| Hotline: 0983.970.780

Nghịch lý trường nghề

Thứ Năm 16/09/2010 , 10:59 (GMT+7)

Đa số người học trung cấp nghề ra trường đều có việc làm với mức lương khá cao nhưng lạ lùng là rất ít thanh niên theo học.

Đa số người học trung cấp nghề ra trường đều có việc làm với mức lương khá cao nhưng lạ lùng là rất ít thanh niên theo học. Hiện các trường dạy nghề tuyển sinh rất khó khăn.

Mỗi năm Bình Dương cần khoảng 70.000 lao động làm ở các khu công nghiệp. Một doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở KCN VN-Singapore 2 (Bình Dương) cho biết những lao động phổ thông không có tay nghề lương chỉ 900 ngàn - 1,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn muốn tuyển các lao động có trình độ tay nghề, để không phải mất thời gian đào tạo, dù phải trả mức lương cao hơn (1,5- 2,5 triệu đồng/tháng). Chính vì vậy, đối tượng các doanh nghiệp ưu tiên tuyển chọn luôn là học viên của các trường cao đẳng, trung cấp nghề.

Bà Nguyễn Thị Thúy An, cán bộ trường Trung cấp nghề Dĩ An (Bình Dương) nói: Tháng nào trường cũng nhận vài thông báo cần tuyển lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh gửi đến nhưng việc đáp ứng vô cùng khó khăn. Chỉ tiêu đào tạo mỗi năm là 150 em nhưng trường ít khi tuyển sinh đủ. Năm 2009- 2010 chỉ tuyển được 136 học viên. Còn năm học 2010- 2011, đã sắp vào năm học mà đến giờ chỉ mới có được 70 hồ sơ. Nguyên nhân chủ yếu là tâm lý của gia đình và bản thân các em cho rằng nếu đi học thì phải học đại học hoặc chí ít cao đẳng, chứ học nghề thì nghe không… sang, dù thực tế số lượng sinh viên đại học thất nghiệp không nhỏ.

Ngay trường có đầu tư lớn về cơ sở vật chất như Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore với 6 ngành học hệ cao đẳng (Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Cắt gọt kim loại, Quản trị mạng máy tính, Nguội sửa chữa máy công cụ, Công nghệ ô tô), 9 ngành học hệ trung cấp (có thêm ngành Cơ điện tử, Điện dân dụng và Sửa chữa máy tính so với hệ cao đẳng) nhưng đến nay cũng chỉ tuyển được hơn 80% chỉ tiêu. Tại Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore, ngành nhiều học viên theo học nhất là Điện công nghiệp. Toàn trường hiện có khoảng 2.600 học viên thì gần 1.000 học viên đang theo học ngành này.

 Điều đó dễ hiểu vì nhu cầu công nhân ngành Điện trên thị trường lao động đang hút. Tuy nhiên hiện nay nhu cầu tuyển lao động Bảo trì cơ khí ở các doanh nghiệp cũng rất cao nhưng nhà trường tuyển sinh ngành này lại không dễ. Những năm trước, khi ngành học còn mang tên Bảo trì cơ khí thì việc tuyển sinh không khó lắm. Từ khi chương trình khung của Tổng cục Dạy nghề ban hành chỉ có nghề Nguội sửa chữa máy công cụ (nội dung gần nhất với Bảo trì cơ khí), nhà trường buộc phải đổi tên theo, thì đa số học viên chẳng mấy mặn mà. Cả hệ cao đẳng và trung cấp của nghề Nguội sửa chữa máy công cụ năm nay có 160 chỉ tiêu mà chỉ tuyển được 30 hồ sơ theo học.

Ông Nguyễn Thành Trí, Phó Hiệu trưởng trường CĐ nghề Việt Nam - Singapre cho biết, từ khi số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh nhà ngày một tăng, trường không chỉ cung cấp lao động cho các doanh nghiệp trong KCN Việt Nam – Singapore mà cho cả các KCN khác trong tỉnh. Các em khi mới ra trường, mức lương chỉ khoảng 1,6- 2,2 triệu đồng/tháng nhưng sau 1, 2 năm, hầu hết các em về trường đều khoe đã được trả lương trên 3 triệu đồng/tháng vì được xếp loại có tay nghề cao.
Trong khi ngành Công nghệ ô tô ra trường tìm việc không đơn giản thì luôn tuyển đủ, thậm chí vượt chỉ tiêu. Âu cũng là sự tréo ngoe trong việc chọn ngành nghề. Những ngành học có tên sang trọng luôn thu hút được nhiều học viên dù nguồn ra chưa chắc đã dễ. Không chỉ được đầu tư từ nguồn liên kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Singapore cùng với KCN Việt Nam - Singapore, hàng năm trường còn được đầu tư kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay đã có trên 20 tỷ đồng bổ sung mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ học tập đồng bộ, hiện đại, phù hợp tình hình thực tế nên chất lượng đào tạo cao.

Trước thực tế hầu hết học viên hộ khẩu ngoài tỉnh đều ở lại phục vụ tỉnh nhà, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận cho trường được phép thu học phí học viên ngoài tỉnh như học viên có hộ khẩu trong tỉnh. Với chính sách này, số học viên đến từ các tỉnh chiếm gần 50%. Bà Phan Hồng Hạnh, cán bộ nhà trường cho biết: Hơn 80% học viên tốt nghiệp Trường CĐ Nghề Việt Nam - Singapore tìm được việc làm ngay. Số còn lại là do họ không muốn nhận việc ở các doanh nghiệp đến tuyển tại trường vì có nguồn việc nơi khác. Học viên của trường không chỉ có việc làm mà còn dễ dàng tìm việc ở các đơn vị có mức lương khá, ổn định.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.