhưng không phải lo miếng ăn hàng ngày, không phải đi làm thuê. Như chủ đất ở đây nè, đâu cần làm, từ làm đất, trồng cấy đến khi thu hoạch, tất tần tật đều thuê người làm”.

Ngồi cạnh vợ chồng chị Trang là người đàn ông tên Tuấn, năm nay mới 35 tuổi, nhưng do khuôn mặt khắc khổ, sạm đen, khiến anh già hơn đến 10 tuổi. Anh Tuấn cho biết, gia cảnh anh còn khổ hơn nhiều.

“Tui hổng biết sao, từ nhỏ đã thấy cha mẹ đi làm thuê. Nhà nghèo nên tui chẳng được học hành bao nhiêu. Lớn lên lấy vợ, không có nhà phải ở nhờ nhà bà con, vợ bị bệnh giật kinh phong, không biết làm gì, có đứa con gái đầu lòng 13 tuổi thì bị câm”.

KHÔNG THỂ THOÁT NGHÈO

Nếu có vài công ruộng thì khó giàu, chỉ hy vọng thoát nghèo. Nhưng, một thực tế là rất nhiều gia đình không thể có đất. Đơn giản vì quỹ đất của địa phương đã hết. Tại xã Bình Giang (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) có rất nhiều hộ không có mảnh đất trú thân phải sống tạm trên những túp lều ven kênh chứ đừng nói ruộng, phải mưu sinh bằng nghề làm thuê, mót lúa.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Hòn Đất nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Biết, 50 tuổi ở ấp Ranh Hạt, xã Bình Giang, không có một mảnh đất cắm dùi, cả gia đình 6 nhân khẩu, trong đó 3 đứa con còn nhỏ, chưa giúp được gì nhiều, 2 người đàn ông bệnh tật không lao động được, đều trông vào những hạt lúa mót và làm thuê của bà. “Ngày nào làm biết ngày đó, nếu có người thuê thì kiếm được gạo ăn, không lại phải vay của bà con”.



Ở miền Tây, còn rất nhiều người dân chưa có nước sạch để dùng

Gia đình chị Nguyễn Thị Bình với bốn người đang sống trong căn nhà lá lụp xụp, vá chằng chịt bằng đủ thứ vật liệu. Đã xế trưa nhưng chị Bình và hai đứa con vẫn chưa có cơm vào bụng vì còn chờ chồng đang đi làm mướn mang thức ăn về.

“Cả nhà bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào nghề làm mướn của chồng, hai đứa con gái lớn học hết cấp 2 phải nghỉ vì không có điều kiện học tiếp, nhưng nghỉ rồi cũng chưa biết làm gì”, chị Bình cho biết. 

Mấy năm qua vợ chồng chị Bình và những hộ nghèo trong ấp nhiều lần xin xã cấp cho ít đất canh tác, nhưng chưa được.

Chúng tôi không khỏi xót xa khi đến nhà ông Nguyễn Văn Lời, 51 tuổi ở ấp 18, xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, Cà Mau). Cả nhà bốn miệng ăn, trong đó hai đứa con nhỏ đang còn đi học, đều trông vào thu nhập bấp bênh mỗi tháng chừng triệu bạc từ nghề làm mướn của ông Lời. Hiện tài sản lớn nhất của gia đình này là con heo do Hội Chữ thập đỏ tặng trong chương trình “Heo vàng cho người nghèo”.

Chỉ vào căn nhà, ông Lời nói: “Nhà này được chính quyền địa phương, bà con hỗ trợ làm vào năm 2003, đến nay không có tiền sửa, rách nát, muốn sập rồi. Giờ chỉ mong sao mấy đứa nhỏ được học đến nơi đến chốn để mai mốt không phải khổ như cha mẹ nó”.

Ông Nguyễn Văn Coi, trưởng ấp 18, cho biết, ấp có 40 hộ nghèo, trong đó 10 hộ không thể thoát nghèo vì không có đất sản xuất, không vốn liếng, không có lao động, thất học.

Dạo một vòng quanh xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, An Giang), tôi thấy rất nhiều hộ dân sống dọc kênh Ba Mương vẫn tắm giặt, ăn uống bằng nước dưới sông đỏ ngầu phù sa. Gặp một phụ nữ mang bầu đang đứng trước căn nhà tương đối khang trang, tôi tấp lại hỏi thăm, chị cho biết, từ xưa đến giờ vẫn múc nước sông lên lắng phèn để ăn uống.

Ông Lê Văn Viên, Trưởng ấp Vĩnh An cho biết, hiện nay vẫn còn 60 hộ dân chưa có điện và nước sạch sử dụng, điều này làm chính quyền địa phương rất băn khoăn nhưng vẫn chưa tìm ra biện pháp giải quyết vì địa hình nằm ở vùng sâu lại bị chia cắt nên việc đưa điện, nước đến với các hộ dân này gặp nhiều khó khăn. “Việc mưu sinh của bà con thì sao?”, tôi hỏi. “Nói chung còn khó khăn lắm, những hộ có đất thì cũng chỉ vài ba công, thu nhập vừa đủ trang trải. Những người không có đất ruộng thì đi làm thuê, làm mướn tại các địa phương lân cận, thu nhập giỏi lắm chỉ khoảng 60.000 đồng/ngày”.

“Nguyên nhân họ không có đất là vì túng thiếu, bán đi. Hoặc nhà đông con, đến con cháu thì không còn để chia nữa. Cũng có khi họ từ nơi khác đến… Bây giờ hầu hết các địa phương không còn quỹ đất để chia”, thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trung tâm Nghiên cứu Nông Nghiệp Đồng Tháp Mười.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.