| Hotline: 0983.970.780

Nghịch lý rau xanh những ngày rét đậm

Thứ Ba 31/12/2013 , 10:26 (GMT+7)

Khoảng hơn một tháng trở lại đây, nhiều người nội trợ không khỏi than phiền khi tình hình giá cả các loại rau, củ “tăng phi mã”.

Khoảng hơn một tháng trở lại đây, nhiều người nội trợ không khỏi than phiền khi tình hình giá cả các loại rau, củ “tăng phi mã”.

Chị Hà (Định Công- Hoàng Mai- Hà Nội) cho biết: “Giá rau cứ tăng vùn vụt, mới cách đây ba tuần chỉ có 8.000đ/cây súp lơ, vậy mà hôm nay đã tăng lên 15.000 đ/cây, cải thảo cũng tăng từ 10 lên 18.000 đ/kg. Với giá rau hiện tại muốn ăn một bữa lẩu có khi lên tới 300 đến 400.000 đ tiền rau”. 


Rau tại chợ tăng giá hàng ngày

Thời tiết lạnh kéo dài cộng với giá xăng tăng là những lý do để tiểu thương bán rau ở nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội giải thích cho việc tăng giá rau gấp hai, ba lần so với hai tuần trước đây. Chị Hoa, một tiểu thương ở chợ Cầu Tó, tay thoăn thoắt lấy hàng cho khách, miệng giải thích khi bị phàn nàn về giá rau đắt: “Bây giờ là còn rẻ đấy, chứ thời tiết như thế này từ nay đến tết, rau không phát triển được nên còn đắt nữa. Xăng lên giá, rau cỏ khan hiếm, nhập vào giá cao thì chúng em phải bán đắt”.

Với diện tích trồng rau khoảng 250 ha, Văn Đức là một trong những vựa rau lớn ở Hà Nội. Mỗi ngày, người dân Văn Đức cung cấp cho thị trường khoảng 50-70 tấn rau, củ, quả các loại. 

Phía HTX Rau Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội, khẳng định: Nguồn rau năm nay dồi dào hơn so với mọi năm. Mặc dù khoảng hơn một tháng nay thời tiết trở lạnh kéo dài cũng ít nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển của rau, nhưng phần lớn bà con đều có kế hoạch trồng xen canh gối cuối vụ. Vì vậy, dù thời tiết khắc nghiệt cũng không ảnh hưởng tới nguồn rau Văn Đức, địa phương vẫn đủ sức cung cấp rau cho thị trường.

Dự kiến vào giáp Tết Nguyên đán, lượng rau Văn Đức cung cấp cho thị trường tăng thêm từ 10-15 tấn rau mỗi ngày so với thời điểm hiện tại. Dù rau được mùa là thế nhưng người nông dân luôn phải đối mặt với “điệp khúc” mất giá. Ở thời điểm hiện tại, giá rau bán tại ruộng khá rẻ: Bắp cải là 2.000 đ/kg; su hào có giá 3.000 đ/củ; cải cúc là từ 1.000-2.000 đ/bó...


Nông dân vất vả nhưng lại phải bán rau tại ruộng với giá thấp

Mặc dù cả ngày phải vất vả chăm sóc cho lứa rau phục vụ tết nhưng hơn hai tuần nay, tối nào anh Nguyễn Văn Hưng ở đội 7B, thôn Trung Quan, Văn Đức cũng phải chở rau lên các chợ đầu mối trong nội thành để bán, mong “kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy”.

Vừa sắp xếp hàng lên xe chuẩn bị cho buổi chợ đêm, anh Hưng cho biết: “Nhà tôi còn khoảng 3 sào bắp cải đến kỳ thu hoạch. Hiện giờ giá thấp quá nên tôi tự chở hàng đi chợ bán may ra còn kéo lại chút tiền vốn, chứ bán ngay đầu bờ thì lỗ, chả đủ tiền giống và phân bón”.

Theo anh Hưng nhẩm tính, một sào cải bắp, nếu tính tiền mua cây giống, phân bón chi phí khoảng 2,5 triệu đồng. Như vậy, nếu giá rau tại đầu bờ 2.000 đ/kg thì một sào thu được khoảng ba triệu đồng. Với số tiền đó nếu tính cả thủy lợi phí và công chăm sóc thì lỗ lớn.

Như vậy, có thể thấy một nghịch lý, dù nguồn rau dồi dào, giá rau tại nơi sản xuất thấp, người nông dân chịu nhiều thiệt thòi vì thu nhập chưa tương xứng với công lao động và vốn bỏ ra. Trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua rau với giá cao.

Nhà nước cần giúp những vùng sản xuất rau ven đô xây dựng thương hiệu và xác định chính xác chủ thể, tổ chức lại hệ thống phân phối, bán lẻ hợp lý hơn, theo hướng giảm bớt các tầng nấc trung gian.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.