| Hotline: 0983.970.780

Nghiêm ngặt kiểm dịch tôm giống

Thứ Ba 26/03/2013 , 09:56 (GMT+7)

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản Bùi Đức Quý vừa khảo sát về tình hình thả nuôi tôm ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản Bùi Đức Quý vừa khảo sát về tình hình thả nuôi tôm ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh và làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh này.

Ông Nguyễn Văn Gấm, ấp 3, xã Mỹ Long Nam - một hộ nuôi tôm cho biết, đến thời điểm này, ấp chỉ có khoảng 40% hộ thả giống, trong đó mỗi hộ chỉ thả "thăm dò" từ 1 - 2 ao để theo dõi sự phát triển của tôm. Nếu thuận buồm xuôi gió thì đến đầu tháng 4, bà con sẽ đồng loạt thả nuôi hết số ao còn lại.

Thời gian qua, bà con đều được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KN-KN, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tập huấn quy trình kỹ thuật phòng chống dịch bệnh; cải tạo ao nuôi; chọn và thả giống... Từ đó đã nhận thức được rủi ro có thể xảy ra nếu như nóng vội, không chấp hành lịch thời vụ.

Còn ông Nguyễn Văn Cưng, ấp 2, xã Mỹ Long Nam giới thiệu 1 ao nuôi tôm thẻ 85 ngày tuổi, diện tích 500 m2, được thả nuôi thử nghiệm 18.000 tôm thẻ chân trắng, hiện đạt kích cỡ 60 con/kg. Đây là lần đầu tiên ông Cưng nuôi tôm thẻ chân trắng với mật độ thấp, rất phấn khởi khi tôm nuôi thích hợp và phát triển tốt.


Lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản khảo sát tình hình nuôi tôm

Cũng theo các hộ nuôi tôm ở khu vực, tình hình dịch bệnh đã xảy ra, nhưng tỷ lệ ao tôm bị nhiễm bệnh không cao, chủ yếu là bệnh đốm trắng, đầu vàng và một số ít bị nhiễm bệnh gan tụy. Nguyên nhân do thời tiết lạnh kéo dài, con giống chưa bảo đảm.

Sau khi tìm hiểu về tình hình thả nuôi tôm trong xã, ông Nguyễn Huy Điền nhận định: "Bà con đã tuân thủ lịch mùa vụ tương đối nghiêm so với những năm trước đây. Tất cả các khuyến cáo về việc không sử dụng thuốc BVTV để diệt cua, còng thực hiện rất nghiêm túc.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh cũng đã xảy ra, nhưng mức độ thấp, bà con vẫn có thu hoạch, lời thấp hoặc ít lời và không lỗ lã. Cho thấy đầu vụ đã có bước thành công. Các khuyến cáo về quy trình kỹ thuật được thông tin và người nuôi tôm đã trao đổi, bàn bạc, hướng dẫn nhau và đi đến thống nhất trong việc thả nuôi con giống".

Ông Phạm Minh Truyền, PGĐ Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 12.770 hộ thả nuôi 923.608.000 con giống tôm sú trên diện tích 13.462,73 ha và 631 hộ thả nuôi 211.302.000 tôm thẻ chân trắng, với diện tích 449,88 ha.

Tình hình tôm nuôi bị thiệt hại cũng đã diễn ra khá phức tạp, toàn tỉnh có 674 hộ nuôi tôm sú bị thiệt hại khoảng 54 triệu con giống với diện tích 724 ha, chiếm 5,2% diện tích thả nuôi. Các hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ thưa cũng bị thiệt hại 62 triệu con giống với 110 ha, chiếm hơn 24,5% diện tích nuôi.

Chủ yếu tôm nuôi bị thiệt hại do thả nuôi trong giai đoạn thời tiết không ổn định, mức chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm từ 7 - 10 độ C, dẫn đến tôm bộc phát bệnh đốm trắng, một số diện tích bị bệnh hoại tử gan tuỵ trong giai đoạn từ 20 - 60 ngày tuổi.

Nhìn chung, bà con nuôi tôm ở Trà Vinh đã nâng cao được nhận thức trong nuôi tôm nên rất thận trọng việc chọn và thả nuôi con giống, chọn thời điểm thả nuôi thích hợp để thăm dò sự phát triển của tôm. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định như thiếu nguồn vốn đầu tư do đa số bị thua lỗ. Trong khi đó rất khó khăn để có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng...

Trước đó, Tổng cục Thủy sản đã đi khảo sát các vùng nuôi tôm ở các tỉnh Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Sau lần khảo sát này, Tổng cục sẽ tiếp tục đến khảo sát tình hình nuôi tôm 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.

Bên cạnh đó, là nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng nhất là nguồn kinh phí để xây dựng hệ thống thủy lợi, cải thiện nguồn nước; nhất là diện tích nuôi mới phát triển. Chưa có kết luận về nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi bị nhiễm bệnh gây hoại tử gan tụy gây thiệt hại trên diện rộng, để người nuôi tôm an tâm SX.

Sau khi nghe báo cáo, ông Nguyễn Huy Điền cho rằng, người nuôi tôm ở Trà Vinh đã có bước chuẩn bị rất tốt để thả nuôi năm 2013. Mặc dù dịch bệnh cũng có xảy ra, nhưng không diễn ra đồng loạt như năm ngoái. Điều này cho thấy Trà Vinh đã làm rất tốt công tác tuyên truyền cho người nuôi tôm.

Tuy nhiên cần nghiêm ngặt trong việc kiểm tra, kiểm dịch giống, nhất là giống nhập vào tỉnh. Việc kiểm tra giống phải thực hiện triệt để 5 loại bệnh nguy hiểm: Đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi (MBV), bệnh gây hoại tử gan tụy và bệnh taura.

Về vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, cống đập, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét và có kế hoạch cung cấp nguồn vốn để Trà Vinh xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tôm trọng điểm.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm